Tổng kết và trao giải cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2020”

Lựa chọn từ gần 80 nghìn bài dự thi, Ban tổ chức cuộc thi đã quyết định trao giải cho 2 tập thể và 14 cá nhân xuất sắc nhất tại Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi, diễn ra sáng nay (17/12), tại Hà Nội.

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2020”

Tham dự Lễ Tổng kết và trao Giải cuộc thi có: Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ GD-ĐT); Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD; Ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Cừ, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT; cùng đại diện Lãnh đạo Sở GD-ĐT một số địa phương.

Được tổ chức lần đầu năm 2018, cuộc thi được Bộ GD-ĐT giao cho Báo Giáo dục và Thời đại – đơn vị thường trực tổ chức thường niên, luôn được sự đón nhận, hưởng ứng nhiệt tình của thầy cô, học sinh, sinh viên trên cả nước, với nhiều tác phẩm chất lượng.

Cuộc thi nhằm ghi nhận, tôn vinh những tấm gương thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh…

Năm 2020, cuộc thi được phát động và nhận bài dự thi từ tháng 9/2020. Tuy thời gian nhận tác phẩm không dài nhưng Ban Tổ chức đã nhận được gần 80 nghìn bài dự thi của các tác giả từ khắp các vùng miền trên cả nước.

Đây là số lượng bài rất lớn, cho thấy cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đối với nội dung của cuộc thi.

Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một kí ức, một kỉ niệm, cảm xúc đẹp và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được thể hiện qua các góc nhìn đa chiều, đa diện. Song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào thì các tác phẩm đều mang đến những hình ảnh đẹp đẽ, thanh khiết và đáng trân trọng nhất về thầy cô, bạn bè dưới mái trường mến yêu.

Ban giám khảo cuộc thi đã chọn 143 bài vào vòng Chấm chung khảo. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, kết quả cuộc thi như sau:

Tổng số giải: 16 giải, bao gồm 14 giải cá nhân và 2 tập thể, gồm: 2 giải tập thể;  1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba và 8 giải khuyến khích.

Cơ cấu và giá trị giải thưởng

Giải tập thể: 2 giải cho tập thể có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt, bao gồm: Giấy chứng nhận do Bộ GD&ĐT cấp và 5 triệu đồng.

Giải cá nhân:

- 1 giải Nhất: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 10 triệu đồng.

- 2 giải Nhì: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 8 triệu đồng.

- 3 giải Ba: Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ GD&ĐT cấp và 6 triệu đồng

- Giải Khuyến khích: Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ GD&ĐT cấp và 3 triệu đồng.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một kí ức, một kỉ niệm, cảm xúc đẹp

Việt Cường

report

Chương trình văn nghệ chào mừng

Độc tấu Violin: Người thầy
Độc tấu Violin: Người thầy
Tiết mục hát múa: Lời thầy cô
Tiết mục hát múa: Lời thầy cô
Song ca: Bài ca người giáo viên nhân dân
Song ca: Bài ca người giáo viên nhân dân

 

report

Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo GD&TĐ: Uy tín của cuộc thi đã được khẳng định

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo GD&TĐ
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo GD&TĐ

 

Tổng kết cuộc thi, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, cho biết: Đây là lần thứ ba cuộc thi được tổ chức và là lần thứ hai Báo Giáo dục và Thời đại được Bộ GD&ĐT giao là cơ quan thường trực, chủ trì tổ chức cuộc thi.

Mặc dù thời gian nhận bài dự thi năm nay không dài nhưng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, giáo viên và học sinh trên toàn quốc. Cuộc thi năm nay đã nhận được gần 80 nghìn bài dự thi, tăng gần 10.000 bài so với năm 2019.

Điều này cho thấy cuộc thi đã tạo được uy tín, có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đối với nội dung và ý nghĩa của cuộc thi.

Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân: từ trí thức, viên chức, nhà giáo,… đến những người lao động phổ thông, các bà nội trợ…

Trong số các tác giả dự thi, phần lớn là các tác giả không chuyên, nhưng cũng có một số các tác giả dự thi là nhà văn chuyên nghiệp hoặc hội viên Hội Văn học, nghệ thuật các tỉnh tham dự.

Một số địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động tổ chức cuộc thi cấp trường/cấp phòng/cấp sở; tổ chức chấm và chọn những bài chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều cơ sở giáo dục có sự tham gia đông đủ của giáo viên và học sinh trong toàn trường.

Các địa phương đã triển khai cuộc thi tới cấp trường, cấp Sở và có số lượng bài dự thi nhiều là: Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thừa Thiên – Huế…

Theo thể lệ của cuộc thi, các bài dự thi tập trung vào 2 chủ đề chính: thầy cô giáo và mái trường mến yêu. Các bài dự thi đã thu nhận, phần nhiều là các tác phẩm viết về những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc về thầy cô giáo; hoặc có nhiều tác phẩm thể hiện những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc về mái trường gắn liền với hình ảnh của một hoặc một số thầy cô giáo cụ thể.

Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một kí ức, một kỉ niệm, cảm xúc đẹp và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được thể hiện qua các góc nhìn đa chiều, đa diện. Song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào thì các tác phẩm đều mang đến những hình ảnh đẹp đẽ, thanh khiết và đáng trân trọng nhất về thầy cô, bạn bè dưới mái trường mến yêu.

Ban Giám khảo cuộc thi đã chọn được 143 bài vào vòng Chấm chung khảo và thống nhất trao Tổng số 16 giải, bao gồm 14 giải cá nhân và 2 tập thể. Cụ thể: 2 giải tập thể; 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba và 8 giải khuyến khích.

Kim Thoa

report

Đại diện Ban giám khảo chung khảo cuộc thi: Những kỷ niệm được gửi đến đều mang tính giáo dục sâu sắc

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Trưởng ban Giám khảo chung khảo cuộc thi
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Trưởng ban Giám khảo chung khảo cuộc thi

Đại diện Ban giám khảo chung khảo cuộc thi, ông Nguyễn Ngọc Ân- Phó Chủ tịch CĐGD VN, Phó Trưởng ban Giám khảo nhấn mạnh: Cuộc thi là cơ hội để mọi người bày tỏ cảm xúc, ký ức tuổi học trò. Ở đó có những kỷ niệm ấm êm, có cả những vết thương, những dấu ấn đặc biệt một thời đèn sách đã tạo nên nhân cách, phẩm chất, lẽ sống của mỗi tác giả dự thi.

Con số hơn 80 nghìn câu chuyện gửi về BTC đã nói lên thành công của cuộc thi và khẳng định mối quan tâm với nhà trường, thầy cô giáo vẫn là một phần không thể thiếu trong mỗi con người, trong bộn bề cuộc sống hôm nay.

Ông Ân cho biết: Hầu hết các bài tham dự đã bám sát thể lệ cuộc thi. Các câu chuyện, các kỷ niệm gửi dự thi đều có nguyên mẫu, nhân chứng cụ thể. Những kỷ niệm được gửi đến đều mang tính giáo dục sâu sắc. Thông qua các tác phẩm dự thi, những điều tốt đẹp ở mỗi mái trường, mỗi thầy cô được ghi dấu ở cả một giai đoạn, một quá trình của ngành GD… Kết quả cuộc thi cũng góp phẩn đối trọng lại những tiêu cực đôi lúc vẫn diễn ra ở đâu đó.

Kiều Giang

report

Trao giải tập thể cho hai đơn vị xuất sắc

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải tập thể cho hai đơn vị xuất sắc:

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải tập thể cho hai đơn vị xuất sắc.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải tập thể cho hai đơn vị xuất sắc.

 

Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ, đơn vị đoạt giải “Tập thể có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt” chia sẻ: Nhận thấy ý nghĩa và sức lan toả mạnh mẽ của cuộc thi đối với xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng, ngay từ khi cuộc thi được phát động lần đầu vào năm 2018, Sở GD-ĐT tỉnh đã khuyến khích cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia.

Đến với cuộc thi năm nay, Sở GD-ĐT Phú Thọ đã thực hiện các bước chi tiết, tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở giáo dục tham gia. Sở đã có công văn triển khai, trên tinh thần khuyến khích, cổ vũ các nhà trường tổ chức thực hiện trên diện rộng. Đồng thời, cử chuyên viên theo dõi, hướng dẫn và phổ biến thể lệ cuộc thi tới các trường. Cùng với đó thường xuyên đôn đốc cán bộ, giáo viên, học sinh gửi các sáng tác tham dự giải.

“Chúng tôi rất vui mừng khi Sở GD-ĐT tỉnh được nhận giải tập thể xuất sắc của cuộc thi. Với 100% các trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh đều tham gia gửi tác phẩm, Phú Thọ tự hào là Sở GD-ĐT đứng thứ hai và cùng Hà Nội nhận giải “Tập thể có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt”. Tôi hi vọng, thông điệp tích cực từ cuộc thi sẽ ngày càng lan toả mãnh mẽ, là nguồn động viên cổ vũ lớn lao, là nốt nhạc vui trong bản hoà tấu ca ngợi những người chèo đò thầm lặng, động viên những người làm giáo dục ngày càng tận tâm, tận hiến vì thế hệ trẻ.”, ông Phùng Quốc Lập chia sẻ.

Kim Thoa

report

8 tác phẩm đạt giải Khuyến khích

Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo GD&TĐ và ông Nguyễn Văn Cừ - Phó Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT lên trao giải Khuyến khích cho các tác giả.
Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo GD&TĐ và ông Nguyễn Văn Cừ - Phó Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT lên trao giải Khuyến khích cho các tác giả.

 

Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo GD&TĐ và ông Nguyễn Văn Cừ - Phó Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT lên trao giải Khuyến khích cho các tác giả.

Dạy học... là hành trình truyền năng lượng tích cực, tác giả Nguyễn Hoàng Phúc - Lớp LT-T10B trường Đại học An ninh nhân dân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Hồ Chí Minh.

Cảm ơn cô vì đã đến trong thanh xuân của em!, tác giả Đinh Thị Thanh Tuyền - Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ.

Ký ức trường xưa, tác giả Trần Lệ Mỹ - Trường THCS Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

"Kỷ niệm không quên về cô học trò nhỏ - Nguyễn Thảo Vy ", tác giả Trịnh Hà Giang - Trường THCS Lê Hồng Phong, Cà Mau.

"Cuốn sổ bí mật", tác giả Nguyễn Thu Hà - Trường Tiểu học Đằng Hải, số 184 Đằng Hải, Hải An, Hải Phòng.

"Người thầy truyền lửa", tác giả Nguyễn Trung Kiên - Trường đại học An ninh nhân dân, Hồ Chí Minh.

Những quyển vở có màu xanh lơ, tác giả Nguyễn Thị Nga - Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Nhớ về cô, tác giả Nguyễn Thị Nhin - Trường THPT số 1 TP Lào Cai.

Ngọc Bích

report

Cô - Người chắp cánh ước mơ cho tôi đi mãi

20 năm qua, cô Nguyễn Thị Nga (Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vẫn tìm kiếm thông tin về cô giáo cũ Bế Thị Ngọc Yến. Cô Nga hy vọng tác phẩm Những quyển vở có màu xanh lơ (đạt giải Khuyến khích) sẽ giúp kết nối 2 cô trò.

Hơn cả một lời hứa, để tri ân những gì tốt đẹp mình được nhận từ cô Bế Thị Ngọc Yến - giáo viên chủ nhiệm năm lớp 9, cô nữ sinh trường THPT Tiểu La (Huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã chọn theo nghề sư phạm. 30 năm theo nghề dạy học, kể cả những khi thiếu thốn, chật vật, cô Nga đều làm đúng như những gì đã thầm hứa: là chỗ dựa tinh thần cho lớp lớp HS. “Dù cuộc sống hiện tại với đồng lương khá khiêm tốn nhưng tôi vẫn thơm thảo sẻ chia với các em khi cần thiết…Tôi rất vui, rất hạnh phúc khi nhìn thấy các em học sinh của tôi ngày một trưởng thành hơn”. Bằng cách đó, cũng như cô giáo mình ngày trước, cô Nga nhen lên trong nhiều thế hệ HS về niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp ở đời để vững vàng đi tiếp trong cuộc hành trình chữ nghĩa.

Cô Nguyễn Thị Nga
Cô Nguyễn Thị Nga

Cô Nguyễn Thị Nga chia sẻ, khi nhận được thông tin tác phẩm Những quyển vở có màu xanh lơ vào chung khảo Cuộc thi Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu, cô rất hạnh phúc, thao thức suốt đêm. “Mỗi lần nhìn thấy bất cứ vật gì có màu xanh lơ thì trong tâm trí tôi, ký ức những ngày đi học lại ùa về. Nhờ cô giáo Bế Thị Ngọc Yến mà con đường học vấn của tôi không bị gián đoạn vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó. Cô Yến đã thuyết phục mẹ tôi cho tôi được tiếp tục học lên cấp 3. Suốt những năm học phổ thông và cả sau này, khi lên đến ĐH rồi, vở tôi viết hàng ngày luôn là những quyển vở có bìa màu xanh lơ, tập vở thật dày và đẹp. Giấy vở được cô Yến cặm cụi cắt lại mặt chưa viết từ các xấp bài kiểm tra của HS rồi gửi ra Đà Nẵng nhờ thợ đóng lại. Trong suốt những năm học cấp III, cô vẫn san sẻ với tôi bằng đồng tiền lương ít ỏi của mình và bằng những quyển vở có màu xanh lơ được làm nên từ tấm lòng thánh thiện của cô. Cô và những quyển vở có màu xanh lơ thân thương ấy là phép màu làm thay đổi cuộc đời và số phận của tôi” – cô Nga bùi ngùi nhớ lại. 

Cô Bế Thị Ngọc Yến chuyển về Đà Nẵng trong thời gian nữ sinh Nguyễn Thị Nga đang theo học đại học. Nhiều năm qua, khi có điều kiện, cô Nga vẫn tìm kiếm thông tin về cô giáo cũ, dò hỏi ở những trường THCS mà cô có người quen dạy học nhưng vẫn chưa có thông tin gì.

Trở thành giáo viên, cô Nguyễn Thị Nga luôn phấn đấu trở thành một giáo viên dạy tốt, được HS và phụ huynh quý mến; cũng âm thầm giúp đỡ những HS có hoàn cảnh ngặt nghèo như ngày xưa đã nhận được từ cô giáo. Tình yêu nghề, yêu người, bằng một sơi dậy vô hình, đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm nên những điều tốt đẹp của nghề dạy học.

Hà Nguyên

report

Cuộc thi rất ý nghĩa

Đạt giải Khuyến khích, học viên Nguyễn Hoàng Phúc, lớp LT-T10B Trường ĐH An Ninh Nhân dân (TP.HCM) chia sẻ, “khi nhận được thông tin từ ban tổ chức thông tin đạt giải cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu 2020, bản thân tôi rất bất ngờ và cảm thấy rất tự hào nữa”.

Theo Hoàng Phúc, đây là cuộc thi rất ý nghĩa để mọi người có thể chia sẻ những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, kỷ niệm, bài học của mình trong quá trình học tập, với thầy cô, mái trường. Khi tham gia, chàng trai đến từ Kon Tum chỉ mong muốn chia sẻ câu chuyện về một người thầy, được nhiều học viên yêu quý, những bài giảng, câu chuyện của thầy luôn tràn đầy năng lượng tích cực, bổ ích, ý nghĩa… Đó chính là thầy Trần Trung Hoài, giảng dạy bộ môn Quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

“Thầy là một giảng viên trẻ, luôn tâm huyết, đam mê với từng bài giảng, ứng dụng CNTT và cách truyền đạt rất ấn tượng giúp cho người học có thái độ học tập tích cực, luôn đầy ắp niềm vui, năng lượng sau mỗi bài học”.

Từ tấm gương của thầy, bản thân Phúc nhận ra rằng, ở bất cứ công việc nào, lĩnh vực nào cũng phải luôn dành sự tâm huyết, đam mê cho công việc ấy để hoàn thành tốt nhất có thể. Qua đó, truyền đi năng lượng tích cực, nguồn cảm hứng cho những người xung quanh.

Hoàng Phúc chia sẻ thêm, mẹ của Phúc cũng là một giáo viên, nên rất hiểu được công việc của nghề giáo, cũng có những vất vả nhưng niềm hạnh phúc thì vô cùng lớn khi thấy trò trưởng thành. “Với tôi đó là một nghề cao quý và những người thầy, người cô luôn có sứ mệnh cao cả để truyền lửa cho các thế hệ học trò”, Phúc nói.

Nguyễn Hoàng Phúc, lớp LT-T10B Trường ĐH An ninh Nhân dân (TP.HCM) giành giải thưởng tại cuộc thi với tác phẩm “Dạy học… là hành trình truyền năng lượng tích cực”.

Phan Nga

report

Có cô ngày ấy mới có tôi – một giáo viên ngữ văn hôm nay

Cô giáo Nguyễn Thị Nhin hiện đang công tác tại Trường THPT số 1 Lào Cai (TP Lào Cai – Lào Cai) đạt giải khuyến khích với tác phẩm: Nhớ về cô.

Tác phẩm “Nhớ về cô” viết về nhà giáo Trần Thị Thắm, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT).

Cô Nguyễn Thị Nhin chia sẻ: Tôi biết đến cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” từ những năm trước và năm nào cũng tham dự. Tôi thấy đây là cuộc thi thú vị, là cơ hội quý giá để mỗi người được trải lòng về về những mái trường mình đã từng theo học, về tình cảm thầy trò, và được gửi lời tri ân tới những người thầy có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mình…

Tôi đã viết về cô giáo chủ nhiệm năm lớp 12 của tôi bằng cảm xúc chân thật nhất của một người học trò đã từng được cô dạy bảo, định hướng, chia sẻ trong cả công việc và cuộc sống. Tác phẩm “Nhớ về cô” viết liền mạch từ tối tới 3h sáng.

Cô Nguyễn Thị Nhin và HS Trường THPT số 1 Lào Cai (TP Lào Cai - Lào Cai)
Cô Nguyễn Thị  Nhin và HS Trường THPT số 1 Lào Cai (TP Lào Cai - Lào Cai)

Cô của tôi đã không còn, nhưng khi viết về cô, những kỷ niệm cứ đổ về và hiện diện như tôi đang được ở bên cô, nghe giọng nói, tiếng cười... Có lẽ bởi tôi luôn biết ơn cô, nhớ tới cô và tôn kính cô tận đáy lòng. Có sự dạy bảo, dìu dắt của cô ngày ấy mới có tôi - một cô giáo ngữ văn hôm nay.

“Được gặp cô trong đời với tôi cũng như các bạn khác đó là niềm hạnh phúc của thanh xuân. Tôi chưa bao giờ ân hận về sự chuyển hướng nghề nghiệp. Tôi yêu nghề của mình, yêu những lứa học trò… Tri ân cô, chúng tôi nguyện làm tốt nghề của mình, sống với nghề bằng trái tim nhiệt huyết và yêu thương…” – Cô Nguyễn Thị Nhin bộc bạch.

Đức Hạnh

report

Cô giáo Đinh Thị Thanh Tuyền với tác phẩm dự thi “Cảm ơn cô vì đã đến trong thanh xuân của em!”

Cô giáo Đinh Thị Thanh Tuyền sinh năm 1986, tại xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp loại Giỏi tại Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, cô Tuyền tình nguyện về công tác tại quê hương theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh Phú Thọ (Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn). Hiện, cô Tuyền là Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn – Sử - Địa – GDCD của nhà trường.

Chân dung cô giáo Đinh Thị Thanh Tuyền.
Chân dung cô giáo Đinh Thị Thanh Tuyền.

Với chuyên môn giảng dạy Ngữ văn, nhiều năm qua, đội tuyển học sinh giỏi do cô bồi dưỡng đã đạt các giải Nhì, Ba và Khuyến khích tại kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, cô Tuyền đều có sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học nhà trường và Sở GD&ĐT Phú Thọ công nhận.

Ngoài tác phẩm dự thi “Cảm ơn cô vì đã đến trong thanh xuân của em!” - đạt giải Khuyến khích lần này, cô Tuyền cũng từng có tác phẩm tham dự cuộc thi “Tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo học theo Bác”. Tham dự cuộc thi“Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt giải Nhì vòng chung kết xếp loại toàn quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018.

Cô Tuyền (bìa phải) tham dự vòng chung kết cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức năm 2018 tại Thành Phố Hồ Chí Minh.

Cô Tuyền (bìa phải) tham dự vòng chung kết cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức năm 2018 tại Thành Phố Hồ Chí Minh.

Trong quá trình công tác, cô Đinh Thị Thanh Tuyền được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2017-2018; Bằng khen tại cuộc thi Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018.

Trần Long

report

3 tác phẩm đoạt giải Ba

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD trao giải cho các tác giả đạt giải Ba
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD trao giải cho các tác giả đạt giải Ba

 

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD trao giải Ba cho các tác giả:

"Người thầy trong tâm trí tôi", tác giả Phạm Thị Hường - Trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Học viện Chính trị Công an nhân dân trong tôi, tác giả Trần Minh Tuấn - Học viện Chính trị Công an nhân dân, số 29, Lê Văn Hiến, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Người nghệ sĩ của trường học, tác giả Nguyễn Thị Nhung - Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương.

report

2 tác phẩm đoạt giải Nhì

Ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ GD-ĐT) trao giải cho các tác giả đạt giải Nhì.
Ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ GD-ĐT) trao giải cho các tác giả đạt giải Nhì.

 

Ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ GD-ĐT) trao giải Nhì cho 2 tác phẩm:

Ánh sáng cuối con đường, tác giả Trần Thị Thanh Tân - Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên.

Chuyện của Khuê, tác giả Phạm Lương Thiện - Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Hải Dương.

 

report

Tác giả Phạm Lương Thiện: Cơ hội để lan tỏa những kỷ niệm đẹp trong nghề dạy học

 

Tác giả Phạm Lương Thiện.
Tác giả Phạm Lương Thiện.

Ngay khi nhận được tin đạt giải thưởng của Cuộc thi, tôi đã rất vui mừng và hồi hộp. Cảm giác hồi hộp vẫn ở trong tôi ngay lúc này. Tôi đã ra Hà Nội từ rất sớm để tham dự Lễ trao giải của Báo Giáo dục và Thời đại. Thời tiết hôm nay lạnh buốt nhưng cảm giác tham dự buổi lễ lại rất ấm áp. Ban tổ chức đã đón tiếp rất chu đáo, nhiệt tình. Tôi rất xúc động khi tác phẩm của mình được đón nhận, đây sẽ là cơ hội để lan tỏa những kỷ niệm đẹp trong nghề dạy học của tôi. Qua đây, tôi cũng được giao lưu với các tác giả, biết thêm nhiều kỷ niệm đẹp về thầy cô và mái trường để thêm yêu và trân trọng sự nghiệp “trồng người” mình đã lựa chọn.

Kiều Giang

report

Cuộc thi là cơ hội để lan tỏa yêu thương

Tác giả của tác phẩm đạt giải Nhì "Ánh sáng cuối con đường" là cô Trần Thị Thanh Tân,  Giáo viên  trường THPT Trần Quốc Tuấn, Thái Nguyên.

Cô Trần Thị Thanh Tân, Giáo viên trường THPT Trần Quốc Tuấn, Thái Nguyên
Cô Trần Thị Thanh Tân,  Giáo viên  trường THPT Trần Quốc Tuấn, Thái Nguyên

Chia sẻ về lý do chọn nội dung thể hiện trong tác phẩm, cô Tân cho biết Cô giáo Trần Thị Hòa là cô giáo dạy cấp 1, chính cô là người truyền cảm hứng, nâng đỡ tâm hồn tôi từ những ngày thơ bé. Để tôi tiếp nối con đường của cô đã đi, bằng tình yêu thương học trò vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Cô Tân chia sẻ:  Cuộc thi cho tôi trở lại những năm tháng khi còn bé thơ, tôi - cô học trò ngơ ngác với hoàn cảnh đặc biệt, cô giáo đã nâng đỡ tâm hồn tôi, đưa tôi ra khỏi những mặc cảm để sống có ước mơ.  Cuộc thi là dịp để tôi bày tỏ tình cảm, sự tri ân để gửi tới cô giáo của tôi với tấm lòng biết ơn chân thành. Tôi muốn nói với cô rằng, tôi đã làm được, đã trở thành cô giáo yêu thương học trò, truyền cảm hứng cho học trò của mình và tôi luôn tin ánh sáng ở cuối con đường.

Cuộc thi là cơ hội để lan tỏa yêu thương, để cất lên tiếng nói tự trái tim mình.

Mỗi ngày, tôi được sống với học trò thực sự được yêu thương, sẻ chia bằng tình cảm chân thành nhất. Cảm ơn mái trường THPT Trần Quốc Tuấn, cảm ơn những lớp học trò để tôi được sống với lòng yêu nghề, với sự bao dung, đồng cảm.

Phạm Vũ

report

Lắng lại cảm xúc thật về những kỷ niệm đẹp - giải Nhì

Đoạt giải Nhì cuộc thi viết về những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2020, tác giả Phạm Lương Thiện bộc bạch: “Đây là cuộc thi vô cùng ý nghĩa của ngành giáo dục nước nhà. Cuộc thi một lần nữa giúp tôi thêm yêu công việc mình đã chọn”.

Thầy Phạm Lương Thiện đồng hành với học trò (Em Trần Thị Khuê đứng ngoài cùng bên phải).

Thầy Phạm Lương Thiện đồng hành với học trò (Em Trần Thị Khuê đứng ngoài cùng bên phải).

Sinh năm 1990, thầy Phạm Lương Thiện hiện đang dạy văn hóa tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã hào hứng tham gia Cuộc thi viết về những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức. Thầy chia sẻ: Tôi biết, có hàng nghìn tác phẩm dự thi của các thầy cô giáo, các em học sinh, các nhà văn, nhà báo trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi về Ban Tổ chức cuộc thi. Bản thân tôi chỉ mong rằng, cuộc thi là nơi giúp tôi chia sẻ một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời dạy học tới đồng nghiệp, truyền cảm hứng tích cực tới các thầy, các cô.

Thầy xúc động: “Giữa bộn bề lo toan cuộc sống, các thầy cô được lắng lại trong những cảm xúc thật về những câu chuyện có thật trong cuộc đời mình, những câu chuyện của đồng nghiệp để thêm yêu nghề, yêu người hơn. Các em học sinh có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn của mình tới các thầy, các cô mà có thể trong thực tế cuộc sống các em chưa có dịp thổ lộ”.

Chia sẻ về tác phẩm “Chuyện của Khuê”, thầy Thiện cho biết: Khi bước vào nghề dạy học, tôi đã gặp rất nhiều học sinh có hoàn cảnh éo le. Trong đó, hoàn cảnh của em Trần Thị Khuê (nhân vật trong bài dự thi của tôi) ở lớp tôi chủ nhiệm năm học 2012-2013 và 2013-2014 gây xúc động cho tôi cùng đồng nghiệp ở Trường Tiểu học Đức Xương nhất. Nhà trường đã có một số việc để kịp thời giúp đỡ em nhưng về lâu về dài, em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ý tưởng kêu gọi sự giúp đỡ lâu dài của các nhà hảo tâm đã thôi thúc tôi tự tìm tòi, đọc các bài báo để chia sẻ về chính hoàn cảnh của học sinh lớp mình. Và tôi thực sự hạnh phúc khi em Khuê nhận được sự chung tay, chia sẻ của nhiều tổ chức, nhà hảo tâm. Từ một em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ, các chị lấy chồng xa không thể cưu mang, cuộc đời em đã rẽ sang một trang mới tươi sáng, rạng ngời hơn.

Thầy Phạm Lương Thiện bên các đồng nghiệp Trường Tiểu học Lý Tự Trọng.
Thầy Phạm Lương Thiện bên các đồng nghiệp Trường Tiểu học Lý Tự Trọng.

Tôi nhận thấy câu chuyện của mình đã nêu được sự ảnh hưởng đặc biệt của thầy, cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân của học sinh lớp tôi chủ nhiệm.

Tôi hi vọng, qua câu chuyện tôi chia sẻ, các em sẽ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Chỉ cần các em mở lòng, hãy chia sẻ nhiều hơn, coi các thầy, các cô như người bạn, người thân thì khoảng cách thầy trò trong môi trường sư phạm vốn đầy tính nhân văn sẽ ngày càng khăng khít.

Kiều Giang

report

Tác phẩm "Cô Hiền" giành giải Nhất cuộc thi

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải Nhất cho tác phẩm "Cô Hiền", tác giả Phan Thị Thu Trang - Khoa Khoa học xã hội nhân văn & Tâm lý, Học viện Chính trị Công an nhân dân, 29 Lê Văn Hiến, P.Đức Thắng, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải Nhất
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải Nhất

Chia sẻ trực tiếp tại Lễ trao giải, tác giả Phan Thị Thu Trang cho biết: Khi vào tìm kiếm thông tin phục vụ làm luận án tiến sĩ thì vô tình đọc được thông tin về chương trình – đây như một cơ duyên. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được giải Nhất. Đây là niềm vinh dự, tự hào.

Tôi viết tác phẩm khi tranh thủ thời gian đi học, chờ con, chuyển nhà… bởi tất cả tình cảm với cô đã luôn trong tâm tưởng và ký ức của tôi. Tác phẩm này tôi viết để dành tặng cô giáo chủ nhiệm của mình – người có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời, lựa chọn nghề nghiệp của tôi. Đây là món quà vô giá tặng cho người giáo viên cấp 2 của tôi.

Đức Hạnh

report

Tác giả giải Nhất mong cuộc thi sẽ duy trì lâu dài

Tác giả Phan Thị Thu Trang.
Tác giả Phan Thị Thu Trang.

Tác giả Phan Thị Thu Trang (giảng viên Học viện Chính trị Công an nhân dân), chủ nhân giải Nhất cuộc thi với tác phẩm “Cô Hiền” chia sẻ: Tôi tình cờ biết đến cuộc thi khi đọc báo và thấy đây là một cuộc thi rất ý nghĩa, đúng theo tinh thần “lan tỏa những giá trị nhân văn”, “nối dài lòng tri ân các thế hệ nhà giáo”.

Tình cờ hơn nữa, thời gian đó tôi đang ấp ủ viết một cái gì đó nho nhỏ làm quà tặng Cô giáo chủ nhiệm cấp 2 nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Cuộc thi đã đến với tôi ngẫu nhiên như một duyên lành.

Tác giả Thu Trang chia sẻ: “Thầy cô luôn là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với cuộc đời mỗi người. Một người thầy vĩ đại không hẳn chỉ giỏi về kiến thức, không hẳn chỉ là người truyền cảm hứng trên bục giảng, mà cần phải luôn nhìn thấy trách nhiệm, niềm tin và sẵn sàng đồng hành với học trò. Đó là những gì tôi thấy được từ Cô Hiền và đây cũng là mục tiêu để khi trở thành một giảng viên, tôi luôn cố gắng để đạt được những điều tốt đẹp đó, góp sức mình xây dựng nền giáo dục quốc dân.”

“Hi vọng cuộc thi sẽ duy trì lâu dài. Vì hơn cả một cuộc thi, đây thực sự là một cuốn truyện cuộc đời chứa đựng những bài học đầy tính nhân văn, tính giáo dục, nối truyền những giá trị tốt đẹp về truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Bất cứ ai trong chúng ta đều muốn một lần được ngồi nhâm nhi tách cafe để chậm rãi lật từng trang ký ức ngọt ngào thuở bên thầy cô, bạn bè và mái trường xưa.”, giảng viên Thu Trang trải lòng.

Kim Thoa

report

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Cần nhân rộng và lan tỏa hơn nữa những hình ảnh đẹp về thầy cô và mái trường

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

 

Thay mặt Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ gửi lời chúc mừng tới các thầy giáo, cô giáo, các cá nhân, đơn vị đoạt giải của cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” năm nay; chúc mừng các nhà giáo, cơ sở giáo dục đã được ghi nhận, tôn vinh trong các tác phẩm được giải. Thứ trưởng đồng thời, ghi nhận, biểu dương sự làm việc nghiêm túc, công tâm, trách nhiệm của Ban tổ chức, Ban Giám khảo; đồng thời, gửi lời cảm ơn đến tất cả các tác giả đã gửi gắm tình cảm về mái trường, về thầy cô qua cuộc thi này.

Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018. Năm đó, dù phát động lần đầu nhưng cuộc thi đã thể hiện được sức lan tỏa rộng lớn với 60.000 bài dự thi. Những năm sau, số lượng bài dự thi ngày càng tăng, và con số bài dự thi năm nay đã lên tới gần 80.000 bài. Thành phần tác giả tham gia dự thi cũng hết sức phong phú, đến từ nhiều nghề khác nhau; trong đó có đội ngũ đông đảo là tác giả không chuyên, các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trong các cơ sở giáo dục. Có rất nhiều bài dự thi là từ học sinh cũ viết về thầy cô giáo của mình.

Ghi nhận điều này, Thứ trưởng cho rằng: Sự đón nhận, hưởng ứng này cho thấy, mái trường và các thầy giáo, cô giáo đã để lại ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân. Đây là sự động viên to lớn, tạo động lực cho ngành Giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong công việc nhiều vinh quang, nhưng cũng đẩy thử thách; đặc biệt bối cảnh chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cũng bởi vậy, mỗi bài dự thi đều vô cùng đáng trân trọng.

“Các thầy cô giáo mang trọng trách to lớn trong đào tạo con người phát triển toàn diện về Đức – Trí – Thể - Mỹ, trở thành một công dân tốt”. Nhấn mạnh điều này, theo Thứ trưởng, GD-ĐT đang đứng trước yêu cầu mới, càng đòi hỏi cao hơn về năng lực, nhân cách đội ngũ. Để hoàn thành trọng trách to lớn này, bên cạnh những chính sách tạo động lực, sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, rất cần có sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của toàn xã hội. Cũng bởi vậy, kết quả cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” và những hình ảnh đẹp về thầy cô và mái trường được phản ánh trong các tác phẩm dự thi cần được nhân rộng lan tỏa hơn nữa.

Nguyễn Nhung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ