Người lãng du u sầu
Kawabata sinh ngày 11/6/1899 ở Osaka, trong một gia đình trung lưu, có truyền thống văn hóa, cha là bác sĩ y khoa. Khi Kawabata lên 3 tuổi, người cha đáng kính qua đời; năm sau mẹ ông mất, ông bà ngoại xót xa mang cháu về nuôi dạy, từ đó cậu bé và chị sống dựa vào ông bà ngoại.
Năm 1907 khi Kawabata 8 tuổi, bà của ông rời dương thế, năm sau chị gái cũng ốm chết và năm 1914 người ông luôn gần gũi đứa cháu tội nghiệp cũng tạ thế, khiến tâm hồn thơ trẻ của Kawabata thêm tủi buồn.
Khi ông ngoại mất, cậu phải về Tokyo sống với gia đình người dì. Đứa trẻ ốm yếu lại côi cút Kawabata chỉ còn biết tựa mình vào năng lực sáng tạo, phong kín vết thương tâm hồn mình bằng cuộc tìm kiếm mê mải cái đẹp trong cuộc đời và văn chương.
Vì chỉ là đứa trẻ, nhưng lại phải thường xuyên đối mặt với cái chết của những người thân yêu trong gia đình mình, có lẽ chính những trải nghiệm này đã để lại nhiều ấn tượng nặng nề đối với nhà văn tương lai. Sau này, trong sáng tác của mình, Kawabata thường xoay quanh vấn đề về cái chết, hay sự cô đơn của cuộc sống.
Trong thời gian học phổ thông, Kawabata đã được truyền cảm hứng để trở thành một họa sĩ. Từ đó, Kawabata đã có một niềm yêu thích lớn lao trong suốt đời mình đối với cái đẹp và nghệ thuật nói chung.
Tới khi học trung học ở Tokyo và sống với bà dì ở Asakusa, cảm thấy mình có văn tài hội họa, ông đi đến quyết định trở thành một tiểu thuyết gia. Chịu ảnh hưởng của hội họa, trong văn xuôi Kawabata, những phong cảnh thiên nhiên và thế giới tâm hồn không ngớt mở ra trước mắt độc giả những màu sắc đẹp đẽ, sinh động, thu hút lòng người.
Sự nghiệp văn chương của Kawabata cũng bắt đầu từ khoảng thời gian này, khi ông thử sức mình viết truyện và tiểu luận cho các tạp chí nhỏ và báo địa phương. Ông được nhận vào Khoa Nhân văn với chuyên ngành tiếng Anh vào tháng 7 năm 1920 (sau ông chuyển sang học văn học Nhật Bản nhưng vẫn nghiên cứu cả văn học Tây phương).
Vào tuổi đôi mươi, Kawabata bị sốc khi đánh mất tình cảm người bạn gái mà ông hết lòng yêu thương với tên gọi là Chiyo. Kawabata đã hứa hôn cùng Chiyo nhưng khi mọi việc tưởng chừng xong xuôi thì nàng bất ngờ từ hôn chẳng hề nói nguyên do.
Kaori Kawabata, con rể nhà văn, cho biết: Những lá thư mới tìm thấy giúp giải thích rõ hơn một đoạn nhật ký chưa từng công bố của Kawabata, viết ngày 20/11/1923. Nhà văn viết rằng, ở Saihoji, ngôi đền nơi Chiyo sống, cô bị một thầy tu cưỡng bức. Với mặc cảm đó, nàng xấu hổ cảm thấy mình không thể nào làm vợ Kawabata, Kaori Kawabata nhận định.
Sau khi chia tay Kawabata, nàng quay lại nghề phục vụ bàn, kết hôn với người chủ quán cà phê, tái hôn và sinh con; Chiyo qua đời tháng 2/1951. Sau này, ông tự bạch rằng: Không bao giờ tôi trút bỏ được ảnh mình là một người lãng du ưu sầu. Tôi cứ luôn mơ mộng tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong giấc mơ mà lại tỉnh thức, trăn trở u hoài giữa mộng mơ...
Phong cách trữ tình giản dị
Ngay từ niên thiếu, Kawabata đã đọc rất nhiều tác phẩm của các tác giả Nhật Bản; ông cũng rất say mê tác phẩm của R. Tagore và các nhà văn Đan Mạch và Thụy Điển... Từ buổi đầu của sự nghiệp của mình, Kawabata đã mâu thuẫn với trường phái chủ nghĩa tự nhiên phổ biến đương thời, thay vào đó ông theo đuổi một khuynh hướng tinh tế hơn, mang cảm hứng trữ tình bắt nguồn từ văn học Nhật Bản.
Trong thời sinh viên, ông quen biết Kikuchi Kan, một nhà văn viết báo và là biên tập viên của tạp chí Bungei Shunju. Năm 1923 Kawabata bắt đầu làm việc cho tạp chí.
Tốt nghiệp đại học năm 1924, Kawabata cùng với những người bạn khác thành lập tạp chí văn học mang tên Bungei Jidai. Tạp chí này là điểm khởi đầu của một trường phái nhà văn mới, những nhà tân cổ điển, những người đã phản ứng chống lại cả chủ nghĩa tự nhiên bình dân và phong trào Nhà văn vô sản theo định hướng chính trị.
Sau đó, Kawabata đã viết một bài phê bình văn học quan trọng và ủng hộ các nhà văn trẻ. Năm 1948, ông trở thành chủ tịch Câu lạc bộ Văn bút Nhật Bản, đến năm 1954, ông được bầu làm thành viên của Học viện Nghệ thuật Nhật Bản.
Kawabata được trao giải Nobel văn học năm 1968. Vào mấy ngày cuối xuân ở Zushi, hàng xóm thấy con mèo cưng của Kawabata đêm nào cũng kêu rất buồn thảm, còn cây anh đào trước vườn mọi năm hoa rụng rồi vẫn mơn mởn, nay thì xơ xác; thế rồi người ta phát hiện ông tự sát vào ngày 16 tháng 4 năm 1972:
Lên đỉnh vinh quang, hồn cạn, thân gầy yếu!
Lòng nặng nề, thôi ta tự quyết cho tinh thần rời thể xác.
Nghiên cứu tác phẩm của Kawabata, có thể thấy tiểu thuyết ông nổi bật bởi cách miêu tả tâm lý tinh tế và phong cách trữ tình giản dị. Những tác phẩm của ông có thể được gọi là những tác phẩm của cuộc sống.
Truyện ngắn vũ nữ xứ Izu (The Dancing Girl of Izu) in năm 1926 kể về tình yêu tuổi trẻ đa cảm của một chàng trai dành cho một vũ công trong một đoàn nghệ sĩ đi lang thang từ khu nghỉ dưỡng suối nước nóng này sang khu nghỉ tương tự khác.
Truyện “Kurenaidan” của Asakusa” đề cập đến các băng đảng đường phố hấp dẫn ở khu Asakusa của Tokyo. Tác giả tự giới thiệu mình là một nhân vật trong câu chuyện, mô tả nhiều loại cuộc sống thấp kém khác nhau sống ở những con phố phía sau của Tokyo, phong tục của họ và hơn thế nữa.
Cuốn Xứ tuyết - Snow Country (1947), phân tích tình yêu và sự cô đơn của một geisha đồng quê trong một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng trên núi, người có quan hệ tình cảm với một tay chơi đến từ Tokyo. Sống trong hai thế giới kiểu cô lập khác nhau, cả hai nhận thấy tình yêu của họ cuối cùng là không thể.
Tiểu thuyết Tiếng rền của núi - A Thousand Cranes (1949) miêu tả cuộc sống rối ren và những cảm xúc phức tạp đến vô vọng của một nhóm người, với sự tinh tế của trà đạo làm bối cảnh. Vụ vỡ bát trà nổi tiếng, một kiểu phá vỡ biểu tượng của một bùa chú, có lẽ là vụ việc kỳ lạ nhất trong một loạt chương dài về cuộc đời kỳ lạ của các vật thể.
Các nhân vật chính còn lại, mỗi người đều có bi kịch về sự cô đơn của riêng mình. Người đẹp ngủ trong rừng (1961) tiết lộ những ký ức nhạt nhòa của một người đàn ông ở ngưỡng tuổi già, người mơ mộng hão huyền bằng cách đến thăm một cơ sở nơi các cô gái trẻ bị đánh thuốc mê để ngủ và không hề hay biết về sự hiện diện của anh ta.
Đánh giá về văn phong Kawabata, người ta cho rằng: “Kĩ thuật kể chuyện bậc thầy của ông đã mô tả được phần cốt lõi tinh thần của người Nhật”. Viện Hàn lâm Thụy Điển trong lễ trao giải Nobel cho ông đã dành những lời sau để vinh danh Kawabata: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người.
Các nhân vật của ông thường là các cô gái rất đẹp và trẻ; có vẻ ông thích hướng đến một vẻ đẹp vẹn toàn, ông tôn sùng vẻ đẹp mỏng manh và luôn sử dụng một thứ ngôn ngữ thâm sâu như sương khói về cuộc sống thiên nhiên và số phận con người”.
Bên cạnh viết văn, Kawabata còn làm phóng viên cho một số tờ báo mà đáng chú ý nhất là tờ Mainichi Shimbun ở Osaka và Tokyo. Mặc dù đã từ chối tham gia vào đội ngũ người ủng hộ giới quân phiệt trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, ông cũng thờ ơ với những cải cách chính trị của Nhật Bản sau chiến tranh, nhưng rõ ràng chiến tranh là một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất đối với ông (cùng với cái chết của cả gia đình khi ông còn trẻ); một thời gian ngắn sau đó ông nói rằng kể từ đó ông chỉ còn khả năng viết những tác phẩm bi ca sầu muộn mà thôi.
Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua bao năm tháng vẫn mãi đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, luôn có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ánh nhiều phương diện của văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê, ưu nhã, u hoài mà tinh tế của tâm hồn Nhật.