Nối dài Cuộc thi - nối dài tri ân các thế hệ nhà giáo

GD&TĐ - Chia sẻ niềm tự hào khi vượt gần 80 nghìn tác phẩm để trở thành một trong 14 cá nhân đoạt giải cuộc thi, tác giả Phan Thị Thu Trang mong cuộc thi tiếp tục được nối dài như sự tri ân sâu sắc nhất tới các nhà giáo.

Sau 20 năm ra trường, tác giả Phan Thị Thu Trang vẫn dành tình cảm đặc biệt với cô Hiền (áo xanh) và coi cô như một người thân trong gia đình. (Ảnh: NVCC)
Sau 20 năm ra trường, tác giả Phan Thị Thu Trang vẫn dành tình cảm đặc biệt với cô Hiền (áo xanh) và coi cô như một người thân trong gia đình. (Ảnh: NVCC)

Kỷ niệm tuổi học trò luôn sâu sắc

Chia sẻ về cơ duyên đến với cuộc thi, tác giả Phan Thị Thu Trang cho biết: Rất tình cờ, tháng 9 năm ngoái, khi tôi vào trang web của Bộ GD-ĐT tìm kiếm một số thông tin phục vụ cho Luận án Tiến sĩ đã tình cờ biết đến cuộc thi. Ngay lúc đọc tin, tôi đã thấy đây là một cuộc thi rất ý nghĩa, đúng theo tinh thần “lan tỏa những giá trị nhân văn”, “nối dài lòng tri ân các thế hệ nhà giáo”. Thời gian đó, tôi cũng đang ấp ủ viết một cái gì đó nho nhỏ làm quà tặng Cô giáo chủ nhiệm cấp 2 nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Vậy nên, có thể nói, cuộc thi này đến với tôi ngẫu nhiên như một cơ duyên.

Với tác giả Thu Trang, thời cấp 2 là đẹp nhất, nhưng để nhớ được rõ ràng mọi thứ đã diễn ra thật sự rất khó. Do vậy, tất cả những gì có thể viết ra được là những điều cô đọng còn lại không chịu bất cứ một sự bào mòn nào của thời gian. Và như vậy mới đích xác gọi tên là “những kỷ niệm sâu sắc”.

“Khi viết tác phẩm dự thi, tôi đã viết tay trước, cứ viết tí một, viết mọi lúc, mọi nơi,… Cảm xúc cứ thế ùa về. Ban đầu là từ lớp Gấu siêu nghịch, đủ trò nghịch, cô giáo chủ nhiệm cũ còn khóc và bất lực với lớp tôi hồi ấy, rồi cô Hiền vào nhận lớp, cô cứ cảm hóa các bạn dần dần, từng li một. Tác phẩm không quá dài, nhưng người đọc có thể cảm thấy học trò của cô Hiền lớn lên từng ngày, từ nhận thức, thái độ đến hành vi. Cũng đồng thời, cô Hiền từ chỗ chỉ là một cô giáo chủ nhiệm bình thường, cô trở thành người truyền lửa, rồi thành một người bạn, người đồng hành và cuối cùng là một người mẹ trong lòng của tất cả những học trò lớp G.”, tác giả Thu Trang chia sẻ.

Phan Thị Thu Trang đã nối gót cô Hiền làm nghề giáo.
Phan Thị Thu Trang đã nối gót cô Hiền làm nghề giáo. 

Có thể nói, trong những ngày tất bật với cuộc sống thường ngày, tôi vẫn dành chút thời gian nho nhỏ để nuôi dưỡng cảm xúc đối với tác phẩm này và cảm thấy ý nghĩa vô cùng. Một lần nữa, tôi được thấy lại mình đang mặc áo trắng, quàng khăn đỏ, đạp xe mipha đến trường ngay giữa bộn bề cuộc sống hiện tại. Ban đầu, cuộc thi đối với tôi thật đơn giản, song càng viết, tôi càng cảm thấy đây là một cuộc thi đầy tính nhân văn, là nơi để giữa lo toan thường ngày, người ta sẽ nhớ đến những người thầy lớn trong cuộc đời mình.

Bởi yêu cô giáo nên tôi yêu nghề giáo

Hiện Phan Thị Thu Trang là giảng viên Học viện Chính trị Công an nhân dân. Thu Trang tâm sự: Trước đây, tôi không nghĩ đến chuyện theo nghề giáo. Nhưng càng trưởng thành, tôi càng thấy, cái thời học sinh từ chỗ ngờ nghệch, hay phạm lỗi, được thầy cô uốn nắn, rồi cứ thế lớn lên và hình thành nhân cách. Nghề giáo chính thực là nghề dạy con người nhân cách và trí tuệ. Do đó, đến bây giờ, tôi lấy việc đi dạy, được đứng lên bục giảng là niềm đam mê. Và cô Hiền cũng là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn đối với tôi, vì thời gian bên cạnh cô như một cái “khung” nhận thức định hình mong muốn: rằng tôi sẽ phấn đấu để giống như cô.

Sau nhiều năm ra trường, công việc của tôi khá bận, nhiều khi không thể đến thăm cô thường xuyên nhưng cô lúc nào cũng ấm áp. Cô đón nhận mọi thứ từ học trò bằng thái độ trìu mến, trân trọng. Học trò thì có thể vô tâm, nhưng cô thì không. Cô luôn có mặt trong mọi thời điểm quan trọng nhất của tôi, ví dụ: khi lấy chồng, khi có con, khi gặp những stress với công việc,.. Còn tình cảm chắc cũng có thay đổi, nhưng thay đổi từ người dưng bỗng hóa người thân.

Giảng viên Phan Thị Thu Trang - Học viện Chính trị Công an nhân dân.
Giảng viên Phan Thị Thu Trang - Học viện Chính trị Công an nhân dân.

Nối dài cuộc thi là nối dài tri ân nhà giáo

Thu Trang chia sẻ: "Em không nghĩ cuộc thi này hay đến như thế. Chỉ tới khi cứ đi qua từng kỷ niệm một, em mới thấy sự trân quý của cuộc đời chính là những điều còn lắng lại sau tất cả mọi nỗ lực - nỗ lực để lớn, để trưởng thành và để thành công.

Hi vọng cuộc thi này sẽ duy trì lâu dài mãi. Vì hơn cả một cuộc thi, đây thực sự là một cuốn truyện cuộc đời chứa đựng những bài học đầy tính nhân văn, tính giáo dục, nối truyền những giá trị tốt đẹp của truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà bất cứ ai trong số chúng ta cũng muốn một lần được ngồi nhâm nhi tách cafe để lật giở từng trang ký ức ngọt ngào”, Thu Trang trải lòng.

Qua tác phẩm “Cô Hiền”, tác giả muốn nhắn nhủ thông điệp: “Thầy cô luôn là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với cuộc đời mỗi người. Một người thầy vĩ đại không hẳn chỉ giỏi về kiến thức, không hẳn chỉ là người truyền cảm hứng trên bục giảng, mà cần phải luôn nhìn thấy trách nhiệm, niềm tin và sẵn sàng đồng hành với học trò. Đó là những gì tôi thấy được từ Cô Hiền và đây cũng là mục tiêu để khi trở thành một giảng viên, tôi luôn cố gắng để đạt được những điều tốt đẹp đó, góp sức mình xây dựng nền giáo dục quốc dân. Học trò sẽ thực sự hạnh phúc khi được thầy cô thấu hiểu, đồng hành và truyền cảm hứng tích cực.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.