Nỗ lực xóa mù chữ cho trẻ nghèo

GD&TĐ - Lớp học phổ cập-xóa mù chữ được Trường tiểu học Hồng Đức (quận 8, TPHCM) duy trì đều đặn vào các buổi tối thứ 2, 4, 6 hàng tuần.

Một giờ học của trẻ tại Trường tiểu học Hồng Đức.
Một giờ học của trẻ tại Trường tiểu học Hồng Đức.

Hơn 20 năm mang con chữ cho trẻ nghèo

Cách đây hơn 20 năm xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương, lớp học phổ cập - xóa mù chữ tại Trường tiểu học Hồng Đức ra đời. Đa phần học sinh theo học là con của những người lao động nhập cư đến từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long hay miền Trung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu giấy tờ tùy thân để được đến trường hoặc quá tuổi vào lớp 1.

Theo chia sẻ của cô Phùng Lê Hiệu Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Đức, trường nằm trên địa bàn phường 14 của quận 8, địa bàn đặc thù với đa số người dân là dân nhập cư, lao động phổ thông, thu nhập thấp, bấp bênh. Những đứa trẻ học tại Lớp học phổ cập-xóa mù chữ mỗi em một lứa tuổi, một nhận thức, một hoàn cảnh.

Có những em chậm phát triển về trí tuệ, câm điếc bẩm sinh (nhưng không có điều kiện đưa đến trường chuyên biệt), những em bình thường thì do hoàn cảnh gia đình nên ban ngày phải đi kiếm sống phụ cha mẹ.

“Lớp học được duy trì vào các buổi tối 2, 4, 6 vào khoảng thời gian từ lúc 19 và đến 20 giờ 30 kết thúc. Các thế hệ giáo viên trong trường đã duy trì mô hình lớp học phổ cập buổi tối được trên 20 năm, có được truyền thống này là nhờ sự phối hợp của nhà trường và địa phương trong việc tổ chức, vận động học sinh đến lớp, đặc biệt sự nhiệt tình, tâm huyết của các giáo viên đứng lớp.

Đa số các em đều quá tuổi quy định, điều đáng mừng là trong quá trình học tập các em ý thức tự giác học rất cao”, cô Hạnh cho biết.

Năm học 2023-2024, lớp học phổ cập-xóa mù chữ Trường tiểu học Hồng Đức có 21 học sinh đang theo học. Để công tác giảng dạy được thuận lợi cũng như việc tiếp thu bài của các em hiệu quả, nhà trường chia làm 4 lớp do 4 thầy cô phụ trách giảng dạy và 1 giáo viên quản lý chung.

Lớp học chương trình lớp 1 do cô Huỳnh Thị Trúc Linh phụ trách giảng dạy. Cô cho biết: giáo viên dạy những lớp học này khác biệt so với lớp chính khoá ban ngày. Bởi mỗi em một hoàn cảnh, một khả năng tiếp thu khác nhau nên trong quá trình giảng dạy phải luôn theo sát từng em.

“Đây là năm thứ 2 tôi gắn bó với lớp phổ cập - xóa mù chữ. Bản thân tôi và các giáo viên tình nguyện đứng lớp vì thương các em rất thiệt thòi nên dù công việc giảng dạy ban ngày bận rộn nhưng vẫn cố gắng sắp xếp việc gia đình dành thời gian cho các em để dạy các em”, cô giáo Trúc Linh chia sẻ.

Những đứa trẻ theo học tại lớp học Phổ cập-Xóa mù chữ chơi các trò chơi trước giờ vào học.

Những đứa trẻ theo học tại lớp học Phổ cập-Xóa mù chữ chơi các trò chơi trước giờ vào học.

Hoàn thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2

Cuối tháng 11/2023, UBND TPHCM vừa có báo cáo Kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập 2021-2030” trên địa bàn từ năm 2021 đến 2023.

Theo báo cáo do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ký nêu rõ, Đề án “Xây dựng xã hội học tập 2021-2030” được thực hiện nghiêm túc với hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời và cụ thể, việc ban hành văn bản hướng dẫn, kế hoạch triển khai được thực hiện nghiêm túc.

Công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TPHCM nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, của UBND các cấp, có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, đoàn thể từ phường, xã, thị trấn đến TP, tạo được sức mạnh tổng hợp trong quá trình triển khai thực hiện, lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm chỉ đạo kịp thời. Nhiều địa phương, cơ quan đã tích cực tổ chức cho công chức, viên chức và người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Các mô hình học tập được triển khai thực hiện theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng.

Năm học 2021-2022, TPHCM có 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã hoàn thành đạt chuẩn xóa mù chữ quốc gia ở mức độ 2 (100%), hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 2 theo Nghị định 20 của Chính phủ.

UBND TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành Bộ tiêu chí đánh giá kết quả, bổ sung quy định và nghiên cứu xây dựng các phần mềm đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Đồng thời tổ chức sơ kết Đề án, giao lưu, học hỏi nhân rộng các mô hình học tập, các cách làm hay từ các địa phương trong nước.

UBND TPHCM cũng đề xuất Bộ GD&ĐT có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tăng mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các trung tâm học tập cộng đồng.

Đặc biệt, năm 2022, tủ sách của 310 Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn Thành phố được bổ sung, thu thập hơn 173.098 đầu sách các thể loại để phục vụ việc học tập đa dạng, phong phú của người dân; các trung tâm đã tham gia nhiệm vụ xóa mù chữ cho 677 người,…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.