Nơi ấy, Bến Nhà Rồng - 111 năm về trước!

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2022), triển lãm “Về nơi lưu dấu chân Người” giới thiệu hơn 150 hình ảnh tư liệu quý.

Triển lãm “Về nơi lưu dấu chân Người” giới thiệu 150 hình ảnh, tư liệu quý giá.
Triển lãm “Về nơi lưu dấu chân Người” giới thiệu 150 hình ảnh, tư liệu quý giá.

Bến Nhà Rồng cách nay 111 năm chứng kiến sự ra đi của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Để rồi hành trình 30 năm sau đó mở ra một chặng mới trong lịch sử hiện đại Việt Nam. 

Giá trị di sản Hồ Chí Minh

Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TPHCM) phối hợp Bảo tàng Hồ Chí Minh - Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức khai mạc triển lãm “Về nơi lưu dấu chân Người”.

Chuyên đề giới thiệu 150 hình  ảnh, tư liệu tái hiện các di tích ở Huế với quá trình hình thành, phát triển, nỗ lực tu bổ, tôn tạo phục hồi di tích gốc. Đặc biệt là những câu chuyện kể sống động khắc họa cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động của Người và gia đình.

Triển lãm đưa công chúng trở về không gian văn hóa Huế, với bối cảnh lịch sử, chính trị đất kinh kỳ, cùng với nền nếp của gia đình xứ Nghệ. Từ đó, thẩm thấu một trong những mạch nguồn hình thành tư tưởng, nhân cách văn hóa lớn trong Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Cùng với các di tích ở Huế, hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ tại TPHCM: Di tích nhà số 1851 đường Cô Bắc, Quận 1; Địa điểm Trường cơ khí Á Châu Sài Gòn; Di tích nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, Quận 5; Di tích Bến Nhà Rồng cũng được trưng bày một cách sinh động và giới thiệu đến công chúng.

Hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Huế đến TPHCM. Đặc biệt là hình ảnh các hoạt động phát huy giá trị di sản đã khẳng định vai trò, vị thế của hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của dân tộc.

Ban tổ chức cho biết, triển lãm sẽ diễn ra đến 2/9 với 3 phần. Phần 1 là chủ đề “Huế - Nơi lưu dấu tuổi thơ Người”: Trưng bày các hình ảnh về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế, dấu chân anh Nguyễn Tất Thành từ Huế đi dần về phía Nam. Phần 2 mang chủ đề “Sài Gòn – TPHCM những năm đầu thế kỷ 20 - Nơi Nguyễn Tất Thành đến và đi tìm đường cứu nước”.

Phần 3 là “Di sản Hồ Chí Minh sống mãi với thời gian”: Phát huy giá trị di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế và tại TPHCM.

Một số đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ ở Huế.

Một số đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ ở Huế.

Về nơi lưu dấu chân Người

“Triển lãm “Về nơi lưu dấu chân Người” như thêm một lần nữa ôn lại và củng cố về cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, và phong trào cách mạng vô sản thế giới... Đó là một con người thiên tài, bác ái và rất đỗi thanh bạch”, bà Lưu Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Với triển lãm lần này, khách tham quan sẽ biết đến một số hình ảnh tư liệu liên quan đến hành trình Nam tiến của Nguyễn Tất Thành mà lâu nay ít được công bố.

Chẳng hạn như ngôi chùa Phước An ở Tuy Phong - Bình Thuận là một địa điểm ghi dấu dừng chân của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành và còn thể hiện mối giao tình với cụ nghè Trương Gia Mô thời bấy giờ.

Hay những hình ảnh về huyện đường Bình Khê và hệ thống di tích lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định hiện nay là những dấu mốc trên hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời.

Về hiện vật có tủ trưng bày một số vật dụng trong sinh hoạt gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc thời kỳ ở Huế. Trong phần này còn có hình ảnh ngôi nhà ở làng Dương Nỗ - nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng hai con là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung từng sinh sống giai đoạn 1898 - 1900.

Bên cạnh đó là hình ảnh ngôi đình làng Dương Nỗ - nơi hằng ngày Nguyễn Sinh Cung thường ra chơi, viếng cảnh, học bài...

Tại Sài Gòn - TPHCM là hình ảnh các địa điểm như ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm (nguyên là nhà số 1-2-3 Bến Testard), trụ sở hãng nước mắm Liên Thành ở Bến Vân Đồn vốn xây dựng từ năm 1922...

Trong khuôn khổ kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM cũng phối hợp Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen tổ chức chương trình nghệ thuật “Tự hào thành phố mang tên Bác”.

18 tiết mục đặc sắc do các nghệ sĩ như: NSƯT Trịnh Kim Chi, Võ Minh Lâm, Quế Trân, nhóm Mặt Trời Nhỏ, nhóm múa Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TPHCM... thể hiện.

Các tiết mục dàn dựng thành một câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với các sự kiện lịch sử của dân tộc.

Một triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) - “Những tấm gương bình dị mà cao quý” mang đến những câu chuyện lay động lòng người về những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và đất nước.

Với gần 300 tư liệu ảnh, tài liệu, hiện vật thể hiện khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ. Đồng thời giới thiệu những tấm gương tiêu biểu, những đóng góp nổi bật của thế hệ trẻ Việt Nam.

Người xem được truyền cảm hứng bởi tấm gương tuổi trẻ sống đẹp của anh Nguyễn Văn Cường (Khánh Hòa) - dù bại liệt cả hai chân, nhưng vẫn luôn tích cực tham gia tình nguyện hỗ trợ các bệnh nhân nghèo.

Đồng thời, được cảm phục và rung động trước hành trình lặng lẽ suốt hơn 20 năm qua của cựu binh Nguyễn Tiến Dân (Đà Nẵng) - khi đến vùng sâu, vùng xa để trao áo ấm, sách vở cho học sinh và giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: