Nói không với hình thức “thầy hỏi, trò đáp”

Nói không với hình thức “thầy hỏi, trò đáp”

Đa dạng hình thức tổ chức dạy học

Tại Trường Nguyễn Tất Thành, mỗi bài học sẽ được thiết kế thành chuỗi hoạt động theo nhiều hình thức tổ chức dạy học khác nhau. Nhấn mạnh tối kị việc áp dụng dạy học đồng loạt (thầy hỏi, trò đáp) cho cả 1 tiết học, TS Nguyễn Thị Thu Anh cũng cho biết, nhà trường tăng cường tổ chức thảo luận với các nhiệm vụ học tập có sự phân hóa về độ khó. Khi lựa chọn hình thức tổ chức dạy học theo nhóm, GV sẽ linh hoạt thành lập các nhóm gồm các HS cùng năng lực nhận thức, sở thích, kiểu trí tuệ hay nhóm HS trình độ, phong cách học tập, sở thích khác nhau để thiết kế nhiệm vụ học tập đáp ứng đặc điểm của từng nhóm.

TS Nguyễn Thị Thu Anh lấy ví dụ: Dạy bài 36, Địa lý 10, GV đã thiết kế bài tập dành cho nhóm HS có trí tuệ logic - toán về đánh giá sự phát triển của ngành giao thông vận tải là: “Sưu tầm các thông tin, lựa chọn các số liệu phù hợp, hãy lập một dòng thời gian về sự phát triển của vận tải ô tô (khối lượng vận chuyển, luân chuyển, cơ sở vật chất…) qua các năm”. Như vậy, GV đã tạo cơ hội để HS có trí tuệ logic - toán được huy động khả năng nhận biết các dạng logic, khả năng suy luận để thực hiện nhiệm vụ.

Việc ghép nhóm linh hoạt giữa các đối tượng HS khác nhau, theo TS Nguyễn Thị Thu Anh, giúp GV trao cho HS cơ hội được làm việc với nhiều bạn trong lớp để các em hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả. Phân nhóm linh hoạt giúp tất cả HS học tập tiến bộ, đồng thời phát triển khả năng làm việc hợp tác cho HS. Ví dụ: Dạy về nội dung Các cuộc phát kiến địa lí, Lịch sử 10, GV cho phép HS có sở thích đóng vai được tái hiện lại hành trình tìm ra châu Mỹ của C.Colombo. HS được phân vai một cách chi tiết, với các nhiệm vụ khác nhau đã thể hiện được một cách sinh động, chính xác bối cảnh và lịch sử nhân vật thời kỳ này ở Tây Âu thế kỷ XV – XVI.

TS Nguyễn Thị Thu Anh cũng cho biết, dạy học cá nhân đang được chú trọng hơn trong các giờ học ở Trường Nguyễn Tất Thành. HS trong một lớp học có sự phân hóa rõ rệt về năng lực nhận thức, phong cách học tập và thế mạnh trí tuệ. Ví dụ, những HS có trí tuệ nội tâm hay phong cách học qua đọc và ghi chép thích được làm việc độc lập, suy nghĩ một mình, tự liên kết kiến thức với kinh nghiệm đã có. Những HS này sẽ có cơ hội thực hiện nhiệm vụ học tập cá nhân phù hợp. Mục đích cuối cùng là giúp các em dễ dàng tiếp cận kiến thức theo cách riêng của bản thân.

Không bó hẹp trong lớp học

Học sinh Trường Nguyễn Tất Thành trong một hoạt động trải nghiệm. Ảnh: TG
Học sinh Trường Nguyễn Tất Thành trong một hoạt động trải nghiệm. Ảnh: TG

Không chỉ tổ chức dạy học trên lớp như truyền thống, các hình thức dạy học ngoài lớp, tổ chức hoạt động trải nghiệm của giáo viên đang đem lại các cơ hội học tập mới cho HS. Giáo viên đưa kiến thức môn học gắn liền với cuộc sống, giúp HS học được từ thực tiễn, đồng thời cũng nhận ra có thể ứng dụng các kết quả học được vào đời sống của bản thân.

Lấy ví dụ từ môn Ngữ văn, TS Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ: Các yêu cầu cần đạt trong môn Ngữ văn gắn với các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe (sự cụ thể hóa của mục tiêu năng lực, phẩm chất HS cần sở hữu) cũng thể hiện sự cần thiết mở rộng không gian lớp học ra khỏi cánh cửa nhà trường. Nhiều GV cho rằng, môn Ngữ văn rất khó tổ chức dạy học ngoài lớp học, song thực tế không phải vậy. Văn học là cuộc đời. Cuộc đời là nơi khởi phát của văn học, cũng là cái đích của mỗi sáng tác văn chương. Thế giới đời sống chính là “cảm hứng” khơi gợi ý tưởng sáng tạo cho nhà văn. Thông điệp trong mỗi tác phẩm hướng người đọc luôn trăn trở, nghĩ suy về các vấn đề của con người và cuộc đời. Các GV Ngữ văn ở Trường Nguyễn Tất Thành đã biết biến thế giới đời sống bên ngoài trở thành một môi trường, một nguồn tài nguyên học tập. Hình thức dạy học ngoài lớp đã được GV Ngữ văn vận dụng hiệu quả trong các bài học như: Quan sát, thể nghiệm (lớp 10), Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn (lớp 11), Tạo lập bản tin (lớp 11), Tạo lập văn bản quảng cáo (lớp 11), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (lớp 12), Phát biểu theo chủ đề (lớp 12).

Nhiều bài học môn Lịch sử ở Trường Nguyễn Tất Thành được tổ chức học trải nghiệm ngoài lớp học, tại các bảo tàng, khu di tích lịch sử, các làng nghề… Ví dụ, chương trình Lịch sử 7, mạch nội dung về Vương triều nhà Trần được triển khai tại Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương. HS rất hứng thú cùng nhau nghe thuyết minh từ cán bộ của Ban quản lý di tích để hoàn thành phiếu học tập được giao; cùng nhau tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi; cùng nhau ghi chép thông tin từ các hiện vật tại khu di tích; cùng chơi các trò chơi dân gian (cướp cờ, đá cầu…); cùng tham gia trò chơi rung chuông vàng để kiểm tra các kiến thức đã học được. HS được phát triển năng lực như tự nghiên cứu tài liệu, phân tích, tổng hợp tư liệu lịch sử để đưa ra các nhận xét đánh giá chính xác… Quá trình trải nghiệm tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc giúp HS nâng cao ý thức tự hào dân tộc và nhận thức được trách nhiệm trong bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa.

“Dạy học ngoài lớp học, đang được đẩy mạnh ở Trường Nguyễn Tất Thành. Môn Sinh học lớp 6 có 2 chủ đề dạy học trải nghiệm theo cách này. Đó là chủ đề “Phân loại thực vật – Thực hành giâm cành” học tại Vườn Sinh học (Khoa Sinh học Trường ĐHSP Hà Nội) và chủ đề “Tham quan thiên nhiên – Tìm hiểu đa dạng thực vật ở Việt Nam và trách nhiệm của công dân” học tại Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam (Thanh Trì, Hà Nội). Môn Toán lớp 10 có 2 chủ đề dạy học ngoài lớp học, đó là chủ đề “Tìm hiểu về giá taxi 4 chỗ ở Hà Nội” và chủ đề “Vận dụng toán thống kê để khảo sát chiều cao và cân nặng của HS Trường Nguyễn Tất Thành”TS Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ