Hội họa trừu tượng, hay nhạc không lời?

GD&TĐ - Từ 12 đến 18/8/2018, triển lãm “Ngày thứ 49” - triển lãm tranh cá nhân trừu tượng của họa sỹ Nguyễn Ngọc Phương (thạc sĩ nghệ thuật tạo hình), hiện là giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hội họa trừu tượng, hay nhạc không lời?

Đây là lần thứ hai Triển lãm này diễn ra. Tên triển lãm cũng khá lạ và gắn với đạo Phật là “Ngày thứ 49”, với 13 bức vẽ acrylic trên toan cực lớn.

1. Năm 2011, triển lãm Đất Mường ở Hòa Bình (quy tụ gần 30 nghệ sĩ danh tiếng, một nửa là điêu khắc, một nửa là họa sĩ), giống như một “võ lâm đại hội xứ Mường” diễn ra ở Bảo tàng không gian Văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường). Tại trại sáng tác trực tiếp dưới mái nhà sàn Thái, họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương đã vẽ tranh lớn (cùng nhóm sáng tác với hai họa sĩ trẻ hơn là Nguyễn Trần Cường và Vũ Đức Trung).

Bức tranh của họa sĩ Phương vẽ lúc đó là toàn hình các võ sĩ cơ bắp đang quằn quại đấu chọi rất động với chiều quan chiêm từ trên cao. Tên của bức tranh sáng tác năm 2011 ấy tác giả đặt là “Ngày thứ 49”, có chuỗi hạt trong tranh là điều muốn liên quan đến Phật tính khi vẽ…

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương sinh năm 1975, tốt nghiệp khoa Tạo dáng của Mỹ thuật Công nghiệp sau Hiếu Mường và trở thành giảng viên của trường. Cùng với người thầy là họa sĩ Trịnh Tuân và một số anh em, Nguyễn Ngọc Phương là thành viên của nhóm nghệ thuật kết nối rộng với các họa sĩ Đông Nam Á, là nhóm ASIA ART LINK.

Nhóm này duy trì sáng tác và triển lãm thường niên giữa các nghệ sĩ Đông Nam Á, mỗi năm lại dịch chuyển hữu hảo từ nước này sang nước khác trong vùng. Giao lưu với nghệ thuật đang diễn ra ở Đông Nam Á, các họa sĩ trong nước học hỏi được nhiều điều hay của khu vực, cũng như chuyển tải được những đặc sắc của tinh thần nghệ sĩ dân tộc.

Một điểm quan trọng mà nghệ thuật tạo hình trong nước chưa vươn được bằng một số nước Đông Nam Á khác là đang bị quy tụ sáng tác và triển lãm quá tập trung đông kiểu “họp chợ” ở một số thành phố lớn thủ phủ (ở Việt Nam là Hà Nội, Huế, TP HCM).

Ngay tại các thành phố lớn, thì địa điểm sáng tạo và triển lãm cũng không được dàn trải khắp ở các vùng quận, huyện ngoại thành, mà quá tập trung “họp chợ” ở mấy điểm trung tâm. Việc dung hòa, trải nghệ sĩ – xưởng sáng tạo, đất triển lãm rộng rãi và cân bằng ở khắp nước chứ không bị quy điểm tụ ở các thành phố lớn như phục vụ du lịch, thì một số nước rộng lớn như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… đã làm được điều này.

Học tập sự tân tiến trên của nghệ sĩ Đông Nam Á, Nguyễn Ngọc Phương đã lập Polygon Studio (Xưởng nghệ thuật Đa Giác) rộng hơn 400m2 ở nơi xuất thân của mình là số 85 Vân Trì (Đông Anh) và cùng họa sĩ Nguyễn Trần Cường điều hành nơi này từ năm 2008, cách trung tâm Hà thành khoảng 20km.

Xưởng Đa Giác có mục đích “liên kết giữa các nghệ sỹ (các cạnh), tạo ra hiệu ứng tích cực với mong muốn đa dạng hoá các hoạt động nghệ thuật và kết nối những nghệ sỹ có cùng tư tưởng để nhằm làm phong phú hơn cho đời sống nghệ thuật”. Từ 2008 đến 2017, Polygon Studio đã tổ chức được hàng chục triển lãm nhóm cho các họa sĩ cả trong nước và nước ngoài sáng tác trực tiếp tại đây…

2. Trở lại triển lãm cá nhân lần đầu tiên “Ngày thứ 49” của Nguyễn Ngọc Phương tại Bảo tàng Mỹ thuật, họa sĩ đã “chuyển dịch” sáng tạo của mình từ có hình khối gần thực từ năm 2011 trở thành trừu tượng chỉ còn vết sắc với khổ lớn. Lịch sử tranh trừu tượng của thế giới chính thức bắt đầu có triết luận tinh vi của Kandinsky (1866 – 1944) đã từng có ngoài trăm năm. Nhưng trong lịch sử loài người, tranh trừu tượng có lịch sử hàng nghìn năm đến hiện tại, như cách vẽ của thổ dân Australia, hay người da đỏ châu Mỹ chẳng hạn….

Họa nhạc gần nhau, các trường dạy nghệ thuật hay tính gộp đó là một khoa là vì vậy. Có nhạc hành động, thì cũng có hội họa hành động. Có nhạc cải lương, thì cũng có hội họa cải lương, tranh sú – vơ- nia… Muốn xem tranh trừu tượng, thì những khán giả thường thức ít coi tranh muốn hiểu, rất dễ dàng khi coi cách ngắm tranh trừu tượng như là thưởng thức nhạc không lời vậy. Nhạc không có lời, có nhiều cấp độ, từ chuyển thể bản nhạc giai điệu một bài hát, tiếp lên là các bản nhạc tấu.

Cao hơn nữa thì có nhạc thính phòng – giao hưởng, có kịch tính từ khởi nhạc cho đến cao trào rồi xuống, bố cục thành các chương - hồi hẳn hoi và nhiều người hòa tấu cùng lúc mạnh mẽ. Tranh không mô tả hiện thực, trở thành trừu tượng cũng có nhiều cấp như vậy, từ các nét, sắc trang trí nhẹ nhàng, lặp lại, vờn.

Cho đến những loạt tranh khổ lớn, có kịch tính, câu chuyện chỉ có cảm nhận thì rõ nhưng khó thuật lại bằng lời. Bằng hòa hợp như thế giữa họa và nhạc để xem tranh của Nguyễn Ngọc Phương, có thể thấy vẻ sang trọng, mãnh liệt, đậm đà muốn thoát đời của một con người du ngoạn từ khi còn trẻ. Sắc tranh khổ lớn giống như tường đền, miếu cổ, hoặc như vẩy, da của những loài vật huyền thoại.

Vậy những tác phẩm khổ to vật vã của Phương có tính nền triết học kịch tính dài dòng như giao hưởng hay chỉ là một giai điệu bài hát không lời? Hãy xem tự bạch của tác giả: “Hội họa luôn đưa tôi đến những miền cảm xúc về thế giới mênh mang mà tôi chưa biết tới trước đó bao giờ. “Ngày thứ 49” là dự án lâu dài và là quá trình dấn thân của bản thân tôi với nghệ thuật, tôi dành toàn bộ năng lượng, tình yêu và tâm huyết cho điều này.

Cũng như những phù du, bay bổng, lãng mạn, hoang mang nhất, cô độc nhất, trần trụi nhất trong tâm hồn tôi, mong được chia sẻ cùng thế giới tự do và đẹp đẽ”. Đọc lời tự bạch ngắn gọn của tác giả như trên ở cửa vào triển lãm, dù xem tranh trừu tượng với đa diện về hình và sắc nên chưa thể nhìn ra điều gì, nhưng lời tâm sự của người vẽ cũng là kênh dẫn chính nối truyền cảm xúc đến với người xem.

3. Ít người được biết tiểu sử riêng tư của họa sĩ, anh sinh ra ở vùng đất trù phú khu vực bãi phù sa Bắc Thăng Long, cây cối mọi loại ở đây từ cỏ cho đến lúa, cây thân mềm cho đến cổ thụ, đều hưng thịnh khác thường.

Ngay trong vườn nhà của Nguyễn Ngọc Phương vẫn còn cây vối hơn trăm năm tuổi do người trong họ trồng. Họa sĩ sinh trưởng thì những người thân đã ra đi sớm từ khi anh còn nhỏ. Buồn chán và cô độc, chàng thanh niên này thích đi phượt khắp các vùng núi non, biển cả trong nước từ khi còn trẻ, khi lập gia đình và sinh con nhỏ vẫn thích vậy.

Một lần anh đi khám phá cao nguyên hùng vĩ Mèo Vạc ở Hà Giang, trò chuyện thao thao thích thú với một khách trung niên. Tự nhiên người khách hỏi gia đình thế nào, khi được biết chàng trai có gia đình trẻ, con nhỏ rồi mà vẫn bỏ mặc ra đi, bất chợt người trung niên phê bình nặng một hồi rồi từ giao tiếp luôn.

Điều này cũng là một điểm chuyển quan trọng, khiến họa sĩ quyết tâm quay về vùng đất nơi sinh và ở, rồi lập “phường họa Polygon Studio” để sáng nghiệp, từ bỏ cô độc tủi thân vì số mệnh hồi xưa mà hướng về phụng sự tương lai cho cả bản thân lẫn thế hệ trẻ hơn. Đây lại là nơi vùng đất hay cả về tên gọi, nay là phố Vân Trì thuộc xã Vân Nội của huyện Đông Anh.

Như sau khi chúng ta đi du lịch khắp các vùng có địa chính linh vật bên ngoài, dù trong nước hay trên thế giới, khi về muốn nhớ lại, thì những khao khát hay trí nhớ ký ức thành dòng trong mơ, nhưng không thành lời. Hai bản nhạc có lời chập nhau tốc độ khác nhau, cùng phát một lúc cũng thành một thứ gì đó khá giống như là tranh trừu tượng. Hai ba luồng tư duy, cảm xúc cùng đến một lúc, cũng không thể nói ra thành lời được, cảm xúc tâm tư lúc đó tự nhiên trở thành như trừu tượng…

Nếu giản dị hơn, thì chỉ cần thưởng thức qua các tuyệt phẩm nhạc không lời có minh họa bằng các đoạn quay nhanh – chậm về phong cảnh tự nhiên hoặc đền đài thế giới trên Youtube, thì sẽ đồng cảm ngay và được một cách nhanh nhất đối với các tranh khổ lớn, vẽ dồi dào cảm xúc và mạnh sắc trong triển lãm lấy tên “Ngày thứ 49” để liên tưởng đến ngày thành đạo của đức Phật. Và của bất cứ con người thường nào đã mong muốn thoát tục, hướng tới những gì cao cả mênh mang rộng dài, nhưng vẫn bâng khuâng không quên hẳn vui buồn đang thì hiện tại, lẫn những bất trắc từ cổ chí kim…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ