Nỗi lo mới về an toàn cho trẻ mầm non

GD&TĐ - Bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non khi đến trường là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà trường nào cũng chú trọng.

Giáo viên đóng vai trò quan trọng giúp trẻ nhận biết nguy hiểm khi giao tiếp với người lạ. Ảnh minh họa
Giáo viên đóng vai trò quan trọng giúp trẻ nhận biết nguy hiểm khi giao tiếp với người lạ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, vẫn còn những tai nạn đáng tiếc, lo lắng hơn cả là tình trạng trẻ bị bắt cóc. Thực tế trên cho thấy cần nhiều hơn nữa việc truyền thông giáo dục nhận thức, hiểu biết về an toàn cũng như giúp trẻ tự bảo vệ mình trước các nguy cơ có thể xảy ra.

Thêm nỗi lo

Dư luận về những vụ bạo hành trẻ đi học tại các nhóm trẻ mầm non độc lập vừa nguôi ngoai thì ngày 19 - 20/9, sự việc đau lòng lại xảy ra với bé gái ở Gia Lâm. Bé bị bắt cóc đòi tiền chuộc và không còn cơ hội trở về với gia đình.

Vấn nạn bạo hành chưa qua lại thêm tình trạng bắt cóc trẻ. Đây là những lo lắng của nhiều bậc cha mẹ và cả nhà trường. Bởi thực tế phản ánh, không phải cha mẹ nào cũng có điều kiện tự đưa đón trẻ nên phải trông cậy vào người thân hoặc thuê người đưa đón.

NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ - chuyên gia hàng đầu về giáo dục mầm non (GDMN) chia sẻ: Trường mầm non, nơi mà trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục an toàn. Tuy nhiên, chỉ một chút sơ sểnh có thể xảy ra tai nạn, thế nên phải chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống bởi trẻ chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân khỏi những nguy hiểm xung quanh.

Trong hoàn cảnh đó, các cơ sở GDMN cần đảm bảo cho các bé được sống trong một môi trường an toàn cả về sức khỏe, tinh thần. Nhà trường cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ trẻ tốt nhất. Trong đó, tăng cường giáo dục nhận thức là cách làm hiệu quả. Giáo dục để trẻ biết nhận thức đúng sai và phải tránh xa những nguy hiểm rình rập là điều mà không ít cơ sở GDMN cần chủ động thực hiện.

Trẻ chờ gia đình đến đón tại Trường Mầm non Merystar Hà Nội. Ảnh: TG

Trẻ chờ gia đình đến đón tại Trường Mầm non Merystar Hà Nội. Ảnh: TG

Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình

Theo TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, mầm non là bậc học đầu tiên trong cuộc đời của trẻ. Trẻ bắt đầu rời xa cha mẹ để đến với người mẹ thứ hai là “cô giáo mầm non”. Với trẻ, cô là người dạy dỗ, chăm sóc và cái uy của cô với trẻ lúc này rất lớn. Chính vì vậy, cô giáo mầm non không chỉ có tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, mà còn phải tạo và giúp trẻ được an toàn; thân thiện để trẻ thấy như đang ở với bố mẹ.

Thời gian qua, trong giờ học của các trường thực hành sư phạm trực thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, những nội dung được giáo viên tập trung dạy để giúp trẻ nhận biết hành động nguy hiểm cần tránh: Không đi, làm theo yêu cầu của người lạ; Không tự mở cửa cho người lạ vào nhà; không nhận quà hoặc đồ chơi, tiền, bánh kẹo, sách truyện… của họ. Nhận biết tình huống nguy hiểm và kêu cứu khi bị người lạ kéo đi, bị đánh, bị bế lên xe; không trả lời người lạ khi bị dò hỏi tên, số điện thoại của bố mẹ.

Còn ở Trường Mầm non Merystar, Hà Nội, chia sẻ của cô Hiệu trưởng Bùi Thanh Anh, tại trường, trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng; giáo dục nhận thức một số hành vi trong ăn uống, thao tác vệ sinh cá nhân. Đặc biệt là cách thức tự bảo vệ mình trước những hiểm nguy như bị bắt cóc. Đến giờ tan học, giáo viên phụ trách lớp trực tiếp giao trẻ cho phụ huynh. Nếu là cha mẹ, người trong gia đình đón, cho dù các cô đều nhớ mặt và biết tên, nhưng vẫn theo dõi thái độ xem trẻ có chấp nhận việc được đón về hay không. Nếu trẻ phản ứng, các cô sẽ liên hệ ngay với gia đình, báo ban giám hiệu.

Từ thực tế dạy học, cô Nguyễn Thị Thu (Trường Mầm non Merystar) cho rằng: Ở lứa tuổi này, trẻ rất nhạy cảm với cái mới, sớm hình thành và phát triển những hiểu biết, kỹ năng nhận biết đúng sai.

“Chúng tôi dạy các bé biết cách giữ an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Dạy trẻ biết từ chối những người có thể gây nguy hiểm để tự vệ như: Không mở cửa cho người lạ, không ăn hay uống bất cứ vật gì từ người lạ, không đi theo người lạ, không đưa thứ gì của mình theo yêu cầu của họ; không nói tên, số điện thoại của bố mẹ hoặc cô giáo cho người lạ. Khóc thật to, kêu cứu, vùng vẫy, chống trả, cắn vào tay họ để mọi người chú ý đến mình…”, cô Thu cho hay.

“Giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ diễn ra thuận lợi nhất ở giai đoạn mẫu giáo. Điều này giúp trẻ hình thành và củng cố kỹ năng nhận biết và phòng tránh những nguy cơ không an toàn với bản thân. Giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường mầm non có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau: Lồng ghép trong hoạt động học tập, thông qua chế độ sinh hoạt hàng ngày, hoạt động vui chơi… Thực tế cho thấy đây là cách làm hiệu quả không chỉ ở nhà trường mà có thể thực hiện tại gia đình, do phụ huynh thực hiện”, ông Đặng Lộc Thọ nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.