Bảo hiểm y tế - sự sống còn của bệnh nhân nhiễm HIV

GD&TĐ - Với người bình thường, bảo hiểm y tế (BHYT) được coi là cứu cánh khi không may họ ốm đau phải vào viện điều trị. BHYT lại càng quan trọng với người mắc bệnh mãn tính hay truyền nhiễm, khi việc điều trị kéo dài suốt đời.

Bảo hiểm y tế - sự sống còn của bệnh nhân nhiễm HIV

Người bệnh tiếp cận dần với bảo hiểm

Nếu như các bệnh khác có nhiều lựa chọn về phác đồ, thuốc thì với người nhiễm HIV, cho đến nay, các nước đều sử dụng thuốc ARV để ức chế sự phát triển của virus gây bệnh trong máu bệnh nhân.

Trước kia, thuốc điều trị cho người nhiễm HIV phần lớn do tài trợ. Tuy nhiên, khi Việt Nam đạt được thành tựu nhất định về kinh tế xã hội, y tế thì nguồn tài trợ trên bị cắt giảm hoặc chuyển sang hình thức khác. Mặc dù quá trình cắt giảm trên có lộ trình nhưng cũng đủ khiến người bệnh bi quan bởi họ đã quen với việc dùng thuốc miễn phí và quan trọng hơn là hầu hết người nhiễm HIV đều gặp khó khăn về kinh tế.

Làm thế nào để người bệnh tiếp cận được thuốc với giá cả phải chăng, các chuyên gia quốc tế và trong nước cùng nhận định không còn cách nào khác là dựa vào sự chia sẻ của cộng đồng thông qua BHYT. Nhưng lúc này, cơ quan chức năng mới nhận ra bấy lâu nay BHYT gần như “bỏ quên” nhóm đối tượng này.

Theo TS Dương Thúy Anh (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế), trước tháng 10/2016, tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) ở mức 50%. Một cuộc vận động đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả. Thêm một cuộc vận động để người nhiễm HIV hiểu được tầm quan trọng của chiếc thẻ BHYT để tự mua BHYT cho mình hoặc cùng chi trả với sự hỗ trợ của các tổ chức…

Sau một thời gian nỗ lực, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT tăng rõ rệt, bà Thúy Anh chia sẻ. Tính đến tháng 2/2017, cả nước có 64% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV tham gia bảo hiểm. Con số này tiếp tục tăng và đến tháng 3/2018 đạt 83,4%. Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Cà Mau là những địa phương có tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT đạt 100%. 30 tỉnh, thành phố khác có tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, cũng còn một số tỉnh, thành có mức tham gia dưới 70% như Thanh Hóa, Bến Tre, Bình Thuận, Quảng Trị hay một số nơi lại xuất hiện tình trạng sụt giảm độ bao phủ như Quảng Ninh, Đồng Nai. Nguyên nhân được các địa phương đưa ra do thẻ hết hạn, người bệnh chưa kịp mua hoặc đang trong thời gian chờ cấp thẻ mới, chưa lấy thẻ…

Đưa thuốc ARV về cơ sở y tế: Cần một chiến lược bền vững

Thuốc ARV được cấp cho người nhiễm HIV tại cơ sở điều trị gần dân nhất. Theo lộ trình, từ tháng 1/1/2019, loại thuốc này sẽ có mặt tại 191 cơ sở điều trị từ nguồn BHYT nhằm đáp ứng nhu cầu của 48 ngàn bệnh nhân.

TS Dương Thúy Anh cho biết: Hiện cơ quan chức năng đang thực hiện nhiệm vụ đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp. Dự kiến đến tháng 7 - 8 sẽ hoàn thành thỏa thuận khung và ký hợp đồng. Từ tháng 9 - 12 sẽ đặt hàng thuốc và phân thuốc về kho để ngày đầu tiên của năm 2019 sẽ đến tay người bệnh.

Tuy nhiên, khoảng thời gian để các đơn vị thực hiện lộ trình đưa thuốc về cơ sở điều trị không còn dài, trong khi còn một lượng không nhỏ bệnh nhân HIV chưa có thẻ BHYT. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không được tiếp cận với thuốc điều trị khiến lượng virus trong máu tăng trở lại, là nguồn gây bệnh cho cộng đồng.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương cần chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV. “Việc thanh toán thuốc ARV qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS là bắt buộc, các địa phương không cố níu kéo hay dựa vào nguồn viện trợ. Địa phương nào để bệnh nhân không tiếp cận được với thuốc ARV, trước tiên là trách nhiệm của lãnh đạo Sở Y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định.

Còn theo bà Stephanie De Goes, Điều phối viên Chương trình PEPFAR tại Việt Nam, việc đưa thuốc ARV vào bảo hiểm và giảm thủ tục hành chính để nhiều người nhiễm HIV tiếp cận được với bảo hiểm là nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam. Tuy nhiên, BHYT được xác định là xương sống của chương trình điều trị HIV/AIDS, để chương trình này phát triển bền vững Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS, thay đổi nhận thức của người bệnh về BHYT cũng như tạo môi trường thân thiện thông qua thay đổi thái độ, kỹ năng tư vấn, truyền thông của nhân viên y tế với người bệnh…

Các địa phương cần kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS để tiếp nhận bệnh nhân cũng như tiếp tục mở rộng đạt mục tiêu cả nước có 250 cơ sở vào năm 2020. Bảo hiểm xã hội tiến tới lồng ghép quản lý bệnh nhân HIV/AIDS, dữ liệu điều trị ARV vào hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân của BHYT trong hệ thống chung của cả nước, có như vậy mới quản lý và điều trị cho người bệnh HIV tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Juventus ‘dứt tình’ với Paul Pogba

Juventus ‘dứt tình’ với Paul Pogba

GD&TĐ - Juventus chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với tiền vệ Paul Pogba mặc dù anh vừa được giảm án phạt liên quan tới doping.

Ảnh minh họa ITN.

Tản văn: Những đóa hoa rừng

GD&TĐ - Các thầy, cô giáo không ngại đường dốc cheo leo, suối cao vực thẳm, mang con chữ về thắp sáng buôn làng...