Nở rộ các cuộc thi sắc đẹp

GD&TĐ - Một cuộc thi với tên gọi “Quý ông lịch lãm 2017” được tổ chức tại TPHCM mới đây như giọt nước tràn ly làm dậy sóng dư luận. Một năm khép lại với quá nhiều cuộc thi nhan sắc nhưng vấn đề đặt ra là số lượng cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam ngày càng gia tăng nhưng chất lượng lại có hạn.

Nở rộ các cuộc thi sắc đẹp

Rộn ràng từ cấp quốc tế đến... cấp địa phương

Chỉ tính riêng đầu tháng 12 đã có tới hàng chục người đẹp đăng quang các cuộc thi lớn, nhỏ ở nước ngoài như: Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Sắc đẹp Việt toàn cầu, Hoa hậu người Việt quốc tế.

Bên cạnh đó là tình trạng loạn các cuộc thi sắc đẹp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ những cuộc thi mang tầm cỡ thế giới rồi đến quốc gia và bây giờ là các cuộc tuyển lựa hoa khôi của các trường đại học, THPT, phường, xã.

Theo quy định của Bộ VH-TT&DL, mỗi năm chỉ cho phép tổ chức tối đa 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam đã, đang có tình trạng “loạn thi nhan sắc”. Trong năm 2017, bên cạnh các cuộc thi quy mô lớn là Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Đại dương và Hoa hậu Hòa bình quốc tế, còn có nhiều cuộc thi nhan sắc phụ nữ và nam giới, tập trung nhất về cuối năm.

Quả thật, với mức độ dày đặc như vậy, những cuộc thi này đã dẫn đến sự nhiễu loạn cả về danh hiệu lẫn thương hiệu. Người ta nghĩ ra đủ thứ tên gọi và danh hiệu trao tặng các người đẹp nhưng lại hạ thấp tiêu chí ý nghĩa, chất lượng.

Dường như cuộc thi người đẹp nào được tổ chức tại Việt Nam sau đêm trao giải cũng đầy chuyện lùm xùm, đã làm nhiều cuộc thi mất uy tín và khiến công chúng chán nản. Điển hình như việc Hoa hậu Đại dương đã chỉnh sửa nhan sắc mà vẫn được phép thi hay vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn tiến hành trong khi tại nơi tổ chức, địa phương đó đang phải chịu nhiều mất mát của cơn bão lớn...

Chất lượng nhạt nhòa

Các cuộc thi ngày càng nhiều, hoa hậu cũng ngày càng “loạn” nhưng để thật sự xứng đáng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tăng biến về số lượng mà chất lượng lại tỷ lệ nghịch hoàn toàn đã khiến cho sự quan tâm của người xem đối với những cuộc thi sắc đẹp cũng nhạt dần.

Những cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam hiện nay đang chứng tỏ sự xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng khi mà những người được chọn với danh hiệu hoa hậu lần lượt dính vào vô số các vụ scandal gây rối loạn dư luận. Sự thật là chủ nhân của nó không xứng đáng nên đã làm cho giá trị của chiếc vương miện mất thiêng?!

Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tai tiếng và nở rộ thi nhan sắc kể trên xuất phát từ ý thức yếu kém, thiếu chuyên nghiệp của nhà tổ chức. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng ngành văn hóa chưa thật sự quyết liệt, tỉ mỉ trong việc cấp phép với các cuộc thi trong nước.

Thiết nghĩ, nhu cầu tổ chức, thưởng thức các cuộc thi sắc đẹp là tất yếu theo sự phát triển. Tuy nhiên, để các cuộc thi nhan sắc, người mẫu thật sự trở lại đúng với ý nghĩa tôn vinh sắc đẹp, tài năng và các giá trị nhân văn, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương cần có biện pháp quyết liệt trong việc cấp phép, rà soát để bổ sung các quy định thật chặt chẽ, điều chỉnh các quy định không phù hợp nhằm hạn chế những cuộc thi giả hiệu để kiếm tiền, quảng bá các giá trị sai lệch, gây tác động tiêu cực đến lối sống của giới trẻ.

Mục đích của việc thi nhan sắc nói chung đều nhằm tìm ra người đẹp có đủ phẩm chất, có kiến thức và vẻ đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn để tôn vinh, vinh danh. Thế nhưng, chưa bao giờ công chúng cảm thấy hoài nghi giá trị của chiếc vương miện đặt trên đầu của mỗi hoa hậu đến như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ