Cả nước thành một XHHT
Ở nước ta, xây dựng XHHT đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng. Cùng với việc phát triển hệ thống giáo dục chính quy, các hình thức khuyến học, khuyến tài đã lan rộng trên khắp cả nước. Trên toàn quốc, các hội khuyến học đã xuống đến từng xã, phường, tổ chức tốt các hoạt động dạy chữ, dạy nghề.
Bằng nhiều hình thức học tập, đã thực sự lan toả đến từng làng, bản, trường học, doanh nghiệp, nhà chùa, nhà thờ, đơn vị lực lượng vũ trang. Hệ thống trung tâm học tập cộng đồng cũng đang lớn mạnh ở khắp các xã, phường, thị trấn, từ miền núi đến đồng bằng. Các TTHTCĐ này đã thực sự trở thành trường học của mọi người, từ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công… cho đến GD phổ biến pháp luật, đã góp phần đáng kể trong việc xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
Trên mảnh đất cao nguyên hùng vĩ, và ở các tỉnh miền núi phía Bắc, những trụ sở UBND xã, trường học... là điểm đến của người dân. Họ có thể đến đây để “cần gì học nấy”, học để áp dụng vào ngay vào cuộc sống thường nhật của mỗi gia đình. Từ khi các TTHTCĐ ra đời đến nay, trên cả nước đã có hàng chục triệu lượt người tới tham gia các khóa học, buổi nói chuyện chuyên đề về kinh tế - văn hóa - xã hội, dạy người dân kiến thức, kỹ năng mới để xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Người dân cũng được nâng cao kiến thức tự biết chăm sóc sức khỏe, có thêm những hiểu biết pháp luật, các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó họ đã có những nhận thức đúng đắn, dân trí được nâng cao góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt của nông thôn.
Đặc biệt những “Gia đình hiếu học và dòng học khuyến học”, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều. Để được công nhận là “Gia đình hiếu học” phải đạt 3 tiêu chí: Có con em đến tuổi đi học phải được đi học, động viên con em học khá trở lên, GD con em không phạm tiêu cực xã hội; Các thành viên gia đình phải tham gia một hình thức học tập; Gia đình phải tích cực tham gia phong trào khuyến học.
Và để đạt danh hiệu “Dòng họ khuyến học” phải có ít nhất 50% tổng số gia đình trong họ là “Gia đình hiếu học”, đã thực sự là niềm vui, động viên lớn đối với các gia đình, dòng họ. Việc họ này, xã kia, vinh danh những thủ khoa của các kỳ thi đại học, trao học bổng khuyến học, khuyến tài, các quỹ học bổng dành cho các thủ khoa xuất sắc, cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, học giỏi không còn là hiếm. Tất cả đang trở thành những động lực lớn góp phần phát triển GD và là nền tảng quan trọng xây dựng XHHT.
Nhà trường cùng chung tay
Là một vùng quê thuần nông còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng Đông Triều (Quảng Ninh) là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh trong việc các nhà trường cùng chung tay xây dựng xã hội học tập. Bà Lê Thu Trà - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Triều, cho biết: Nhiều năm qua Đông Triều đã thực hiện chủ trương biệt phái giáo viên sang để hỗ trợ cho hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng. Đây là một chủ trương hết sức tích cực và hiệu quả nhằm tăng cường chất lượng giáo dục ở các trung tâm này. Những giáo viên được biệt phái với kiến thức của mình đã đến các TTHTCĐ của các xã, thị trấn trong toàn huyện, là lực lượng nòng cốt lấp kín những khoảng trống về kiến thức cho người dân.
Ở xã miền núi Hải Sơn của tỉnh Quảng Ninh, TTHTCĐ của xã có cơ cấu bảo đảm theo quy định và thực hiện theo chế độ kiêm nghiệm. Trong đó có Hiệu trưởng Trường TH&THCS, giáo viên trực tiếp là các cán bộ quản lí, giáo viên Trường TH&THCS trên địa bàn. Ông Phùn Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, cho biết: Trong năm học, TTHTCĐ xã đã tích cực chủ động tham mưu với UBND, phối hợp với các tổ chức, ban ngành đoàn thể tại địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức góp phần nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng đời sống của nhân dân.
Kết quả, nhờ có sự phối hợp giữa nhà trường với TTHTCĐ năm 2018, xã Hải Sơn đạt phổ cập xoá mù chữ mức độ 2 (năm 2017 đạt mức độ 1), PCGD tiểu học mức độ 3 với hơn 98% trẻ từ 11 - 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, số trẻ còn lại đang học tiểu học. Đạt phổ cập GD THCS mức độ 2 với tỉ lệ thành thiếu niên từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS là gần 92% và hơn 76% tiếp tục theo học sau khi tốt nghiệp THCS. Hoàn thành các tiêu chí về GD trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Cùng sự vào cuộc của các Hội
Đông Triều là vùng đất có truyền thống hiếu học, các gia đình luôn quan tâm tới công tác khuyến học, khuyến tài. Xác định gia đình là nền tảng, tế bào của xã hội, cơ sở GD đầu tiên hình thành nhân cách, phẩm chất cho mỗi thành viên, Hội Khuyến học Đông Triều đã vận động, đẩy mạnh phong trào khuyến học, hiếu học ở các gia đình, dòng họ trên địa bàn.
Từng thành viên của tổ chức Hội đã quán triệt, triển khai sâu rộng phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học đến từng thôn, làng, khu phố, trong từng cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp... Đồng thời, cụ thể hoá các tiêu chí về gia đình hiếu học để họ nắm được và có phương hướng phấn đấu. Đến nay, phong trào xây dựng gia đình hiếu học ở Đông Triều phát triển rất mạnh mẽ, sâu rộng.
Còn ở Nam Đinh, cùng với việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ, các phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp các thôn, làng, dòng họ, chùa chiền, xứ, họ đạo, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Các cấp Hội Khuyến học từ tỉnh xuống cơ sở đã kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong cả nước ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài hàng trăm tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, cho biết: Toàn tỉnh có 1/4 số xã, phường, thị trấn có số dư quỹ khuyến học từ 100 triệu đến trên 3 tỷ đồng, 54 dòng họ có quỹ khuyến học, khuyến tài từ 100 triệu đồng đến 4 tỷ đồng… đã hỗ trợ rất tốt hoạt động của các TTHTCĐ, đặc biệt trong đó là để động viên, khen thưởng, cấp học bổng cho giáo viên giỏi, học sinh giỏi và học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Ở Nam Định, sự phối hợp thường xuyên giữa nhà trường với gia đình và các đoàn thể chính trị, xã hội đã đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, hoạt động hiệu quả của các TTHTCĐ đã tạo môi trường học tập tốt cho mọi người dân.
Với các điều kiện về địa lý và dân số phần lớn là người dân tộc thiểu số, công tác nâng cao dân trí và xây dựng XHHT là nhu cầu cấp thiết của chính quyền Lai Châu. Cùng với hệ thống các Trung tâm GDTX, TTHTCĐ đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng XHHT bằng việc tổ chức các hoạt động học tập suốt đời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Người dân đã có ý thức hơn về việc được đi học sẽ mang lại cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn về vật chất và tinh thần. Để nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa, theo ông Hoàng Đức Minh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu: Cần tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện học tập, trang thiết bị dạy học, cũng như phổ cập các phương tiện nghe nhìn, mạng Internet để mọi người có thể tiếp cận được nhiều phương pháp học tập hiện đại.
Theo TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội: Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm đến xây dựng XHHT, từ việc ban hành các chính sách đến các chương trình hành động và tổ chức thực hiện. Trong thời đại toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống, học tập đã trở thành nhu cầu thực sự của con người. Việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ học tập ngày càng được phổ biến và hiện thực hóa trong thực tiễn phát triển GD.
Đối tượng của giáo dục cũng thay đổi, không chỉ là trẻ em mà tất cả mọi người mới là đối tượng thật sự và rộng lớn của GD. Giáo dục không chỉ nhằm phát triển nhân cách của thế hệ trẻ mà còn “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Các hoạt động GD được mở rộng, không chỉ trong nhà trường mà trở thành một lĩnh vực hoạt động thu hút sự quan tâm và đầu tư nguồn lực từ mọi phía của xã hội. Nhìn ra vấn đề và có giải pháp phù hợp, chúng ta sẽ thành công xây dựng cả nước thành một XHHT. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mong muốn đó thì cần phải có những giải pháp căn cơ, đặc biệt là sự chung tay của cả cộng đồng.
Ông Nguyễn Công Hinh Vụ trưởng Vụ GD Thường xuyên (Bộ GD&ĐT)