(GD&TĐ) - Trong thời gian gần đây, mặc dù thời tiết diễn biến khá phức tạp, nắng nóng gay gắt và khô hạn kéo dài trên diện rộng, nhưng nạn ốc bươu vàng vẫn đang hoành hành trên những thửa ruộng của bà con nông dân thuộc địa bàn hai xã Sơn Viên, Quế Lộc (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Người dân lặn lội bắt ốc |
Suốt cả ngày làm lụng vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thế nhưng, khi lúc trời chạng vạng tối, người dân hai xã Sơn Viên, Quế Lộc vẫn không được nghỉ ngơi. Họ vẫn phải lặn lội ra đồng tỉ mẩn diệt trừ nạn ốc bươu vàng đang dần xâm chiếm cánh đồng, gây nguy hại cho lúa. Dụng cụ của họ khá đơn giản, là những chiếc găng tay, đèn pin, ngọn đuốc, giỏ xách hay túi ni lông. Những thửa ruộng được ví như khu công nghiệp nhộn nhịp, đông đúc, thắp sáng thâu đêm. Nhưng đằng sau đó là nỗi lo lắng đến mất ăn mất ngủ cùng tiếng thở dài chua chát. Thắc mắc trước hiện tượng chưa từng thấy này, khi tôi hỏi thì được anh Phan Chiến giải thích: “Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, buổi tối đều tập trung ra ruộng hết. Hơn nữa, nghỉ hè các con không phải học bài. Ban đêm trời mát mẻ nên ốc bươu vàng bò lên mặt nước cắn ngang thân cây lúa, tàn phá dữ dội; chứ ban ngày trời nắng như thiêu như đốt, chúng “khôn” lắm, chui sâu hoắm xuống bùn trú ẩn làm răng mà bắt được”.
Theo con số thống kê, trên địa bàn hai xã Sơn Viên, Quế Lộc có 597ha lúa. Thời điểm hiện tại, 1/3 diện tích lúa đều bị ốc bươu vàng cắn phá toàn bộ, gây ô nhiễm môi trường. Nhìn mông lung ra cánh đồng rồi chỉ tay về phía 6 sào ruộng vừa gieo sạ xong, giọng chị Phạm Thị Minh nghẹn ngào buồn bã: “Tôi đã gieo sạ lại lần thứ ba mà lúa vẫn không mọc lên được vì ốc quá nhiều. Chỉ qua một đêm là đám ruộng xơ xác. Nhà neo người nên bắt không xuể. Mà mỗi lần sạ lại như rứa, phải thuê người làm ải, lên luống, lồng đất và mua giống mới nên chi phí rất tốn kém. Nếu kiểu ni kéo dài, chắc tôi đành bỏ ruộng hoang thôi”.
“Sắp tới, xã sẽ có phương án trích một phần ngân sách hỗ trợ những chủ điền có diện tích lúa bị ốc phá hoại nghiêm trọng, và kêu gọi các đơn vị liên quan quyết liệt chỉ đạo kịp thời để hạn chế khả năng mất mùa trong vụ hè thu 2013 ở mức thấp nhất”, ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Viên thông tin.
Với số lượng ốc đỉnh điểm mỗi ngày thu gom được lên hàng vài tạ, nhưng không có đại lý để thu mua, nên bà con địa phương nơi đây tự xử lý bằng cách đập lấy phần ruột chế biến dùng làm thức ăn cho tôm, cá, gia súc, gia cầm; đào hố chôn cất hoặc tập kết về một địa điểm cố định rồi thiêu hủy.
Đến nay, cây lúa đang ở giai đoạn 25 ngày tuổi, đây là thời kì lúa phát triển mạnh, đẻ nhánh sinh sôi. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, thì ốc bươu vàng là một trong những sinh vật gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam và sinh trưởng chủ yếu vào vụ lúa hè thu, khi nhiệt độ nóng lên nên hàng trăm hécta ruộng đang dần thoi thóp, có nguy cơ tàn lụi và trở thành miếng mồi “béo bở” của chúng.
Trao đổi với chúng tôi trước vấn nạn này, ông Trần Thanh Quang – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Nông Sơn cho biết: “Trước hết, huy động toàn bộ lực lượng nông dân sử dụng biện pháp thủ công là bắt bằng tay, tiêu diệt ổ trứng. Nếu tình hình vẫn không khả quan, sẽ tiếp tục hướng dẫn dùng thuốc hoá chất theo sự chỉ đạo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện. Đồng thời, ban quản lý thủy lợi lên kế hoạch cụ thể điều tiết mực nước hợp lý, kết hợp nhiều biện pháp một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, tích cực hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng trừ chặt chẽ theo đúng quy trình để lúa nhanh chóng phát triển, hồi sinh”.
PV