Nổi bật tuần qua: Đồng thuận cao tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi, đề xuất sớm trình xây dựng Luật Nhà giáo

GD&TĐ- Bộ GD&ĐT nhất quán quan điểm mở cửa trường học, đề xuất Bộ Y tế sớm tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi; vấn đề Luật Nhà giáo; HS đạt thành tích cao tại Olympic quốc tế Zhautykov;…là những nội dung GD nổi bật tuần qua.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Nhất quán quan điểm mở cửa trường học

Tại phiên giải trình về triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19 chiều 25/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định mở cửa trường học là cấp thiết, và đề xuất Bộ Y tế sớm tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi.

Bộ trưởng cho biết: Ba việc vẫn đang được ngành Giáo dục thực hiện song song, đó là: Tiến hành đánh giá hiệu quả tình hình dạy học trực tuyến; đánh giá chất lượng dạy học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và triển khai chiến lược ứng phó lâu dài với dịch bệnh. Trong đó, tiếp tục củng cố hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường kho học liệu, bài giảng số, tiếp tục tăng cường kĩ năng của giáo viên…

“Dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực là câu chuyện lâu dài, không chỉ là việc nhất thời trong phòng chống dịch” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, định hướng nhất quán của Bộ là đưa học sinh quay lại trường. Hiện, dù một số nơi đi học rồi lại nghỉ, song mở cửa là xu hướng tất yếu. Tính đến 11h trưa 25/2, tỷ lệ học sinh đến trường vẫn là 88%.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Khó có phương án nào toàn diện, đáp ứng được mọi điều, mà trong khó khăn chúng ta phải chọn phương án khả dĩ nhất. Tình thế buộc chúng ta phải thích ứng".

Đồng thời, Bộ trưởng cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi để phụ huynh yên tâm.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Đồng thuận cao tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi

Liên quan đến nội dung tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, từ 11/2-15/2, Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai thăm dò dư luận tại 63 tỉnh/thành xung quanh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Số lượt người tham gia trả lời trong khảo sát này là 387.037. Viện Dư luận xã hội đã tiến hành chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên phân tầng, chọn 18.743 mẫu, đại diện cho các giai tầng và 6 khu vực kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo đó, về mức độ sẵn sàng đưa trẻ em từ 5-11 tuổi đi tiêm vắc xin phòng Covid-19: Đại đa số ý kiến (81%) cho biết “sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng Covid-19” nếu ngành Y tế tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời gian tới. Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi là 80%.

Tỷ lệ số người “rất tin tưởng” vào khả năng kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam trong thời gian tới chiếm 72%. Tỷ lệ này tăng cao nhất so với kết quả khảo sát từ tháng 8/2021 tới nay.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Đề nghị Chính phủ sớm trình xây dựng Luật Nhà giáo

Trong kết luận phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý GV mầm non, phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị: Chính phủ sớm trình xây dựng Luật Nhà giáo nhằm luật hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vị thế nhà giáo và đặc điểm nghề giáo cũng như các chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, rà soát, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện các văn bản pháp luật về nhà giáo, đặc biệt xây dựng Luật Nhà giáo, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.

Cùng đó, thống nhất với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc xác định biên chế nhà giáo; điều chỉnh cách tính định biên phù hợp với địa bàn, vùng miền; phù hợp xu thế tăng, giảm dân số cơ học tại một số địa phương, khu vực. Thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đội ngũ nhà giáo làm cơ sở hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu, chiến lược, phát triển đội ngũ, …

Rà soát, sắp xếp các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên; Có cơ chế, chính sách tuyển dụng phù hợp; khuyến khích, thu hút người giỏi vào ngành Giáo dục, thu hút giáo viên về công tác tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; có giải pháp bảo đảm nhân lực dạy một số bộ môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật,...).

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp trong tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển giáo viên để đảm bảo chất lượng và sự ổn định của đội ngũ…

Nổi bật tuần qua: Đồng thuận cao tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi, đề xuất sớm trình xây dựng Luật Nhà giáo ảnh 3

Học sinh Việt Nam đại thắng tại Olympic quốc tế Zhautykov

7 học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) đại diện cho đội tuyển Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic quốc tế Zhautykov về Toán, Vật lý và Khoa học máy tính năm 2022 đều xuất sắc đoạt huy chương, trong đó 5 em đoạt huy chương vàng và 2 em đoạt huy chương đồng.

Với kết quả này, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên xếp hạng 2/170 đoàn tham dự, giành giải Vàng toàn đoàn (Gold prix); chỉ xếp sau đội Trường International Computer High School of Bucharest của Rumania giành giải đặc biệt (Grand Prix).

Olympic quốc tế Zhautykov được tổ chức hàng năm tại thủ đô Almaty, đến nay trải qua 18 lần tổ chức, là một trong những sự kiện giáo dục uy tín nhất được tổ chức tại Kazakhstan. Trong 1 tuần dự thi, các thí sinh làm các bài thi thuộc các lĩnh vực Toán học, Vật lý và Khoa học máy tính để giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn cuộc sống. Đề thi được các nhà khoa học, các thầy cô giáo tại Việt Nam đánh giá rất hay và đặc sắc.

Năm 2022, do ảnh hướng của đại dịch Covid-19, Olympic quốc tế Zhautykov được tổ chức trực tuyến từ ngày 15/2 đến 23/2 thu hút sự tham gia của gần 1200 học sinh thuộc 170 trường chuyên đến từ 21 quốc gia. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham dự gồm 7 học sinh của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, dưới sự dẫn dắt của thầy Hồ Đắc Phương (trưởng đoàn), thầy Nguyễn Bảo Trung (phó đoàn).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ