Afghanistan: Nơi “chôn vùi” giấc mơ của phụ nữ

GD&TĐ - Kể từ khi Taliban nắm quyền, nữ sinh tại Afghanistan từ cấp trung học trở lên không được trở lại trường. Hầu hết các trường đại học công lập tại nước này đóng cửa hoàn toàn, hoặc chỉ hoạt động một phần.

Nữ sinh trung học Afghanistan không được tới trường.
Nữ sinh trung học Afghanistan không được tới trường.

Khi ước mơ bị dập tắt

Để khiến những ngày tháng và tâm trí trở nên bận rộn, cô sinh viên đại học Hawa ngồi bên cửa sổ trong ngôi nhà ở Kabul (Afghanistan) và chăm chú đọc sách.

Giống như hàng trăm nghìn cô gái và phụ nữ trẻ khác tại Afghanistan, cô gái 20 tuổi theo học ngành văn học Nga này đã không được phép trở lại trường, kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào giữa tháng 8. Cũng như bao bạn cùng trang lứa khác, Hawa cảm thấy thất vọng xen lẫn tức giận, khi nguyện vọng học tập và làm việc bị cản trở.

“Chúng ta không sinh ra để ngồi ở nhà. Trong hoàn cảnh này, tôi nhận thấy, ước mơ của mình không thể thành hiện thực”, Hawa chia sẻ khi ngồi trong ngôi nhà - nơi cô dành cả ngày để vẽ, đọc sách và làm công việc nội trợ.

Ngày 15/8, Taliban lên nắm quyền sau khi lật đổ Chính phủ Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn. Taliban cho phép tất cả trẻ em trở lại lớp học. Tuy nhiên, nữ sinh từ cấp trung học trở lên không được quay lại trường. Hầu hết các trường đại học công lập tại Afghanistan đóng cửa hoàn toàn, hoặc chỉ hoạt động một phần.

Taliban đã đảm bảo với người dân Afghanistan và các nhà tài trợ nước ngoài rằng, quyền của mọi người sẽ được tôn trọng. Trong đó, bao gồm cả việc cho phép trẻ em gái đến trường, phụ nữ được học tập và làm việc.

Taliban đồng thời đổ lỗi cho cộng đồng quốc tế vì đã cắt viện trợ. Bởi, điều đó khiến việc mở lại các tổ chức giáo dục trở nên khó hơn. Song, hơn ba tháng sau khi Taliban cầm quyền, những cam kết đó vẫn chưa xảy ra.

Khi Taliban nắm quyền từ năm 1996 - 2001, phụ nữ và trẻ em gái không được phép đến trường. Cuối năm 2001, Taliban bị lực lượng do Mỹ lãnh đạo tước bỏ quyền cai lực. Kể từ đó, nữ sinh bắt đầu được theo học tại các tổ chức giáo dục.

Phụ nữ có thể học để trở thành những nhà kinh doanh hoặc làm việc trong chính phủ, cũng như theo đuổi ngành y khoa và luật. Song, theo một báo cáo của UNESCO vào năm 2018, tỷ lệ nữ biết chữ ở Afghanistan chỉ đạt 30%. Ngày 15/8, Taliban trở lại Kabul và nắm quyền lãnh đạo đất nước. Kể từ đó, những luật lệ hà khắc được Taliban áp đặt.

“Tôi rất thích trở lại lớp, được tiếp tục việc học của mình, gặp các bạn và giáo viên”, Hawa bày tỏ và nhìn quanh căn phòng nơi bàn và ghế phủ đầy bụi.

Khi em trai và em gái đi học về mỗi ngày, Hawa sẽ giúp chúng làm bài tập về nhà. “Chúng... trở về nhà và làm bài tập, kể về bạn bè cũng như việc học. Trong khi đó, tôi cảm thấy buồn vì mình không thể đến trường”, nữ sinh này chia sẻ.

Em gái Hawa - Hadia (10 tuổi) cho biết, một số giáo viên và bạn học của mình không còn tới lớp. Hadia cho rằng, có thể, họ nằm trong số hàng nghìn người Afghanistan chạy trốn khỏi Kabul trong những tuần hỗn loạn sau khi Taliban lên nắm quyền. Ngay cả ở độ tuổi của mình, Hadia cũng nhận ra những khó khăn trước mắt.

“Em đang học lớp 4. Em muốn trở thành một bác sĩ, nhưng nếu trong hai năm nữa mà không được tiếp tục học như chị gái, em sẽ không thể thực hiện được ước mơ của mình. Điều đó khiến em sợ hãi”, Hadia bày tỏ.

Nữ sinh Zayba chia sẻ, ước mơ của cô đã bị dập tắt.
 Nữ sinh Zayba chia sẻ, ước mơ của cô đã bị dập tắt.

Hậu quả với ngành giáo dục

Đối với nhiều cô gái, việc chấm dứt tự do giáo dục cũng đồng nghĩa rằng, ước mơ của họ bị dập tắt. Zayba cho biết, từ nhỏ, cô đã lên kế hoạch theo học để trở thành bác sĩ phẫu thuật. Tuy nhiên, kể từ khi Taliban nắm quyền, ước mơ của cô dường như “tan thành mây khói”. “Ngày Taliban nắm quyền kiểm soát, tôi đã nghĩ: Đây là dấu chấm hết cho cuộc đời phụ nữ”, nữ sinh chia sẻ.

Cũng theo quy định của Taliban, nam giới sẽ không được phép dạy học cho nữ. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu giáo viên trước đó. UNESCO cảnh báo, quy định này, cùng với những hạn chế trong việc trả lương cho giáo viên và cắt viện trợ quốc tế, có thể gây ra những hậu quả “tức thời và nghiêm trọng” đối với nền giáo dục ở Afghanistan.

Bên cạnh đó, các nữ sinh được yêu cầu đội niqab - “khăn che mặt”. Trước bối cảnh này, giáo viên nữ, ban giám hiệu và học sinh đã phải chuẩn bị để thực hiện những luật lệ mới đầy khắc nghiệt này. Nhiều người nói rằng, họ đã bắt đầu đeo niqab để phù hợp với các lớp học - nơi giới tính được phân biệt nghiêm ngặt.

Parisa - người làm việc tại một trường học ở Kabul, cho biết: “Tôi bắt đầu đeo niqab từ ngày đầu tiên Taliban xuất hiện. Chúng tôi sẽ đeo nó, nhưng chúng tôi không muốn phải ngừng việc giáo dục”.

Bà Parisa nhấn mạnh, không ai muốn Taliban có thêm bất kỳ lý do nào để đóng cửa hoàn toàn trường học. Bà Parisa cùng các giáo viên khác được yêu cầu tiếp tục giảng dạy chương trình hiện tại, cho đến khi Taliban hoàn thành phiên bản mới.

“Phụ nữ là một nửa của xã hội chúng ta. Phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống. Tuy nhiên, Taliban không nói chuyện với phụ nữ”, bà Parisa bày tỏ.

Trong khi đó, bà Aqila - Giám đốc Trường Trung học Sayed Ul-Shuhada ở Kabul, không được cung cấp thông tin khi muốn tìm hiểu chi tiết về kế hoạch giáo dục. Bà không thể tham dự các cuộc họp về giáo dục hằng tuần của Taliban. Bởi, các cuộc họp này chỉ dành cho nam giới.

“Họ nói, chúng tôi nên cử một đại diện nam”, Giám đốc Aqila cho biết. Tuy nhiên, bà Aqila và các nhà giáo dục Afghanistan khác không cần phải tham gia các cuộc họp để hiểu được thực tế mới khắc nghiệt của giáo dục dưới sự cai trị của Taliban.

Chính phủ mới tuyên bố có ý định hạn chế nghiêm ngặt các quyền tự do giáo dục mà nhiều phụ nữ và trẻ em gái được hưởng trong 20 năm qua. Câu hỏi duy nhất là hệ thống giáo dục mới sẽ khắc nghiệt đến mức nào. Loại hình giáo dục dựa trên nền tảng Hồi giáo nào sẽ được áp dụng cho cả trẻ em trai và gái?

Giáo viên nữ sẽ giảng dạy các trẻ em gái.
Giáo viên nữ sẽ giảng dạy các trẻ em gái.

Không ngừng hy vọng

Cũng giống như quy định khi cai trị hầu hết Afghanistan vào cuối những năm 1990, Taliban dường như sẽ lãnh đạo đất nước bằng sự đe dọa và “gieo rắc” sợ hãi.

Đối với các nữ sinh, quyết định chấm dứt đột ngột quyền tự do học tập khiến họ bị tổn thương sâu sắc. Nhiều người nói rằng, niềm vui và sự mong đợi mà họ từng cảm thấy khi bước vào lớp học đã mất đi. Thay vào đó, tất cả họ nhận lại là nỗi sợ hãi và bất lực.

Zayba (17 tuổi) - người sống sót sau một vụ đánh bom kinh hoàng tại trường học vào tháng 5, đã ngừng đến trường từ khi Taliban nắm quyền. Zayba cho rằng, quy định này đã tước đi mọi động lực của cô. “Tôi thích học ở nhà. Tôi đang cố gắng, nhưng không thể. Bởi, tôi không nhìn thấy bất kỳ tương lai tươi sáng nào dưới chế độ này”, nữ sinh 17 tuổi nhận định.

Sanam - người bạn học 16 tuổi của Zayba, đã trải qua hai cuộc phẫu thuật do vết thương trong vụ đánh bom. Vào ngày 15/8, Sanam tham gia một kỳ thi để trở thành nha sĩ. Song, khi trở về nhà, cô biết rằng, Taliban đã lên nắm quyền. “Tôi đã nghĩ đến vụ nổ. Tôi không thể tập trung vào việc học của mình. Khi nghĩ về tương lai, chúng tôi không thể nhìn thấy gì cả”, Sanam bày tỏ.

Khi nghe tin các nam sinh được trở lại trường học, Sanam cho biết, cô rất vui vì anh trai mình có thể tới lớp. Cô nuôi hy vọng rằng, bằng cách nào đó, Taliban sẽ thay đổi quyết định khắc nghiệt với phụ nữ.

“Nếu biết rằng phụ nữ có thể là một phần của đất nước này và làm được bất cứ điều gì tương tự đàn ông, Taliban có thể sẽ cho phép chúng tôi đi học”, Sanam chia sẻ. Song, hiện tại, ngay cả các nam giáo viên cũng nói rằng, họ đang lo lắng và sợ hãi. Một giáo viên tại Trường Sayed Ul-Shuhada cho biết, 11 học sinh của ông đã thiệt mạng trong vụ đánh bom ngày 8/5.

“Sau khi vụ nổ xảy ra, chúng tôi mất tự tin. Học sinh không có động lực đến trường. Nhà cầm quyền mới nói rằng, phụ nữ và trẻ em gái không thể làm việc trong chính phủ. Đó là lý do tại sao mọi người không còn động lực. Nếu là họ, bạn cũng sẽ nói rằng, tự tin trong tình huống này là không thể”, nam giáo viên chia sẻ.

Trong khi đó, ông Mohammad Tariq - quản lý một trường tư thục ở Kabul, cho biết, Taliban tuyên bố trong các cuộc họp rằng, chương trình giảng dạy mới sẽ bao gồm “những môn học đặc biệt”. Giáo viên sẽ được yêu cầu dạy những môn đó. Cụ thể, trẻ em gái sẽ được giáo viên nữ giảng dạy. Trẻ em trai sẽ do giáo viên nam giảng dạy.

“Thay đổi sẽ đến. Các môn học nhất định sẽ bị loại bỏ đối với nữ sinh như: Kỹ thuật, nghiên cứu, nấu ăn, giáo dục nghề. Các môn học chính sẽ vẫn được giữ nguyên”, ông Mohammad Tariq cho biết. Tuy nhiên, ông Mujahid - người phát ngôn của Taliban, đã phủ nhận và cho rằng, không có bất kỳ môn học cụ thể nào sẽ bị loại khỏi chương trình giảng dạy của các trường.

Theo Reuters; NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.