Nhiều độc giả “ghiền” tranh châm-chích-chọc trên các báo đều biết có một biếm sĩ Cận ở TPHCM, chuyên “trị” các tệ nạn xã hội, “thu phát” tức thời các hành vi tiêu cực nóng hổi. Nhưng ít ai ngờ, Cận - hoặc Dũng Cận (không đeo kiếng mà… cái gì cũng thấy!) là người duy nhất sống nhờ vẽ tranh trào lộng - hí lộng, nuôi 6 thành viên, trong đó có 4 người con đã qua đại học.
Bắt đầu vẽ tranh biếm từ năm 1991. Ba năm sau, lần đầu tiên Dũng Cận tham gia triển lãm tranh biếm với CLB họa sĩ biếm của Báo Tuổi Trẻ Cười do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức.
Đầu tư cho bóng đá hay cho… trái bóng?
Tên đầy đủ của biếm sĩ Cận là Nguyễn Văn Dũng. Quê tại Qui Nhơn, Bình Định. Tốt nghiệp Trung cấp Kinh tế lâm nghiệp. Năm 1991, Cận dắt díu vợ và …4 con vào ngụ cư ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Giữa lúc còn bỡ ngỡ, chưa tìm ra phương kế sinh nhai ở vùng đất mới, Báo Tuổi Trẻ Cười là chỗ dựa đầu tiên giúp anh khởi nghiệp tranh biếm họa rồi sau đó trở thành nghề tay phải lúc nào không hay. Suốt hơn 25 năm lao lực, lao tâm, lao trí “cày” cho ra 60 tranh biếm bình quân một tháng, đủ thấy tính sáng tạo, sức làm việc của anh thật đáng nể. Chính chất biếm bẩm sinh trong tư duy nghệ thuật kết hợp sáng kiến riêng thể hiện qua tranh luôn tạo được ý tưởng mới trên nhiều đề tài đã cũ (tham ô móc ngoặc, tệ nạn xã hội…), tranh của anh thu hút sự chú ý của ban biên tập các báo cũng như người xem.
Dưới đây là tự sự của biếm sĩ Cận về nghề biếm họa mà bản thân anh đeo đuổi: “Tôi thua nhiều người về học vấn, địa vị, tiền của, chỉ giàu lòng nhẫn nại và lòng say mê yêu nghề. Tôi làm việc cật lực không kể giờ giấc để đạt “chỉ tiêu” tự mình đề ra, đủ trụ vững ở các tờ báo và nâng cánh cho các con vào đại học. Tranh biếm của tôi đi ra từ cốt cách đất và người miền Trung- chuộng công bằng, ghét nhũng nhiễu.
Chính yếu tố yêu ghét phân minh, rạch ròi đã dẫn dắt tôi cầm cọ vẽ tranh biếm họa. Mỗi tác phẩm đều mang ý tưởng mới, tính trào lộng cao, được công chúng nhìn nhận, đôi khi nó được sánh với một bài báo chống tiêu cực. Người ta hỏi tôi: “Chống tiêu cực là mục tiêu hằng ngày cũng như lâu dài của toàn xã hội, trong đó báo chí góp phần không nhỏ.
Là cộng tác viên của nhiều tờ báo, có bao giờ anh thấy mệt mỏi vì “cọ quẹt châm chích” mãi mà vẫn như cũ?”, tôi xin thành thật trả lời: Chuyện trái tai gai mắt trong xã hội thì thời nào cũng có. Chỉ nói riêng chuyện “ăn” không thông qua dạ dày, nó cứ lặp đi lặp lại ngày một tinh vi hơn, rất khó dứt điểm.
Thế nhưng, tôi nghĩ chống tiêu cực như chiến đấu chống lại căn bệnh nan y, còn nước còn tát. Nói chung, còn tiêu cực là còn cầm cọ, “triệt” cho bằng hết. Tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi, chỉ thấy ngạc nhiên, giận và tức cười vì sự vô cảm như tượng của nhiều nhà “nhũng nhiễu” không hề sợ… nhà đá!”.
Chống ngập |