Nối giáo cho … dịch

GD&TĐ - Dịch tả lợn châu Phi đã và đang tràn qua các tỉnh thành trong cả nước, gây thiệt hại nặng cho người nuôi heo từ nhiều tháng qua. Hiện chỉ còn một tỉnh chưa bị dịch tả lợn châu Phi “ghé thăm” là Ninh Thuận. Ngoài lí do khách quan, một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh, trải dài trên nhiều địa bàn nông thôn thời gian gần đây là do chính con người “nối giáo cho … dịch”.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Từ khi dịch xuất hiện, Ban Phòng chống dịch tả lợn châu Phi đã được thành lập ngay từ Trung ương đến… xã. Ấy thế mà vẫn không ngăn được “cơn bão dịch bệnh” này, một phần cũng là do việc “nối giáo” trên đây. Mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng đưa ra những cảnh báo và cách giải quyết khá thuận lợi cho người nuôi heo nếu có dịch tả lợn châu Phi, như mỗi con heo bị dịch sẽ được hỗ trợ tiền, rồi ngân hàng sẽ giãn nợ hoặc tiếp tục cho vay để người chăn nuôi gầy dựng lại đàn heo… nhưng hầu như nhiều người vẫn bỏ ngoài tai những lời cảnh báo đó. Thay vì báo với ngành chức năng khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên đàn heo thì người chăn nuôi, hoặc là tự mua thuốc cho heo ốm uống hoặc là gọi thú y đến tiêm. Dĩ nhiên là chẳng có con heo nào mắc dịch được tiêm thuốc khỏi bệnh cả. Chúng lăn ra chết sau khi tốn một mớ tiền thuốc và trả công cho thú y. Tiếp theo đó, heo chết sẽ được mang ra mương, cống, ao hồ rồi vất xuống đó chứ không tập trung lại, rải thuốc khử trùng và thiêu hủy như đã hướng dẫn. Có lẽ người chủ của đàn heo bị dịch chả sợ gì những hệ lụy từ chính quyền mà là do thói quen xấu lâu nay. Ở quê, hễ trong nhà có con vật nuôi nào chết, thay vì đi chôn lấp thì mang ra ao hồ, cống rãnh vứt cho… nhanh. Như thể cứ tổng đồ dơ bẩn ra khỏi nhà thì ắt nhà mình sẽ sạch vậy.

Việc làm cẩu thả và thiếu suy nghĩ này khiến cho cả làng chịu trận với mùi hôi thối từ xác heo chết. Chưa hết, theo dòng nước các con kênh, dịch đã được “dẫn dắt” về các chuồng trại khác. Như một hiệu ứng đô-mi-nô, một thời gian ngắn sau đó, đa số đàn heo dọc các kênh mương phía hạ lưu bị mắc bệnh theo.

Điển hình cho cách gieo rắc dịch bệnh ở heo thời gian gần đây là các vùng nông thôn ở tỉnh Quảng Ngãi. Đi dọc theo các tuyến kênh mương Thạch Nham thuộc huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Mộ Đức của tỉnh này, không khó để phát hiện số heo chết nằm khá nhiều trên kênh. Đây cũng là những địa phương có số heo bị dịch cao nhất. Tỉnh Quảng Ngãi đang huy động tối đa nguồn lực cũng như mạng lưới tuyên truyền viên, về tận các… chuồng heo để giải thích với người chăn nuôi rằng hễ có dịch thì nên báo với cơ quan chức năng để có kế hoạch tiêu hủy, rằng chỉ có báo cáo với chính quyền về số heo bị dịch bệnh thì mới được hỗ trợ. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh này vẫn chưa có dấu hiệu dừng, số heo chết vứt bừa bãi trên các dòng kênh vẫn tiếp tục tăng. Hệ thống loa truyền thanh ở các xã ngày nào cũng “quyết liệt chống dịch”.

Không riêng gì Quảng Ngãi, các địa phương trước khi “quyết liệt” chống dịch tả châu Phi trên đàn heo cũng nên chống quyết liệt tình trạng “nối giáo cho… dịch” như vừa kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ