Điều này cho thấy, cần có chiến lược bứt phá để nhiều người biết tình trạng bệnh của mình, người mắc bệnh được tiếp cận với dịch vụ điều trị…
Những điểm tối cần xóa bỏ
Theo Trưởng phòng Giám sát, theo dõi, đánh giá và xét nghiệm (Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế) Võ Hải Sơn, trong quý 1/2018, cả nước ghi nhận 2.092 người nhiễm HIV mới, trong đó có 454 người tử vong. Như vậy, tũy tích từ khi có dịch đến nay, nước ta ghi nhận 208.775 trường hợp mắc bệnh còn sống.
So với thời kỳ đỉnh dịch (2006 - 2007), số người mắc mới có xu hướng giảm. Ông Sơn cho biết: Cách đây khoảng 10 năm, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 30.000 bệnh nhân nhiễm mới, nay con số trên chỉ còn 1/3, số người tử vong do AIDS cũng chững lại, ở mức 2.000 ca/năm.
Nhìn vào bản đồ dịch tễ bệnh cho thấy, HIV/AIDS tập trung chủ yếu ở đầu đất nước (Tây Bắc và Tây Nam bộ). Trong số này, 70% người mắc là nam giới. Độ tuổi phổ biến nhất từ 20 - 49. Con đường lây nhiễm bệnh có sự thay đổi, từ phần lớn liên quan đến tiêm chích ma túy sang tình dục, đặc biệt số trường hợp lây nhiễm trong nhóm đồng giới nam, với mức tăng trung bình 2%/năm.
Với đặc thù phát hiện bệnh sớm, điều trị ARV và sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, tiêm chích sẽ giảm khả năng lây truyền bệnh cũng như kéo dài thời gian sống người mắc nên từ năm 2008 nhiều chương trình dự phòng được triển khai. Đó là việc tư vấn xét nghiệm HIV lưu động tại cộng đồng, cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí… Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 75% người nhiễm biết tình trạng bệnh của mình. Với 25% số người nhiễm HIV nhưng không biết tình trạng bệnh của mình là nỗi lo với toàn xã hội bởi họ có thể lây bệnh cho nhiều người vì nhiều lý do khác nhau.
Tại sao dịch có từ lâu, các biện pháp can thiệp tương đối phổ biến nhưng vẫn còn nhiều người chưa tiếp cận được. Câu trả lời được nhiều người đưa ra là sự kỳ thị. Sự kỳ thị có thể từ người dân, từ chính nhân viên cung cấp dịch vụ đã khiến người bệnh, đặc biệt là nhóm người đồng tính không dám công khai sự khác biệt của bản thân. Họ cũng không dám đến cơ sở y tế để thụ hưởng dịch vụ ngay cả khi ốm đau chứ nói gì đến việc tư vấn, xét nghiệm HIV. Và khi nhóm người này càng thu mình lại, trốn trong bóng tối đồng nghĩa với việc nguy cơ lây nhiễm bệnh gia tăng.
Chờ đợi sự bứt phá
Theo kết quả hoạt động tư vấn xét nghiệm tại cơ sở y tế và cộng đồng của 7 tỉnh, có 266.909 lượt người được xét nghiệm (chiếm 54,5% số lượt trong toàn quốc) phát hiện 11.426 lượt người có kết quả dương tính với virus HIV. Điều này cho thấy, việc tư vấn xét nghiệm giúp nhiều người biết tình trạng sức khỏe của mình.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, đối tượng đích được hướng đến là người tiêm chích ma túy và bạn tình của họ, bạn tình của người nhiễm HIV, mại dâm và người có quan hệ đồng giới nam… gây không ít khó khăn cho nhân viên tư vấn xét nghiệm bởi không phải người bệnh nào cũng chấp nhận việc công khai danh tính bạn tình.
Hơn nữa, quy định hiện tại đang hạn chế việc tiếp cận thông tin bởi kết quả xét nghiệm dương tính chỉ được thông báo cho đối tượng cụ thể nên bảo hiểm y tế, cán bộ công nghệ thông tin, thậm chí là nhân viên y tế tuyến xã, phường cũng không được tiếp cận khi người nhiễm chưa điều trị.
Ngoài ra, việc điều trị dự phòng hiện nay mới áp dụng cho người phơi nhiễm HIV trong quá trình làm nhiệm vụ và phụ nữ có thai cũng đang khiến cho công tác phòng chống căn bệnh này giậm chân tại chỗ.
Từ hạn chế trên,ông Sơn cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi chính sách để phù hợp với tình hình mới như mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, đảm bảo kinh phí và mở rộng đối tượng thụ hưởng trong dự phòng lây nhiễm HIV.
Còn về phía Cục Phòng chống HIV/AIDS, ông Sơn cho biết, đang cập nhật các phương pháp phát hiện sớm HIV. Kỹ thuật được nhiều người kỳ vọng nhất hiện nay là xét nghiệm phát hiện HIV bằng nước bọt vì vừa rẻ tiền (khoảng 40.000 đồng/que thử) và đảm bảo bí mật. Hiện phương pháp này được triển khai thí điểm tại Hà Nội, TP HCM, sắp tới là Cần Thơ, Thái Nguyên, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu.
“Phương pháp này có độ chính xác lên tới 99%. Trường hợp dương tính sẽ tư vấn làm xét nghiệm máu chẩn đoán HIV tại cơ sở y tế để có kết quả chính xác. Nếu kết quả xét nghiệm máu âm tính sẽ làm xét nghiệm định kỳ lần sau”, ông Sơn chia sẻ.