Nở rộ lừa đảo trực tuyến

GD&TĐ - Lợi dụng việc nhiều chợ phải đóng cửa, các đối tượng giả mạo trang web, đường link khuyến mãi của các đơn vị bán lẻ để lừa khách hàng.

Một khách hàng tố bị lừa đảo qua mạng.
Một khách hàng tố bị lừa đảo qua mạng.

Đủ chiêu lừa đảo người tiêu dùng

Mới đây, trên mạng xã hội rộ lên chiêu thức mạo danh Co.opmart gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng phiếu mua hàng… Rất nhiều khách hàng đã nhận được tin nhắn “Trúng thưởng phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng” nhân dịp kỷ niệm 10 năm sinh nhật Co.opmart, kèm theo đường link.

Trong link này cài đặt phần mềm có khả năng đánh cắp dữ liệu cá nhân. Chỉ cần người dùng bấm vào đường link thì chế độ đánh cắp dữ liệu lập tức được kích hoạt.

Tài khoản của khách hàng cũng có thể bị chiếm dụng và thực hiện các hành vi lừa đảo như: Nhờ nạp thẻ cào, chuyển khoản từ người thân, bạn bè. Không những vậy, đối tượng còn yêu cầu khách hàng chuyển một khoản tiền gọi là phí nhận thưởng.

Trước nguy cơ khách hàng bị lừa đảo, ngày 26/6, Saigon Co.op (doanh nghiệp vận hành hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…) đã phát đi cảnh báo về tình trạng giả mạo trang web, đường link khuyến mãi của siêu thị này để lừa đảo.

Theo đại diện Co.opmart, lợi dụng nhu cầu mua sắm trên nền tảng online tăng cao trong mùa dịch, một số thành phần xấu đã mạo danh các nhãn hàng, siêu thị để gửi link (đường dẫn) lừa người dân nhập tên, mật khẩu Facebook cá nhân. Ngoài ra, một số trang còn “dụ” người dân cung cấp thông tin, mật khẩu tài khoản ngân hàng rồi sau đó chiếm dụng.

“Thủ thuật chung là gửi link có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu nhập thông tin đăng nhập Facebook cá nhân, hay nguy hiểm hơn là mật khẩu tài khoản ngân hàng cá nhân sau đó thủ phạm tiến hành chiếm đoạt tài khoản của các nạn nhân.

Đối với các tài khoản Facebook cá nhân, đối tượng sẽ lần lượt nhắn tin cho danh sách bạn bè để nhờ nạp tiền, chuyển khoản. Đối với các tài khoản ngân hàng, kẻ gian sẽ thực hiện chuyển tiền hoặc rút tiền, chiếm đoạt” - đại diện Co.opmart cho biết.

Nhiều nhãn hàng lớn như Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Điện máy Xanh, Shopee... đều bị mạo danh với phương thức trên. Trước đó cũng từng có nhiều người nhận được tin nhắn với nội dung như tham gia “Quỹ phúc lợi Coca-Cola” để nhận quà.

Nhận thưởng từ đồng hồ Rolex nhân ngày thành lập và kèm đường link truy cập... Nếu ai bấm vào đường link đính kèm này, làm theo hướng dẫn thì Facebook sẽ bị chiếm đoạt ngay và sau đó tin nhắn này lại được phát tán tự động theo danh bạ người quen...

Mới đây Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cảnh báo hiện tượng nhiều người tiêu dùng bị các số điện thoại lạ mạo danh các cơ quan chức năng, nhân viên ngành điện lực để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng sử dụng điện.

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thường giả danh các cơ quan chức năng, nhân viên ngành điện lực để “đòi nợ tiền điện”, “dọa cắt điện nếu không nộp tiền”, ép người tiêu dùng nhanh chóng thanh toán tiền điện hoặc chuyển tiền vào tài khoản do họ cung cấp.

Người dân cần thận trọng và cảnh giác

Các đối tượng lừa đảo gửi link qua Facebook thông báo trúng thưởng của Co.opmart để chiếm đoạt thông tin cá nhân khách hàng.
Các đối tượng lừa đảo gửi link qua Facebook thông báo trúng thưởng của Co.opmart để chiếm đoạt thông tin cá nhân khách hàng. 

Để tránh sa bẫy của những đối tượng lừa đảo, các thương hiệu lớn khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng và chỉ nên tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống của đơn vị. Khi tiến hành thanh toán cần xác nhận lại với tổng đài chính thức của công ty trước khi nhận quà hay thanh toán tiền cho bất kỳ sản phẩm nào.

Thực tế, dù vẫn thường xuyên phát những cảnh báo đến với khách hàng trong bối cảnh việc mua sắm trực tiếp bị gián đoạn, các phương thức giao dịch điện tử thương mại gia tăng nhưng không ít khách hàng vẫn sập bẫy các đối tượng lừa đảo.

Đơn cử, bà Ng.T.L sống tại TP Thủ Đức bị lừa hơn 60 triệu đồng. Bà L cho biết vừa qua có người gọi điện tự xưng nhân viên của Hệ thống mua sắm TV Home Shopping (tại Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức) mời bà mua hàng hơn 150 triệu đồng và hứa sẽ được phần thưởng 600 triệu đồng, để được nhận thưởng bà phải chuyển phí đóng 10% (phí bảo hiểm) tổng giải thưởng.

Bà L tin lời nên đã chuyển tiền, đến nay dù chưa nhận phần thưởng nhưng nhân viên công ty trên vẫn liên tục mồi chài bà để lừa đảo. Hiện, bà L đã gửi đơn tố giác đến Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM và Công an TPHCM.

Theo Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TPHCM, hiện nay các đối tượng lừa đảo sử dụng rất nhiều phương thức khác nhau để lừa người mua hàng qua mạng, có cả trường hợp tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia, lợi dụng lòng tham và sự kém hiểu biết của người tiêu dùng.

Để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua liên tục khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…). Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên Internet như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng.

Cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: Họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng.

Trung tá Lê Văn Giang - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM cho biết: Thương mại điện tử đang ngày càng có ưu thế về sự tiện dụng, nhưng nhiều đối tượng cũng lợi dụng điều này để lừa đảo người tiêu dùng.

Khách hàng cần tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi mua hàng. Với các chương trình khuyến mãi, trúng thưởng đều phải đăng ký với Sở Công Thương các tỉnh, TP và có những quy định rất cụ thể, rõ ràng, vì vậy khi nhận được thông tin khách hàng cần kiểm tra, đối sánh thông tin.

“Người tiêu dùng không nên tin tuyệt đối khi mua hàng trên mạng. Nếu cần thiết khi mua các thiết bị có thể đến các cửa hàng có thương hiệu. Các trường hợp gọi điện thoại trúng thưởng, trúng thưởng qua Zalo, Facebook… gần như là giả mạo nên người tiêu dùng cần cảnh giác”, Trung tá Lê Văn Giang khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên dự tập huấn.

STEM 'gieo mầm sáng tạo' cho trẻ mầm non

GD&TĐ - STEAM qua các hoạt động vui chơi và trải nghiệm thực tiễn, giúp trẻ mầm non sáng tạo, kỹ năng khám phá và áp dụng kiến thức phù hợp với lứa tuổi.