Nói không với bạo lực giới và quấy rối tình dục

GD&TĐ -Nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực giới cho giảng viên, sinh viên đồng thời học tập kinh nghiệm quốc tế về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc từ các chuyên gia Đức và Mỹ, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) của Đức đồng tổ chức Hội thảo: “Phòng chống bạo lực giới tại nơi làm việc: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế”.

Nói không với bạo lực giới và quấy rối tình dục

Tại hội nghị các đại biểu trong nước và quốc tế đã chia sẻ những tham luận xung quanh vấn đề giới và việc phòng chống bạo lực giới tại nơi làm việc. Quấy rối tình dục (QRTD) gây ra những tác động lớn cho toàn xã hội nói chung và bản thân phụ nữ nói riêng, làm giảm hiệu quả công việc, gây mất tự tin và ảnh hưởng xấu tới thể chất và tinh thần của người bị hại. Vì vậy, QRTD là hành vi phân biệt đối xử đáng lên án và không dung thứ.

Hiện nay, luật pháp quốc tế như Tuyên ngôn nhân quyền thế giới, Công ước CEDAW, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Công ước ILO111 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp đều nghiêm cấm các hành vi bạo lực giới, hành vi QRTD. Trong những năm qua, Việt Nam quan tâm hơn đến việc phòng chống QRTD, trong đó có phòng chống QRTD tại nơi công cộng và QRTD tại nơi làm việc. Bộ luật lao động năm 2012 của Việt Nam nhấn mạnh việc nghiêm cấm mọi hành vi QRTD tại nơi làm việc. Như vậy, quyết tâm đẩy lùi bạo lực giới và QRTD tại nơi làm việc là mục tiêu quan tâm chung của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng Khoa Giới và Phát triển nhấn mạnh: Trên thực tế QRTD tại nơi làm việc diễn ra âm ỉ, nhức nhối, gây bức xúc cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Để phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc có hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực từ nhiều phía để đảm bảo một môi trường làm việc không có QRTD. Khoa Giới và Phát triển và Viện FES mong muốn các thành viên tham dự Hội thảo lắng nghe các phần trình bày của các chuyên gia và cũng như tìm kiếm các giải pháp để có thể giảm thiểu, ngăn ngừa QRTD tại nơi làm việc, thúc đẩy việc làm bền vững. Đặc biệt, mỗi chúng ta hãy cương quyết nói không với bạo lực giới và QRTD.

Bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó, là hậu quả của việc phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới và bất bình đẳng giới. Quấy rối tình dục là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới, vi phạm quyền con người và nhân phẩm con người, chà đạp lên danh dự của người bị hại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ