Khi học nội trú, trẻ sẽ được quan tâm, giám sát từ nhà trường, tham gia những chương trình vui chơi, phát triển thể chất và tinh thần. Trẻ cũng được tập sống tự lập, có nhiều mối quan hệ.
Chỉ dành cho học sinh… cá biệt?
Không ít người có những ý kiến trái chiều khi nói tới việc cho trẻ đi học nội trú. Có phụ huynh cho rằng, trường nội trú là môi trường chỉ dành cho những học sinh cá biệt, hư. Hoặc, đó là nơi dành cho những học sinh không được cha mẹ quan tâm. Thậm chí, một số người nhận định, học nội trú khiến trẻ không được thoải mái, khiến người học gò bó. Có ý kiến khác cho rằng, học nội trú là môi trường khắc nghiệt, gây áp lực lớn đối với trẻ…
Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều phụ huynh lại cho rằng, cách suy nghĩ đó không còn phù hợp. Hiện nay, ở những quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ và Canada, nhiều gia đình thường lựa chọn cho trẻ học tại các trường tư thục nội trú.
Việc phân vân có nên cho con học trường nội trú hay không được cho là xuất phát từ thực trạng xã hội ngày nay. Bởi, xã hội ngày càng phát triển, mọi người đều bận rộn với “guồng quay” cuộc sống. Vì vậy, việc không có thời gian chăm sóc, đưa đón con đi học cũng trở thành điều không mấy xa lạ. Trong khi đó, trường nội trú là nơi có thể đáp ứng được nhu cầu học xa nhà của học sinh. Không ít trường nội trú mang lại cho trẻ môi trường học tập tốt và năng động. Tuy nhiên, khi trẻ bước vào độ tuổi THPT, việc học xa nhà khiến không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng.
Ở các nước phát triển đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhiều gia đình đã chọn trường nội trú cho con. Điển hình là vị tỷ phú công nghệ Mark Zuckerberg (người sáng lập Facebook) hay Ted Turner (người sáng lập kênh truyền hình CNN) đều xuất thân từ những trường nội trú.
Tại Vương quốc Anh - nơi các trường nội trú có lịch sử lâu đời, nhiều tổ chức cung cấp giáo dục nội trú. Bên cạnh đó, không ít trường công lập dành cho cả trẻ em đến từ những vùng xa xôi. Ở Mỹ, hầu hết các trường nội trú đều dành cho trẻ học lớp Bảy hoặc Chín đến lớp Mười hai. Một số trường nội trú Mỹ có một năm “post-graduate” để giúp sinh viên chuẩn bị vào đại học.
Trong khi đó, các trường nội trú tại Anh cũng được coi là lựa chọn giáo dục ưu tú như Eton College và Harrow – “cái nôi” đào tạo một số thủ tướng Anh. Bên cạnh đó, các trường nội trú cũng đóng vai trò là nơi để đào tạo những trẻ em được coi là một vấn đề đối với cha mẹ hoặc xã hội.
Môi trường học tập nội trú thông thường có rất nhiều học sinh đến từ các khu vực. Tại trường, trẻ sẽ cùng học tập và sống chung một mái nhà. Không ít người ví rằng, trường nội trú là ngôi nhà thứ hai của học sinh. Trường nội trú cũng là nơi được coi như một xã hội thu nhỏ. Tại đây, trẻ có thể học hỏi và tự hoàn thiện bản thân.
Bên cạnh nhà trường, gia đình cũng cần quan tâm trẻ. Ảnh minh họa |
Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng
Tuy nhiên, điều quan trọng khi sống trong một môi trường tập thể là học sinh cần có tính kỷ luật cao, tự lập và hòa đồng. Chị Nguyễn Thanh Hương - phụ huynh hiện có con học tại một trường nội trú ở Hà Nội - chia sẻ: “Từ khi cho con học nội trú, vợ chồng tôi không còn phải vội vã sớm tối đưa đón cháu. Chúng tôi cũng không cần nhờ người đưa con đi học thêm tiếng Anh, lớp Nghệ thuật, hay lo ngại vấn đề an toàn giao thông. Đặc biệt, tôi không còn lo về việc con có tập trung học hay mải chơi”.
Theo nữ phụ huynh này, mọi lịch sinh hoạt, giờ ăn uống ngủ nghỉ, học tập của con chị đều diễn ra theo thời gian biểu và trong khuôn viên trường, có sự quản lý của thầy cô chủ nhiệm, quản nhiệm. Mỗi cuối tuần khi trẻ về nhà, gia đình chị cùng nhau chia sẻ về sở thích, định hướng. Trẻ cũng kể với cha mẹ những chuyện thú vị đã xảy ra ở trường.
Chị Hương cũng bật mí thêm: “Khi học xa nhà, con trưởng thành lên trông thấy. Bây giờ cháu đã có chính kiến riêng, chứ không còn bảo gì nghe nấy nữa. Ban đầu, tôi cũng hơi bất ngờ. Mặc dù thời gian bên con ít hơn trước, nhưng trẻ đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tích cực”.
Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống ATC, giảng viên kỹ năng mềm - cho biết, khi học tại trường nội trú, cơ sở giáo dục sẽ có một lộ trình riêng. Do đó, trẻ không chỉ học tập, được quan tâm giám sát từ nhà trường, mà còn có những chương trình vui chơi, phát triển thể chất và tinh thần khác.
Trẻ cũng được tập sống tự lập, có nhiều mối quan hệ. Tuy nhiên, học nội trú cũng lấy đi thời gian của trẻ bên gia đình. Sự trò chuyện trực tiếp giữa cha mẹ và con giảm, thiếu vắng sự va chạm một số khía cạnh thực tế xã hội. Sự tự trải nghiệm, khám phá của trẻ cũng hạn chế theo.
Theo Thạc sĩ Thịnh, để chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi học nội trú, cha mẹ cần giúp con đón nhận lối sống theo khuôn khổ, kỷ luật. Trẻ cũng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích nghi với những mối quan hệ, công việc, học tập nhiều hơn… Ngoài ra, phụ huynh cũng được khuyến khích trò chuyện và làm rõ mục tiêu muốn con học nội trú.
Ví dụ, cha mẹ có thể nói về lý do, như vì hoàn cảnh gia đình, hay vì muốn tốt cho con. Nhờ đó, để trẻ hiểu và chấp nhận. Cha mẹ cũng cần làm rõ với trẻ rằng, khi học nội trú, con sẽ xa gia đình. Thời gian cha mẹ gặp trực tiếp con sẽ giảm và xem cảm xúc của trẻ thế nào.
Không ít phụ huynh băn khoăn về độ tuổi phù hợp để trẻ có thể học nội trú. Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh cho biết: “Không phải là độ tuổi nào thì sẽ phù hợp với việc học nội trú. Thay vào đó, trẻ sẽ phù hợp để học nội trú khi biết sống tự lập, biết cơ bản về kỹ năng tự chăm sóc bản thân, thói quen sống gọn gàng, có tính kỷ luật bản thân, biết yêu thương quan tâm người khác. Những điều này muốn có được phải bắt nguồn từ những thói quen trước đó và sự giáo dục từ trong gia đình”.
Độ tuổi không phải là yếu tố quyết định để học nội trú. Ảnh minh họa |
Không “phó mặc” trách nhiệm cho trường
Anh Nguyễn Hùng Mạnh - một phụ huynh có con đang học tại trường nội trú ở Hà Nội - cho biết, do gia đình có điều kiện nên quyết định cho trẻ học xa nhà. Phụ huynh này chia sẻ, thời gian gần đây, con anh thường xuyên mê điện tử, bị bạn bè lôi kéo trốn học đi chơi. Áp dụng nhiều biện pháp, nhưng con vẫn không chịu học, vợ chồng anh Mạnh không biết làm thế nào.
“Tôi không biết làm cách nào để con chịu học. Cháu đã có dấu hiệu sẽ hư. Nếu tiếp tục thế này, không biết tương lai cháu sẽ ra sao. Tôi chuyển trường để cách ly con với bạn bè. Tuy nhiên, sang trường mới, cháu cũng không thay đổi”, anh Mạnh kể.
Vì vậy, sau khi được bạn bè giới thiệu, vợ chồng anh Mạnh quyết định để con học tại trường nội trú, với hy vọng “phó mặc” tất cả việc dạy trẻ cho thầy cô. Tuy nhiên, thực tế, sau khi tốt nghiệp ra trường, con anh Mạnh... vẫn vậy.
Theo Thạc sĩ Thịnh, trường nội trú sẽ có chương trình giáo dục dành cho các em có nhu cầu ở lại. “Trẻ sẽ được giám sát và quan tâm, có những chương trình giúp các em phát triển toàn diện. Vì thế mà việc “rảnh rỗi sinh nông nổi” giảm. Cha mẹ xem đây là một cách để giải quyết vấn đề thì cũng có lý của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý, khi con hết học nội trú ở trường thì sẽ trở về nhà. Gia đình cần có những phương án đồng hành cùng con. Các con sẽ không ở nội trú mãi hay được sự giám sát liên tục. Các con cần được lớn lên, được hướng dẫn đồng bộ từ nhà trường, gia đình”, chuyên gia nhấn mạnh.
Vì vậy, theo Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh, cha mẹ không nên giao phó tất cả việc giáo dục con mình cho nhà trường. Thực tế, việc giáo dục trẻ cần sự đồng bộ từ nhà trường, gia đình. Gia đình cần dành thời gian và định hướng phù hợp cho trẻ. Đồng thời, dành thời gian tâm sự để hiểu con. Từ đó, đồng hành với trẻ trong hành trình lớn lên, khám phá cuộc sống ở nhiều khía cạnh sức khỏe, gia đình, tình bạn, tình yêu, công việc và những giá trị khác.
“Ngày nay, đời sống vật chất tăng cao. Nhiều gia đình có xu hướng chạy theo đời sống vật chất, lo kinh tế. Kết quả ‘điều tra về kiến thức, thái độ, hành vi của cộng đồng về quyền trẻ em’ tại 10 tỉnh, thành với sự tham gia của 3.000 người cho thấy, các nhu cầu rất quan trọng đối với trẻ, nhưng chưa được gia đình quan tâm là: Vui chơi giải trí, phát triển năng khiếu, quyền được tiếp cận thông tin thích hợp và tham gia những hoạt động xã hội”, chuyên gia dẫn chứng.
Thạc sĩ Thịnh cho biết, điều quan trọng là phần lớn các em cho rằng: “Cha mẹ vẫn chưa hiểu rõ mình; Đa số cha mẹ chưa hiểu vì chỉ lo vật chất, cơm ăn áo mặc cho chúng em, còn lại là không quan trọng”. Vì vậy, thời gian dành cho con, sự quan tâm, yêu thương trẻ cũng giảm đi nhiều.
“Chúng ta hay nói với nhau rằng, gia đình là nơi để về, là bình yên, là hạnh phúc. Vậy mà hôm nay, chúng ta vẫn thấy đâu đó còn nhiều tâm sự của người trẻ về sự cô đơn trong gia đình, mất điểm tựa. Nếu có thể, cha mẹ hãy dành một chút gì đó cho con mình, một chút thời gian bên con mỗi ngày, tâm sự hay chơi cùng con, một vài câu hỏi về ngày hôm nay. Như thế, tôi tin các em sẽ có chút ấm lòng và là động lực để học tập, phát triển, tình thương giữa cha mẹ và con triển nở”, Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh chia sẻ.