Theo Independent, bộ trưởng Môi trường Scotland, bà Roseanna Cunningham mới đây thông báo, các nhà lập pháp nước này đang soạn thảo bộ luật mới nhằm cấm sản xuất và bán mặt hàng bông ngoáy tai nhựa tại thị trường Scotland.
Nếu bộ luật mới ra đời, đây sẽ là quốc gia đầu tiên trong Liên Hiệp Anh cấm sản xuất các mặt hàng gây hại cho môi trường.
Các nhà vận động môi trường mô tả động thái trên của chính phủ là một "tin tuyệt vời" bởi nó sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm biển và bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Bà Cunningham khẳng định: "Việc cấm bông ngoáy tai nhựa là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tham vọng giải quyết rác thải nhựa trên biển. Mặc dù đã có nhiều chiến dịch ra đời nhưng mọi người vẫn tiếp tục tuồn các loại rác thải nhựa từ nhà vệ sinh. Việc này cần phải dừng lại.
Hệ thống cống rãnh của chúng ta đang thu thập và xử lý ít nhất khoảng 945 triệu lít nước thải mỗi ngày. Nhưng chúng không được thiết kế để xử lý các loại vật dụng bằng nhựa có kích thước nhỏ như bông ngoáy tai. Và chính những thứ này sẽ giết chết động vật biển và các loài chim khi nuốt phải chúng".
Bông ngoáy tai bằng nhựa là loại rác được tìm thấy chủ yếu trên các bãi biển và gây hại cho nhiều loài động vật hoang dã
Bà Cunningham khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra các loại bông ngoáy tai có thể phân hủy. Đồng thời, bà cũng kêu gọi người tiêu dùng cần chung tay với chính phủ để bảo vệ môi trường tự nhiên.
Trong khi đó, tiến sỹ Richard Dixon, giám đốc tổ chức Friends of the Earth Scotland chia sẻ: "Quyết định này là tin tuyệt vời cho môi trường và các loài động vật hoang dã. Bông ngoáy tai nhựa là dấu hiệu dễ thấy nhất cho thói quen lãng phí của con người và chúng đang xuất hiện khắp các bãi biển trên thế giới".
Dixon tin rằng, đây là một động thái đúng hướng của chính phủ Scotland. Hồi năm 2014, nước này đã đánh thuế 5P lên túi ni lông tại các cửa hàng, siêu thị và mở chiến dịch gửi trả lại chai, lon đồ uống. Đây đều là những hoạt động hiệu quả giúp định hướng xã hội sử dụng tài nguyên một cách hợp lý hơn.
Tiến sĩ Lyndsey Dodds, trưởng ban Chính sách biển của tổ chức WWF hoan nghênh quyết định của Scotland. Ông cho rằng, bông ngoáy tai nhựa là một dạng ô nhiễm biển phổ biến nhất, do đó lệnh cấm là đúng và cần thiết.
Bên cạnh đó, Dodds không ngần ngại chỉ ra những tác hại nguy hiểm của rác thải nhựa đang tàn phá môi trường, sự sống của các sinh vật biển và thậm chí lây nhiễm vào chính nguồn thức ăn, nước uống của con người.
Hơn hết để cứu được các đại dương cần có những biện pháp và hành động tham vọng hơn nữa của chính phủ, ngành công nghiệp và cả người tiêu dùng các nước.