Nỗi lo mùa đông

GD&TĐ - 9 tháng sau sự bùng phát của đại dịch, số ca tử vong trên toàn cầu do Covid-19 đã lên tới 1 triệu người vào tuần trước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Con số này được cho là dấu hiệu đáng báo động, khi không ít chuyên gia sức khỏe dự đoán, tỷ lệ đó có thể tăng hơn gấp đôi trong 3 tháng tới.

Đặc biệt, khi bước vào mùa đông - thời gian cúm mùa xuất hiện, các ca bệnh Covid-19 ở nhiều quốc gia có thể tăng mạnh. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, “ước tính tốt nhất” chỉ ra rằng, khoảng 1/10 người trên toàn thế giới - gấp hơn 20 lần số trường hợp được xác nhận, có thể đã nhiễm Covid-19. WHO cảnh báo, giai đoạn phía trước có thể sẽ vô cùng khó khăn.

Theo ước tính của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe thuộc Đại học Washington (Mỹ), tới cuối năm nay, sẽ có khoảng 2,3 triệu người tử vong vì đại dịch. Janet Hatcher Roberts - đồng Giám đốc Trung tâm Hợp tác của WHO về Kiến thức và Đánh giá Công nghệ Y tế, cho biết mức độ tăng tốc đó “là có khả thi”.

“Thực tế là loại virus này rất dễ lây lan. Dự báo hoàn toàn có lý, bởi chúng ta không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát một cách đồng bộ và hệ thống. Điều này để lại lỗ hổng trong khả năng ứng phó với dịch bệnh”, bà Roberts cảnh báo.

Cũng theo chuyên gia này, những người đang trải qua “sự mệt mỏi do đại dịch” và phớt lờ lời khuyên về sức khỏe, cũng như phủ nhận về tác hại của Covid-19 là những nhân tố khiến số ca mắc mới tiếp tục tăng tốc.

Michael Baker - Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago ở New Zealand, đồng quan điểm rằng, đại dịch đang tiếp tục diễn biến nghiêm trọng hơn, với hơn 35 triệu người nhiễm bệnh tới nay. Tuy nhiên, các chiến lược phản ứng đa dạng được cho là đang có tác dụng trong việc ngăn chặn Covid-19.

Theo đó, các quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang theo đuổi cách tiếp cận ngăn chặn, giữ số ca mắc Covid-19 ở mức thấp. Ngược lại, hầu hết quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ đang chứng kiến sự bùng phát trở lại, ngay khi nới lỏng các biện pháp.

Khi mùa đông đang ngày một đến gần ở nhiều quốc gia, không ít người lo ngại về tình hình dịch bệnh. Theo các chuyên gia y tế, mùa đông có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp ở các nước ôn đới. Lý do là bởi, mọi người dành nhiều thời gian hơn ở các không gian kín đông đúc, virus có khả năng tồn tại lâu hơn trong điều kiện nhiệt độ thấp. Ngoài ra, việc tiếp xúc với thời tiết lạnh cũng có thể làm giảm khả năng chống lại sự lây nhiễm của cơ thể.

Đây là yếu tố then chốt khiến hàng loạt chuyên gia thế giới cảnh báo, tốc độ lây lan của Covid-19 sẽ tăng “chóng mặt” vào mùa đông này. Vì vậy, phản ứng y tế công cộng mạnh mẽ bao gồm xét nghiệm, điều trị, truy vết, kiểm dịch và cách ly vẫn được coi là những biện pháp không thể thiếu. Một số quốc gia “buông lỏng” trước đại dịch, như Mỹ, Ấn Độ, Brazil... đều chứng kiến số ca mắc bệnh tăng vọt.

Chưa dừng ở đó, cúm mùa cũng là nguyên nhân khiến nỗi lo “chồng” nỗi lo. Bởi lẽ, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ rất khó để phân biệt giữa các triệu chứng của cúm và Covid-19. Giả thuyết này đã vẽ ra một bức tranh “u tối”. Khi đó, khả năng cao là hệ thống y tế sẽ quá tải.

Đáng lo ngại hơn, nhiều người sẽ lựa chọn ở nhà, thay vì đi xét nghiệm. Tất cả những điều này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe ở một số khu vực trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.