Nỗi lo thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng cho mùa đông tới đe dọa sẽ gây bất ổn cho các chính phủ châu Âu, cũng như đe dọa sự đoàn kết của châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.
Sáng 27/7, các hợp đồng khí đốt giao tháng 8 trên trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan đã lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Giá cả tăng vọt sau khi công ty khí đốt Đức Gascade xác nhận rằng, nguồn cung cấp qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 từ Nga sang Đức đã bị giảm xuống còn khoảng 20% công suất.
Từ hôm 25/7, Gazprom đã tuyên bố sẽ vô hiệu hóa một turbin thứ 2 của Siemens tại dự án Dòng chảy phương Bắc do điều kiện kỹ thuật. Trước đó, trong tháng Sáu, Gazprom đã cắt giảm 60% công suất cung cấp với lý do lệnh trừng phạt của phương Tây khiến một turbin khác của Siemens đem đi sửa ở Canada đã không được trả lại.
Với Đức và cả châu Âu, việc thiếu hụt khí đốt đang cực kỳ cấp thiết. Các bộ trưởng năng lượng EU đã thông qua kế hoạch khẩn cấp trong đó các nước EU tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong giai đoạn từ tháng 8/2022 - tháng 3/2023 so với mức trung bình năm 2017 - 2021.
Cho đến giờ Hungary là quốc gia duy nhất phản đối thỏa thuận này. Nhưng Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng, thỏa thuận sẽ cho Tổng thống Nga Putin thấy rằng Nga không thể chia rẽ EU bằng vấn đề khí đốt.
Tuy nhiên, những lo ngại về vấn đề này sâu sắc hơn nhiều so với những tuyên bố trấn an công chúng. CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Biden đang nỗ lực đằng sau hậu trường để giữ cho các đồng minh châu Âu đoàn kết trước sức ép khí đốt từ Nga.
Nhà Trắng đã cử điều phối viên tổng thống về năng lượng toàn cầu Amos Hochstein đến châu Âu hôm 26/7. Ông sẽ đến Paris và Brussels để thảo luận về kế hoạch dự phòng với lực lượng đặc nhiệm năng lượng của Mỹ - EU được thành lập vào tháng 3, một tháng sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu.
“Đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi”, quan chức Mỹ nói về việc Gazprom cắt giảm nguồn cung khí đốt. Họ hiểu đây là sự trả đũa của Nga với các lệnh cấm vận từ phương Tây. Nỗi sợ hãi đã lan ra cả 2 bờ Đại Tây Dương: Theo quan chức này, khủng hoảng khí đốt với châu Âu có thể ảnh hưởng trở lại Mỹ, làm tăng giá khí đốt tự nhiên và giá điện. Đây cũng sẽ là một bài kiểm tra lớn về khả năng phục hồi và đoàn kết của châu Âu chống lại Nga.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ gọi những động thái mới nhất của Nga là “sử dụng khí đốt tự nhiên như một vũ khí chính trị và kinh tế”, “gây áp lực lên thị trường năng lượng, tăng giá cho người tiêu dùng và đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu”. Người phát ngôn tiếp tục tuyên bố Mỹ sẽ làm việc với các đối tác châu Âu để chấm dứt phụ thuộc vào Nga. Nhưng làm cách nào thực sự không dễ.
Trong những ngày tới cũng sẽ có thảo luận về việc tăng sản lượng điện hạt nhân trên khắp châu Âu để bù đắp tình trạng thiếu khí đốt. Đức đang có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022, nhưng các quan chức Mỹ đang hy vọng sẽ thuyết phục được Berlin kéo dài tuổi thọ của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
Đức đã loại bỏ kế hoạch đưa vào vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ. Mỹ đã phản đối đường ống dẫn dầu đó, cảnh báo rằng nó sẽ chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.
Hiện tại, các quan chức cho biết, việc cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu, cùng với sự gia tăng xuất khẩu khí hóa lỏng toàn cầu sang châu Âu, bao gồm cả từ Mỹ, khó có thể đủ bù đắp sự thiếu hụt đó.
Giá cả hàng hóa tăng, sự lúng túng trong điều hành đã dẫn tới mất lòng tin nghiêm trọng của người dân các nước châu Âu. Một số người lãnh đạo chính phủ đã mất chức. Nguy cơ bất ổn nội bộ ở châu Âu đang ngày càng rõ nét trong cuộc khủng hoảng khí đốt đang diễn ra.