Sức sống lâu bền của cuộc thi
Tổng kết cuộc thi, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Mặc dù thời gian nhận bài dự thi năm nay không dài nhưng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, giáo viên và học sinh trên toàn quốc. Cuộc thi năm nay đã nhận được gần 80 nghìn bài dự thi, tăng gần 10.000 bài so với năm 2019.
Điều này cho thấy, cuộc thi đã tạo được uy tín, có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đối với nội dung và ý nghĩa của cuộc thi.
Trong số các tác giả dự thi, phần lớn là tác giả không chuyên, nhưng cũng có một số tác giả dự thi là nhà văn chuyên nghiệp hoặc hội viên Hội Văn học, nghệ thuật các tỉnh tham dự.
Một số địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động tổ chức cuộc thi cấp trường/cấp phòng/cấp sở; tổ chức chấm và chọn những bài chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều cơ sở giáo dục có sự tham gia đông đủ của giáo viên và học sinh trong toàn trường.
Các địa phương đã triển khai cuộc thi tới cấp trường, cấp sở và có số lượng bài dự thi nhiều là: Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thừa Thiên – Huế…
Theo thể lệ của cuộc thi, các bài dự thi tập trung vào 2 chủ đề chính: Thầy cô giáo và mái trường mến yêu. Các bài dự thi đã thu nhận, phần nhiều viết về những kỷ niệm, tình cảm, cảm xúc về thầy cô giáo; hoặc có nhiều tác phẩm thể hiện những kỷ niệm, tình cảm, cảm xúc về mái trường gắn liền với hình ảnh của một hoặc một số thầy cô giáo cụ thể.
Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một ký ức, một kỷ niệm, cảm xúc đẹp và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được thể hiện qua các góc nhìn đa chiều, đa diện. Song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào, các tác phẩm đều mang đến những hình ảnh đẹp đẽ, thanh khiết và đáng trân trọng nhất về thầy cô, bạn bè dưới mái trường mến yêu.
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam, Phó Trưởng ban Giám khảo nhấn mạnh: Cuộc thi là cơ hội để mọi người bày tỏ cảm xúc, ký ức tuổi học trò. Ở đó có những kỷ niệm ấm êm, có cả những vết thương, những dấu ấn đặc biệt một thời đèn sách đã tạo nên nhân cách, phẩm chất, lẽ sống của mỗi tác giả dự thi.
Con số hơn 80 nghìn câu chuyện gửi về Ban tổ chức đã nói lên thành công của cuộc thi và khẳng định mối quan tâm với nhà trường, thầy cô giáo vẫn là một phần không thể thiếu trong mỗi con người, trong bộn bề cuộc sống hôm nay.
Ông Ân cho biết: Hầu hết, các bài tham dự đã bám sát thể lệ cuộc thi. Các câu chuyện, các kỷ niệm gửi dự thi đều có nguyên mẫu, nhân chứng cụ thể. Những kỷ niệm được gửi đến đều mang tính giáo dục sâu sắc. Thông qua các tác phẩm dự thi, những điều tốt đẹp ở mỗi mái trường, mỗi thầy cô được ghi dấu ở cả một giai đoạn, một quá trình của ngành GD… Kết quả cuộc thi cũng góp phần đối trọng lại những tiêu cực đôi lúc vẫn diễn ra ở đâu đó.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ gửi lời chúc mừng tới các thầy, cô giáo, cá nhân, đơn vị đoạt giải của cuộc thi năm nay; chúc mừng nhà giáo, cơ sở giáo dục đã được ghi nhận, tôn vinh trong các tác phẩm. Thứ trưởng đồng thời ghi nhận, biểu dương sự làm việc nghiêm túc, công tâm, trách nhiệm của Ban tổ chức, Ban giám khảo; cảm ơn các tác giả đã gửi gắm tình cảm về mái trường, về thầy cô qua cuộc thi này.
Thêm yêu và trân trọng sự nghiệp “trồng người”
Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải Nhất cuộc thi với tác phẩm “Cô Hiền”, tác giả Phan Thị Thu Trang (giảng viên Học viện Chính trị Công an nhân dân) cho biết: Tôi không nghĩ cuộc thi này hay đến thế. Chỉ tới khi cứ đi qua từng kỷ niệm một, tôi mới thấy sự trân quý của cuộc đời chính là những điều còn lắng lại sau tất cả mọi nỗ lực - nỗ lực để lớn, để trưởng thành và thành công. Đúng là với mỗi người, kỷ niệm tuổi học trò bên thầy cô và mái trường luôn sâu sắc nhất.
“Hi vọng cuộc thi này sẽ duy trì lâu dài. Vì hơn cả một cuộc thi, đây thực sự là một cuốn truyện cuộc đời chứa đựng những bài học đầy tính nhân văn, tính giáo dục, nối truyền những giá trị tốt đẹp của truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà bất cứ ai trong số chúng ta cũng muốn một lần được ngồi nhâm nhi tách cafe để lật giở từng trang ký ức ngọt ngào”, tác giả Thu Trang trải lòng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền – nhân vật chính trong tác phẩm “Cô Hiền”, đoạt giải Nhất cuộc thi năm nay chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ và rất xúc động vì chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nhân vật chính trong một tác phẩm đoạt giải cao nhất trong cuộc thi viết về thầy cô và mái trường mà học sinh cũ của mình là tác giả”.
Tác giả đoạt giải Nhì – anh Phạm Lương Thiện (GV Trường Tiểu học Lý Tự Trọng – Hải Dương) với tác phẩm “Chuyện của Khuê” chia sẻ: “Ngay khi nhận được tin đoạt giải thưởng của cuộc thi, tôi rất vui mừng và hồi hộp. Tôi có mặt tại Hà Nội từ rất sớm để tham dự lễ trao giải do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức. Thời tiết hôm nay lạnh buốt nhưng cảm giác tham dự buổi lễ lại rất ấm áp. Đây là cơ hội tuyệt vời để lan tỏa những kỷ niệm đẹp trong nghề dạy học của tôi. Qua tác phẩm dự thi, tôi được giao lưu với các tác giả khác, biết thêm nhiều kỷ niệm đẹp về thầy cô và mái trường, để thêm yêu và trân trọng sự nghiệp “trồng người” mình đã lựa chọn”.