Chọn ngành nghề có ích cho gia đình, xã hội
Là con đầu trong gia đình nghèo có 3 anh em, từ nhỏ thầy Nguyễn Ngọc Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang, Gia Lai) thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, nam sinh đặt mục tiêu cho bản thân là chọn ngành nghề phù hợp để có ích cho gia đình và xã hội.
Mong muốn trở thành một nhà giáo, có thể dạy chữ, hỗ trợ cho học sinh nghèo như cha của mình, Nguyễn Ngọc Sơn quyết thi vào Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn.
“Hoàn cảnh gia đình tôi lúc bấy giờ khá khó khăn nên để vào được Đại học dường như không thể. May mắn, ngành Sư phạm khi đó được miễn học phí nên tôi mới có điều kiện để theo đuổi mơ ước của mình”, thầy Sơn tâm sự.
Năm 2000 sau khi tốt nghiệp ra trường, thầy Sơn về quê nhà dạy chữ cho học sinh vùng khó. Những ngày đầu nhận công tác, Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang) chỉ có 3 phòng học với 6 lớp cùng 6 giáo viên. Cơ sở vật chất thiếu thốn nên nhà trường bố trí 3 lớp học buổi sáng và 3 lớp buổi chiều. Thế nhưng, trụ sở trường chưa có nên các em phải học nhờ khuôn viên Lâm trường. Đến năm 2003, Trường THPT Trần Hưng Đạo được xây dựng, từ đó học sinh và giáo viên mới có môi trường làm việc và học tập đủ đầy.
Sau 14 năm gắn bó, thầy Nguyễn Ngọc Sơn chuyển công tác và giữ chức Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Kpă Klơng. Xã Kon Thụp nơi ngôi trường đóng chân có 5 làng, trong đó 3 làng đặc biệt khó khăn. Cuộc sống thiếu thốn nên đa số học sinh một buổi lên lớp, thời gian còn lại đi nương rẫy phụ giúp cha mẹ. Có những em suy nghĩ dừng việc học để gia đình đỡ vất vả. Chính vì vậy, thầy Sơn luôn trăn trở việc duy trì sĩ số và vận động học sinh ra lớp.
Mỗi khi học trò vắng, cứ khoảng 5 giờ sáng, hoặc 7 giờ tối thầy Sơn lại cùng giáo viên đến nhà vận động, tuyên truyền để các em ra lớp. Có những hôm đến 9 giờ khuya các thầy cô mới lò dò từ làng về trường. Đối với những gia đình, phụ huynh không hợp tác, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để bà con hiểu tầm quan trọng của việc học.
“Nếu sĩ số đảm bảo, mỗi tháng nhà trường vẫn tổ chức đến thăm nhà học sinh khó khăn để sẻ chia vất vả và động viên các em cố gắng trong học tập”, thầy Sơn nói.
Vận động mạnh thường quân hỗ trợ học sinh
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn cùng học sinh của mình. |
Trên hành trình vận động, hỗ trợ cho học sinh, có những hoàn cảnh éo le khiến thầy Sơn trăn trở. Cách đây 2 năm, trong thời gian ôn thi tốt nghiệp, do hoàn cảnh khó khăn, em Trum quyết định dừng việc học để phụ cha mẹ. Thương trò ham học, thầy Sơn cùng giáo viên trong trường đến nhà tuyên truyền và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ để em Trum tiếp tục đến lớp. Sau 1 tuần vận động, Trum cũng đến trường ôn thi. Trong kỳ thi năm đó, Trum đã đậu Đại học.
Trước đó không lâu, 3 học sinh của Trường THCS & THPT Kpă Klơng rủ nhau nghỉ học để đi làm công nhân. Không muốn các em bỏ dở giữa chừng, nhà trường mời phụ huynh cùng học sinh lên nói chuyện và đưa ra ví dụ về lợi ích của việc học. Sau đó, 3 em này đã tiếp tục học tập, hiện nay đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định.
Không chỉ vận động học sinh chú trọng việc học, thầy Sơn còn kết nối các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng quà Tết, học bổng cho những em vượt khó vươn lên trong học tập. Đặc biệt ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc, tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số vươn lên.
“Tết Nguyên đán vừa qua, nhà trường đã tặng 50 suất quà, trị giá 300.000 đồng/suất cho học sinh khó khăn, học tốt. Đồng thời bản thân tôi cũng kêu gọi bạn bè thành lập Hội đồng hương Mang Yang nhằm giúp học sinh nghèo, tiếp tục học Đại học. Giáo viên nhà trường cũng tích cực bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu để các em có thể đậu tốt nghiệp”, thầy Sơn chia sẻ.
Thầy Sơn cùng cán bộ, giáo viên kêu gọi hỗ trợ nhu yếu phẩm để tặng cho người dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ. |
Với những quan tâm, sẻ chia của thầy Sơn và tập thể cán bộ, giáo viên 4 năm liền học sinh Trường THCS & THPT Kpă Klơng đều đậu tốt nghiệp 100%. Đặc biệt năm học 2020-2021, em Nguyễn Thị Thảo trở thành thủ khoa của tỉnh Gia Lai.
Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, thầy Nguyễn Ngọc Sơn là một trong những nhà giáo điển hình, tiêu biểu trong công tác nuôi dưỡng và vận động học sinh ra lớp. Bên cạnh đó, hàng năm thầy đều có sáng kiến kinh nghiệm và được hội đồng khoa học của ngành xếp loại Khá trở lên