Nỗi buồn "cam kết"

GD&TĐ - Taliban mới đây ra sắc lệnh yêu cầu phụ nữ mặc burqa, trang phục dài che kín toàn thân, ở nơi công cộng để thể hiện truyền thống văn hóa và sự tôn trọng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những người phụ nữ trẻ cần che mặt, trừ đôi mắt, để tránh khiêu khích khi gặp những người đàn ông không phải họ hàng gần.

Nếu không tuân thủ quy định trên, cha hoặc họ hàng gần nhất là nam giới của những người phụ nữ sẽ bị bỏ tù hoặc bị sa thải khỏi cơ quan chính phủ. Chính quyền Taliban cũng đề nghị người phụ nữ không rời khỏi nhà nếu không có việc quan trọng bên ngoài.

Thông báo ngày 7/5 được coi là quy định kiểm soát nữ giới gắt gao nhất do chính quyền Taliban ban hành kể từ khi nắm quyền Afghanistan vào tháng 8/2021. Trước đó, Cơ quan Tuyên truyền Đạo đức và Ngăn ngừa Đồi bại của chính quyền Taliban đã ban hành một số hướng dẫn về trang phục phụ nữ nên mặc.

Phụ nữ nước này khi ra đường thường đội khăn trùm đầu nhưng nhiều người ở các thành phố lớn như thủ đô Kabul không che mặt ở nơi công cộng. Thông báo ngày 7/5 là sắc lệnh toàn quốc đầu tiên, thể hiện sự kiểm soát khắc nghiệt của chính quyền đối với cuộc sống của phụ nữ.

Trong khi đó, khi mới lên nắm quyền, Taliban tuyên bố sẽ thay đổi chính sách điều hành đất nước so với khoảng thời gian nắm quyền vào giai đoạn 1996 - 2001. Thời điểm này, họ cấm nữ giới đi học, đi làm hoặc ra khỏi nhà mà không có người thân là nam giới đi kèm.

Taliban cũng hứa hẹn xây dựng chính sách mới dành cho phụ nữ dựa trên luật Hồi giáo và văn hóa Afghanistan. Nữ sinh tiểu học, sinh viên đại học nước này cũng được trở lại trường từ khi Taliban nắm quyền.

Tuy nhiên, những hành động trong thời gian gần đây đang đi ngược lại với cam kết trước đó với quốc tế. Taliban từng thông báo cho phép nữ sinh trung học trở lại trường vào đầu năm 2022 nhưng ngay lập tức rút lại quy định này.

Đến nay, nữ sinh trung học vẫn chưa thể đi học lại, nữ giáo viên không được đi làm. Chính quyền Taliban chỉ thông báo đang xây dựng kế hoạch mới cho ngành giáo dục. Sự kiện này đã bị cộng đồng quốc tế phản đối.

Sắc lệnh mới nhất đối với phụ nữ có khả năng cản trở nỗ lực của Taliban để được quốc tế công nhận và ủng hộ, đặc biệt khi đất nước phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế và nghèo đói lan rộng.

Các chuyên gia nhân quyền nhận định Taliban không thể hy vọng được thế giới công nhận hoặc được chấm dứt các lệnh trừng phạt nếu họ không tuân thủ cam kết bảo vệ và ủng hộ phụ nữ. Các tổ chức quốc tế sẽ đánh giá Taliban bằng hành động thay vì lời nói. Trách nhiệm về quyền của phụ nữ và trẻ em gái hiện là nghĩa vụ của Taliban.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ bộ máy chính quyền Taliban đều cho thấy sự hà khắc đối với cuộc sống của phụ nữ. Các quan chức cấp cao từng tranh cãi về việc giáo dục dành cho trẻ em gái, thể hiện sự chia rẽ về cách điều hành của Taliban. Điều này cho thấy, sự đối lập giữa đường lối cứng rắn và ôn hòa.

Nhiều người dân Afghanistan, trong đó có cả nam giới, đã chống trả mạnh mẽ các quy định hà khắc với nữ giới thông qua các cuộc biểu tình quy mô nhỏ. Dù vậy, cho đến nay, chính quyền Taliabn vẫn chưa cho thấy những động thái phù hợp với cam kết của họ trên trường quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Diếp thơm

GD&TĐ - Nó cứ luấn quấn bên chân mẹ rồi 'vén' mũi lên mà hít hà. Cái mùi hương này sao mà quyến luyến đến thế kia chứ.