Chìa đã phải trả giá cho hành vi tàn độc của mình bằng bản án chung thân. Năm 2013, Chìa được xét giảm xuống án có thời hạn, nhưng gần hai mươi năm trong tù với nỗi cô đơn không người thăm gặp có lẽ là hình phạt nặng nề mà chị ta phải chịu đựng…
Tội ác từ sự nhỏ nhen
Gặp Chìa ở Trại giam số 5 (Bộ Công an), chúng tôi thực sự bất ngờ vì không nghĩ rằng một người đàn bà có gương mặt đậm chất quê mùa, thô kệch ấy lại là hung thủ của một vụ đầu độc, suýt lấy đi hai mạng già là bố mẹ chồng.
Nhắc lại quá khứ, Chìa khóc vì ân hận và nuối tiếc. Chìa bảo chỉ vì một phút rồ dại mà đã đánh mất tất cả.
Nguyễn Thị Chìa đang phải trả giá cho những lỗi lầm của mình.
Chìa sinh ra ở một vùng quê nên khi nhiều cô gái ở cái tuổi đó còn tung tăng bay nhảy, lo chuyện học hành thì Chìa đã phải lo làm tròn bổn phận dâu con và cáng đáng chuyện gia đình. Vì thế, những vụng về trong ăn ở lẫn lời ăn tiếng nói là không tránh khỏi.
Chồng đi làm xa, thi thoảng có về nhà thì lại bận rộn việc này, việc kia nên khó lòng chia sẻ hết những ấm ức trong lòng người vợ trẻ. Đã thế, bố mẹ chồng Chìa lại khó tính, thành ra tiếng bấc, tiếng chì giữa bố mẹ chồng với cô con dâu trẻ người non dạ.
Vốn là người không khéo ăn, khéo nói, nhan sắc cũng vào loại trung bình nên ngay từ khi bước chân về làm dâu, Chìa đã không gây được cảm tình với bố mẹ chồng.
Chồng không có nhà, Chìa cứ lặng lẽ như cái bóng, lầm lũi khiến bà mẹ chồng có suy nghĩ phong kiến cho rằng con dâu khinh không đáp lời.
Vậy là mát mẻ, bóng gió con dâu chưa đủ, bà còn đợi khi con trai về để kể tội con dâu. Đáng ra phải tâm sự với chồng để tìm sự cảm thông thì Chìa cũng im lặng nốt. Thậm chí, khi người chồng nghe mẹ kể tội con dâu, có hỏi vợ thì Chìa cũng chỉ im lặng. Cô không một lần bày tỏ chính kiến của mình.
"Tôi cứ nghĩ chồng phải hiểu cho hoàn cảnh của tôi, nhưng anh ấy chỉ căn vặn, tra hỏi xem có đúng thế không. Vì thế mà tôi chán chẳng muốn nói nữa", Chìa kể.
Sự im lặng đã đẩy Chìa vào thế bị cô lập. Cô "mặc kệ" và chỉ quan tâm đến đứa con của mình. Với Chìa, con cái là nơi để tìm sự đồng cảm, để giãi bày những ấm ức trong lòng và cũng là để tiếp cho cô thêm động lực sống.
Chính cách xử sự vụng về và có phần tiêu cực ấy của Chìa mà hố sâu ngăn cách tình cảm giữa bố mẹ chồng với con dâu càng thêm nghiêm trọng.
Người chồng vốn đã ít về thăm gia đình, giờ đây mỗi lần về lại phải nghe những phàn nàn của cha mẹ về vợ mình càng thêm chán nản. Chìa bảo, ngày đó vì còn quá trẻ thành ra vô tâm, chưa nghĩ được nhiều như bây giờ.
Chính vì vô tâm nên Chìa đâu có quan tâm xem chồng mình nghĩ gì, làm gì. Duy chỉ có đứa con là Chìa cảm thấy vui, bởi mỗi khi bị bố mẹ chồng mắng chửi, ta thán thì con cái là nơi để Chìa ẩn nấp.
"Tôi ức bố mẹ chồng lắm, vì họ mỗi khi mắng mỏ tôi thường lôi tên bố mẹ tôi ra để nhiếc móc. Tôi im lặng mà trong lòng đau nhói. Bố mẹ tôi nào có tội tình gì", Chìa nhớ lại.
Chiều 11/9/2000, Chìa đang cho con bú ở trong buồng thì có khách đến chơi. Thấy mẹ chồng đi chơi chưa về nên Chìa xuống bếp nấu cơm hộ bố chồng để ông nói chuyện với khách. Vì trước đó đã nuôi ý định đầu độc bố mẹ chồng nên Chìa mua sẵn 5 gói thuốc chuột giấu dưới bếp.
Trong lúc nấu cơm cho bố mẹ chồng, Chìa nghĩ đây là cơ hội để ra tay trả thù nên đã lấy số thuốc chuột trên bỏ vào nồi canh rau. Một lát sau khách về, mẹ chồng Chìa cũng về tới nhà. Ông bà Chương (bố mẹ chồng Chìa - PV) dọn cơm ăn, còn Chìa bế con ngồi ở võng.
Ăn xong, hai vợ chồng ông Chương lên cơn co giật, nôn mửa. Chìa lấy chậu hứng đổ đi, sau đó gọi hàng xóm nhờ đưa bố mẹ chồng đi bệnh viện cấp cứu. Đến 19h cùng ngày, ông Chương không qua khỏi. Người vợ may mắn thoát chết.
Với hành vi này, ban đầu Chìa bị hội đồng xét xử tòa án sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù về tội giết người.
Không đồng tình với mức án trên, em trai ông Chương đã làm đơn kháng cáo, cho rằng tội của Chìa phải xử nặng hơn bởi phạm tội giết nhiều người cùng lúc. Ngày 29/6/2001, Tòa án nhân dân Tối cao đã mở phiên phúc thẩm. Chìa bị tuyên án chung thân. Chủ tọa vừa dứt lời, Chìa đổ gục vì quá sốc.
Nỗi cô đơn khủng khiếp
Trên đời này không có nỗi cô đơn nào khủng khiếp bằng nỗi cô đơn bị người thân bỏ mặc. Đã 18 năm có lẻ, Chìa sống không một lần được người thân tới thăm. Không một ai, từ anh em ruột thịt đến hai đứa con và người chồng có một cử chỉ ngó ngàng tới Chìa.
Họ coi như Chìa đã chết và không muốn nhắc tới.
Chìa kể, có một lần duy nhất chồng xuất hiện. Ấy là khi Chìa còn đang ở nhà tạm giam, chờ xét xử thì anh chồng đến, không phải để hỏi thăm Chìa mà là đưa đơn ly hôn.
Các phạm nhân nữ đang cải tạo lao động ở trại giam số 5.
"Lúc đó tôi như chết lặng. Tôi rất muốn nói với anh ấy một lời xin lỗi, mong anh ấy hiểu và tha thứ cho tôi, nhưng tôi không sao mở lời được. Nước mắt trào ra, tôi cầm bút ký mà lòng tan nát. Kể từ phút đó tôi hiểu rằng mình chẳng còn ai nữa để mà hy vọng. Tôi là kẻ lạc loài thực sự", Chìa nức nở.
"Chị ơi, quá khứ đau lòng đó, em không muốn nhắc tới nữa. Bản án lương tâm dành cho em còn đau đớn hơn tất cả những nỗi đau, bi kịch trước đó dồn lại. Em không muốn nhắc lại chuyện cũ, chỉ muốn chuyên tâm cải tạo, làm lại cuộc đời", Chìa nói với tôi và khóc to hơn khi nhắc đến hai con.
Người đàn bà tội lỗi kể lại quãng thời gian đầu mới bước chân vào trại giam. Khi đó Chìa mới 23 tuổi và đang nuôi con nhỏ mới đầy tháng tuổi, nhưng vì phạm tội đặc biệt nguy hiểm nên không được tại ngoại.
Những ngày bầu ngực căng tràn và nhức buốt vì căng sữa, Chìa lại khóc khi nghĩ đến đứa con nhỏ giờ này đang khát sữa mẹ. Chìa nhớ đứa con nhỏ, nhớ cả tiếng bi bô của cô con gái lớn khi đó đã 5 tuổi.
"Tôi khóc cho phút nông nổi của mình, thương người quá cố và thương cho cả chính mình. Giết người phải đền tội là đương nhiên. Nhưng cứ nghĩ tới cảnh các con bơ vơ ở nhà, chịu tai tiếng con của người mẹ giết người, nước mắt tôi cứ thế trào ra.
Thời gian ở trại giam cứu và ngày đầu lên đây, với tôi thật căng thẳng. Đầu óc tôi lúc nào cũng căng ra như dây đàn vì nghĩ ngợi và ám ảnh. Lắm lúc tôi tưởng mình điên, rồi muốn được điên thật cho đỡ phải nghĩ. Tôi hầu như không trò chuyện với bất cứ ai, một mình một bóng, đối diện với lương tâm tội lỗi", Chìa nhớ lại.
Ân hận, day dứt và lo lắng cho con nên Chìa viết thư về cho bố mẹ, các anh chị và cả chồng cũ, nhưng chỉ có thư đi chứ không hề có một lần hồi âm. Người đàn bà này cho biết không nhớ mình đã viết bao nhiêu thư về nhà, nhưng gần hai mươi năm qua chưa từng nhận được một lá thư trả lời.
Nghe những lời tâm sự của Chìa, tôi hiểu rằng, ẩn sâu trong khuôn mặt khắc khổ kia là một sự hối hận và nuối tiếc. Chìa mong lắm được người thân tha thứ, mong nhận được tin về hai đứa con dù biết điều đó thật quá mong manh. Hẳn là chẳng có sự trừng phạt nào nghiêm khắc và đau đớn hơn sự quay lưng, ngoảnh mặt của người thân.
Nhất là mỗi khi tết đến, xuân về, nhìn các bạn tù cùng buồng háo hức với thư, với quà của người thân, Chìa chỉ có nỗi trống vắng. Chìa bảo, gần hai chục năm nay đã khóc quá nhiều rồi và giờ không thể khóc được nữa. Đôi lúc, Chìa cũng tiêu cực, nghĩ quẩn nhưng rồi lại tự dặn lòng phải vững vàng để sống tiếp.
"Khi nhận lá đơn ly hôn, tôi chỉ buồn vì biết mình đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Tôi không muốn nói ra những nỗi khổ mà tôi đã phải chịu đựng trước đó, chỉ mong hai con tôi được bình yên", Chìa kể.
Điều mà Chìa mong mỏi nhất là có cơ hội trở về tạ tội với người quá cố và cầu xin hai con tha thứ.