Nỗi đau giúp con cái trưởng thành

GD&TĐ - Cuối tuần rảnh, tôi hẹn cô bạn thân đi cà phê. Trên đường, tôi nghĩ ra đủ chuyện để “buôn” với cô ấy, chủ yếu là những “drama” ở cơ quan, những bức xúc mà tôi không thể tâm sự cùng ai. 

Nỗi đau giúp con cái trưởng thành

Nhưng gặp bạn, tôi không có cơ hội nào để mở miệng khi nhìn thấy thân hình gầy nhom và đôi mắt trũng sâu của cô ấy. “Tôi nghĩ mình không thể sống nổi đâu bà ạ. Cái Lan Anh nhà tôi lỡ gây chuyện rồi. Cũng tại thời gian qua tôi mải mê công việc, không để ý đến con…”. 

Lan Anh là con gái lớn của bạn tôi, đang học lớp 12. Cô bé đã có một tình yêu đầu đời lãng mạn với bạn trai cùng lớp, mọi chuyện có vẻ tốt đẹp cho đến khi cô bé phát hiện mình đã mang thai ngoài ý muốn. Điều này khiến bạn tôi sốc vô cùng. Cô ấy thức trắng 3 đêm mới quyết định hẹn tôi để dốc bầu tâm sự và nhờ tôi tìm hướng giải quyết. 

Bằng kinh nghiệm nhiều năm từng nghiên cứu lĩnh vực tâm lý, tôi tỏ ra khá tự tin: “Tôi thấy ở ta, có thể các bậc cha mẹ tự quyết định và làm mọi thứ, nhưng theo luật của những nước tiên tiến, trường hợp phá thai với lứa tuổi bất kì cần có sự đồng ý của mẹ thai nhi, còn trong trường hợp mẹ thai nhi muốn giữ lại đứa trẻ thì không ai có quyền can thiệp vào lựa chọn này.

Cha của thai nhi không có quyền quyết định hay cấm đoán việc phá thai. Cậu ấy chỉ có quyền phản đối việc cho con nuôi. Điều này không có nghĩa là bà tách mình ra khỏi chuyện này, phó mặc tất cả cho con bà và bố đứa trẻ. 

Con gái bà cần sự giúp đỡ của mẹ để quyết định chọn lựa một hướng giải quyết, vì thế bà hãy ở bên cạnh nó lúc này, giúp nó nhìn thấu hậu quả mà mỗi hướng lựa chọn mang lại. Hãy cố gắng bình tĩnh với cha đứa trẻ và nhắc nhở thằng bé phải có trách nhiệm với những gì mà mình đã làm, đã gây ra với con gái của bà. Sự bình tĩnh và tôn trọng bà dành cho thằng bé sẽ giúp nó xóa tan sự sợ hãi và không nghĩ đến việc trốn tránh trách nhiệm...”.

Trên đường về, tôi không ngừng suy nghĩ về câu chuyện của bạn mình, bỗng chột dạ khi nghĩ đến An. Tối hôm đó, đợi An đi vào phòng riêng để học bài, tôi thủ thỉ với chồng: “Anh này, không biết thằng An nhà mình yêu đương gì chưa nhỉ? Nó có bao giờ tâm sự với anh không?”. 

Chồng tôi phì cười: “Em đùa anh à? Con nít thì yêu đương cái gì?”. Tôi ra vẻ băn khoăn: “Nhưng nó cũng sắp 16 tuổi rồi. Ở tuổi vị thành niên, bọn trẻ dễ rung động và nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Trẻ yêu sớm đến mức mù quáng rất dễ quan hệ tình dục thiếu an toàn. Ở tuổi này, sự phát triển cơ thể chưa hoàn chỉnh…”.

Tôi đang nói thì chồng xua tay: “Thôi thôi, em lại mắc bệnh nghề nghiệp rồi đấy. Anh thấy thằng An nhà mình hết sức bình thường. Nó chưa bao giờ xin phép chúng ta để đi chơi riêng. Mấy thằng bạn nó chơi thân, chúng ta đều nhẵn mặt, biết cả bố mẹ chúng nó ra sao. Anh còn đang lo con mình hơi… tồ ấy. Nó mà có bạn gái, anh lại mừng quá!”.

Sự chủ quan của anh có vẻ rất giống thái độ của bạn tôi trước đó, điều này khiến tôi lo lắng: “Cứ cho rằng thằng bé chưa biết yêu, nhưng anh cũng phải quan tâm con một chút, chịu khó quan sát nó xem sao. Em thấy bệnh trầm cảm tuổi teen bây giờ phổ biến lắm. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, tùy vào hoàn cảnh, và bệnh này có thể có liên quan tới việc quen cảm giác bất lực hơn là cảm thấy có khả năng tự tìm được cách giải quyết cho những thử thách trong cuộc sống. Em nghĩ chúng ta cần dành thời gian trò chuyện tâm sự với con, cho con những định hướng đúng đắn về tình cảm”. 

Có vẻ chồng tôi không thể “thẩm” được những băn khoăn của tôi, anh chán nản, tắt ti vi, thở dài rồi đi vào phòng ngủ. Không tìm được sự đồng cảm nơi anh, tôi quyết định âm thầm theo dõi từng động thái của con.

Đúng như chồng tôi nói, thằng bé không có biểu hiện gì bất thường, học lực vẫn khá. Nhưng dạo này thấy thần sắc con không tốt, tôi có cảm giác thằng bé đang cố gắng tỏ ra vui vẻ cho bố mẹ yên tâm. 

Chưa thể khẳng định chuyện gì đang xảy ra với con, nhưng sự nhạy cảm đặc biệt của một người mẹ khiến tôi không khỏi lo lắng. Tôi muốn ở bên con và được con tin tưởng như một người bạn, từ đó con sẽ chủ động mở lòng để tâm sự với tôi. Nhưng tôi không thể chờ đợi lâu hơn được nữa, tối hôm đó, tôi quyết định gõ cửa phòng con: “An à, con đang làm gì thế? Mẹ có thể vào được không?”.

Tôi hơi sốc khi thấy mắt con đỏ hoe, dường như nó đã kịp lau nước mắt trước khi tôi vào. Tôi rón rén hỏi: “Có chuyện gì thế An? Từ từ nói cho mẹ nghe được không?”. Thằng bé im lặng một lúc lâu rồi mới thốt lên được vài câu: “Con đang đau lòng lắm mẹ ạ. Con vừa… chia tay bạn gái. Gia đình bạn ấy sắp định cư ở nước ngoài mà bạn ấy chẳng nói gì với con hết, con cảm thấy buồn và hụt hẫng như mình bị bỏ lại…”.

Đó là lần đầu tiên tôi ôm con trai vào lòng khi nó đang buồn. Đứa con lâu nay tôi nghĩ còn bé bỏng lắm giờ đã lớn, trái tim đã biết rung động, biết tổn thương và biết thế nào là đau đớn.

Tôi xót con, nhưng thầm cảm ơn con vì đã chịu mở lòng, tôi cũng cảm ơn bản thân vì đã quyết đoán hành động. Tôi biết, nỗi đau sẽ giúp con trưởng thành hơn. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là mình được đồng hành với con trong giai đoạn nhạy cảm và khó khăn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.