Chẳng hạn như tránh các cuộc biểu tình chính trị, chỉ đi taxi uy tín và bảo vệ hộ chiếu của mình mọi nơi mọi lúc… Tôi cũng hướng dẫn con tìm hiểu các thông tin để biết tự bảo vệ mình. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn con biết tận hưởng trải nghiệm. Thận trọng nhưng không bỏ qua cơ hội tuyệt vời trong đời.
Vậy là con gái đã đặt chân đến thành phố Rotterdam (Hà Lan) xinh đẹp để bắt đầu hành trình học ngành Tâm lý học ở Đại học Erasmus Rotterdam. Suốt mấy ngày nay, tôi bị mất tập trung trong công việc, đêm bị thức giấc nhiều lần vì nhớ con. Lúc này, tôi mới thấm thía tâm trạng của những phụ huynh có con đi du học.
Mấy ngày nay, tôi cứ ra vào bần thần, lo lắng. Ở cơ quan thì cứ mong đến giờ tan sở về nhà để lên mạng gặp con. Hà Lan chênh 5 giờ so với Việt Nam nên buổi tối tầm 20 - 21 giờ tôi ở nhà nói chuyện với con thì ở Hà Lan là 16 - 17 giờ. Đầu tháng 9, con chính thức đi học ở trường thì thời gian được nói chuyện với con sẽ muộn hơn bây giờ vì phải chờ con đi học về. Có khi cuộc sống cũng phần nào đảo lộn vì lệch múi giờ, nhưng vẫn cố gắng đợi để được nhìn con qua màn hình, biết con vẫn ổn thì trong lòng mới yên tâm.
Có thể nói, việc cho con đi du học cũng là một sự đánh đổi rất lớn. Con được thực hiện ước mơ, lý tưởng của bản thân, có cơ hội phát triển, có tương lai tốt hơn nhưng gia đình không được ở gần nhau, mỗi ngày đều có hàng trăm sự lo lắng, sợ hãi vô hình. Tôi phải đánh đổi thời gian ít ỏi được đồng hành cùng con, đánh đổi tiền bạc và rất nhiều tâm tư trong suốt hành trình du học này. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là động viên, dặn dò nhau qua màn hình điện thoại.
Ba năm con học đại học ở Hà Lan cũng đồng nghĩa với ba năm tới, tôi sẽ bận tối mắt tối mũi, quay cuồng đi làm công việc ở trường chính rồi về đi dạy thêm vào buổi tối và cuối tuần, soạn bài, viết bài gửi báo đến 1 - 2 giờ sáng. Tất cả những gì tôi mong nhận lại chỉ là một tương lai xán lạn cho con. Trước khi quyết định xác nhận nhập học ngôi trường đại học này, con gái lớn đã cam kết với mẹ sau khi con học xong, đi làm, sẽ nuôi em học đại học thay mẹ.
Chưa biết tương lai con có thể làm được điều đó hay không nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì con mình có trách nhiệm với gia đình, biết thương bố mẹ và em. Cho dù, con có không nuôi được em học đại học như con nói thì con cũng có thể là tấm gương cho em học tập, chỉ dẫn cho em nhiều điều thay mẹ, hỗ trợ được em nhiều điều trong tương lai, ít nhất là trong lĩnh vực học tập. Như thế, tôi thấy cũng là mãn nguyện lắm rồi.
Những nỗi lo thường trực trong tôi đó là tài chính nuôi con ba năm học đại học… Tôi lo con gái ở Hà Lan với mức sinh hoạt phí đắt đỏ, con lại sống tiết kiệm quá, không dám ăn uống tử tế. Tôi lo con gái đi làm thêm nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi lo con gặp gỡ, kết bạn với người xấu sẽ sa ngã, đắm chìm vào các buổi tiệc tùng vui chơi cùng bạn bè mà quên mất nhiệm vụ chính của mình.
Tôi lo cho sự an toàn của con. Châu Âu đang có chiến tranh giữa Nga và Ukraine, cũng ảnh hưởng đến một số nước láng giềng vì người dân chạy sang các nước khác xin tị nạn. Dân nhập cư đông, trộm cắp, lừa đảo sẽ xảy ra nhiều hơn. Chính trị bất ổn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, trong đó có các du học sinh.
Sở thích của tôi bây giờ là được nghe kể về cuộc sống của con. Đôi khi chỉ là những điều rất đơn giản như hôm nay ăn gì, gặp những ai, thời tiết ra sao. Tôi luôn hào hứng khám phá đất nước Hà Lan qua lăng kính của con...
Đối với tôi thì con học đại học ở trong nước hay nước ngoài đều tốt cả. Đi du học Hà Lan là nguyện vọng, mong ước của con nên dù có nhiều nỗi lo, niềm băn khoăn nhưng tôi vẫn đồng ý với quyết định của con, luôn tôn trọng mọi quyết định, chỉ dặn dò con phải cố gắng học tập tốt và chăm sóc bản thân cẩn thận. Ngày nào tôi cũng gọi một cuộc điện thoại video qua Zalo hoặc WhatsApp. Nhiều khi thấy con không bắt máy, đoán con bận nhưng tâm lý tôi không yên tâm nên cứ để lại tin nhắn.
Tôi lựa chọn tin tưởng con mình. Thay vì liên tục gọi điện cho con, tôi chỉ gọi một lần để hỏi tình hình cuộc sống của con. Tôi hướng dẫn con cách rèn luyện ứng xử nhanh nhạy trên phố khi đi du học, chẳng hạn như việc tránh các cuộc biểu tình chính trị, chỉ đi taxi uy tín và bảo vệ hộ chiếu của mình mọi nơi mọi lúc. Tôi cũng hướng dẫn con tìm hiểu các thông tin để biết tự bảo vệ mình.
Con gái xa nhà càng dễ bị rung động với những quan tâm, chăm sóc của người khác giới, nhất là những người từng trải. Xa cha mẹ, trở thành người tự do, con dễ rơi vào tình trạng không biết điểm dừng. Chính vì vậy, tôi chủ động hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình để không bị tổn thương về mặt tình cảm cũng như sức khỏe, tâm lý.
Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn con biết tận hưởng trải nghiệm. 3 năm học đại học là quãng thời gian tuyệt đẹp của các cô cậu sinh viên. Các con có cơ hội khẳng định mình trong học tập, các hoạt động xã hội cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm chuẩn bị cho ngày ra trường.
Vì vậy, tôi luôn hướng cho con thận trọng nhưng không bỏ qua cơ hội trải nghiệm tuyệt vời trong đời. Kể cả tình yêu, là điều mà tôi lúc nào cũng lo lắng. Tôi tin rằng, một thời gian nữa, con sẽ thích nghi được với môi trường sống và học tập ở Hà Lan. Dù xa gia đình, dù sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng con sẽ rất ổn vì bên cạnh luôn có ông bà, bố mẹ, các bác, chú dì, các em quan tâm, lo lắng và đồng hành cùng con.
Bất cứ lựa chọn nào cũng đều có mặt tích cực và tiêu cực, tuy nhiên, thay vì để những nỗi lo bủa vây lấy tâm trí, tôi nghĩ mình cần tin tưởng con. Tôi để con tự do, khi con cần giúp đỡ thì sẵn sàng trở thành người bạn, chỗ dựa cho con, chỉ xuất hiện khi con cần mình. Tôi luôn nhớ rằng, mình hay con đều có cuộc đời riêng. Bố mẹ vui, cũng là lúc con vui vẻ, yên tâm tung cánh ở phương trời mới.