Nỗi oan thịt lợn

Hình ảnh miếng thịt lợn gạo trong vụ “sán lợn Bắc Ninh” như góp thêm lửa "thiêu" người chăn nuôi vốn đang điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi.

Hình ảnh miếng thịt lợn gạo có sán lợn tại một trường mầm non ở Bắc Ninh được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội
Hình ảnh miếng thịt lợn gạo có sán lợn tại một trường mầm non ở Bắc Ninh được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội

Sáng đầu tuần, tôi được một chị bạn hào hứng chia sẻ thông tin: “Hôm trước mình phải gọi điện cho cô phụ trách lớp mầm non con trai đang học đề nghị nhà trường loại bỏ hoàn toàn thịt heo ra khỏi thực đơn cho tới khi nào Hà Nội công bố hết dịch sán lợn. Nếu nhà trường vẫn tiếp tục sử dụng thịt heo, thì đến giờ ăn gia đình sẽ đón cháu về. Sáng nay cô giáo đã thông báo, nhà trường đồng ý loại bỏ thịt heo ra khỏi thực đơn...”.

Trưa cùng ngày, một chủ hộ nuôi lợn tại Đoan Hùng, Phú Thọ nhắn tin chua xót: “Thương lái đang ép giá xuống 32. Lợn thì càng ngày càng to, tiền mua cám cũng hết rồi. Thực sự đến lúc này đối với người chăn nuôi thì việc ngăn chặn được dịch tả lợn châu Phi có thành công hay không cũng có thể không còn quan trọng nữa. Vì nếu không bị dịch cũng không thể bán được. Chúng tôi có thể chưa chết vì dịch mà đang chết vì người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn!”

Tính tới hiện tại, kết quả xét nghiệm cho thấy có 204/1.558 trẻ Bắc Ninh phát hiện dương tính sán lợn, tương đương với tỷ lệ 13%. Tỷ lệ này được cơ quan chức năng nhận định không phải điều bất thường. Thực tế, các nghiên cứu những năm gần đây cho thấy, bệnh sán lợn đặc biệt phổ biến ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh, cá biệt một số nơi có tới 25% người dân bị mắc bệnh.

Theo GS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, ký sinh trùng sán lợn nằm trong đất, nước và có thể trong thực phẩm nên có nhiều nguồn lây, có thể ngoài môi trường. Con người ăn thịt lợn bị nhiễm bệnh sán lợn trong trường hợp ăn phải thịt lợn có chứa nang sán (hay còn gọi là thịt lợn gạo, rất dễ nhận biết bằng mắt thường) và nang sán đó phải còn sống.

Ở nhiệt độ 80 độ C, nang sán lợn sẽ bị tiêu diệt. Do đó, hiện tại vẫn chưa thể khẳng định về nguồn lây từ thực phẩm bẩn, cụ thể là từ thịt lợn có sán lợn như phản ánh vừa qua mà cần căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

Cũng cần phải nhấn mạnh, trước kia khi phong tục nuôi lợn tận dụng (cho ăn rau, bèo sống) thì bệnh lợn gạo là khá phổ biến. Tuy nhiên ngày nay chăn nuôi công nghiệp cộng với người chăn nuôi có ý thức định kỳ tẩy giun sán cho lợn nên bệnh lợn gạo là rất ít gặp.

Đáng buồn, những thông tin khoa học trên lại đang chìm nghỉm giữa biển thông tin với từ khóa hot “sán lợn”, “trẻ nhiễm sán lợn”…Hình ảnh miếng thịt lợn gạo rùng rợn tới sởn da gà trong vụ “sán lợn Bắc Ninh” những ngày qua cũng được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Thậm chí, người ta còn không ngần ngại tung tin đang có… “dịch sán lợn” khiến cho cộng đồng hoang mang không dám ăn thịt lợn. Trong thực đơn tại nhiều trường học, công sở, món thịt lợn cũng đã bị gạt ra khỏi danh sách…

Chưa hết bệnh lở mồm long móng lại tới dịch tả lợn Châu Phi và rồi “sán lợn” những ngày qua như đòn chí mạng giáng vào thịt lợn. Và không ai khác, người dân chăn nuôi chân chính phải lãnh đủ bởi nỗi oan từ những kẻ tuồn thịt lợn bệnh ra ngoài thị trường, vào bếp ăn tập thể.

Vụ nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh sớm muộn cũng sẽ được phơi bày ra ánh sáng, những kẻ phạm tội sẽ bị pháp luật trừng trị. Chỉ có điều, không biết tới bao giờ, niềm tin vào thực phẩm sạch mới trở lại để người người không phải "nhắm mắt mà ăn" nữa...

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ