Nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Lai Châu

GD&TĐ - 'Nhờ thầy, cô giáo, người Mông, người Dao chúng tôi biết chữ, biết tính toán, đi chợ mua bán dễ dàng hơn…'.

Buổi học của lớp xóa mù chữ tại xã Sùng Phài.
Buổi học của lớp xóa mù chữ tại xã Sùng Phài.

Niềm vui biết chữ

“Các thầy, cô giáo đã không quản ngại đường xá xa xôi đem con chữ đến với bà con, chúng tôi rất cảm động và biết ơn nhiều. Nhờ thầy, cô mà người Mông, Dao chúng tôi biết chữ, tính toán, đọc sách, báo…” - Đó là những lời chia sẻ của người dân xã Sùng Phài, San Thàng, thành phố Lai Châu sau khi theo học lớp xóa mù chữ.

Chúng tôi theo chân cán bộ phòng GD&ĐT thành phố Lai Châu đi kiểm tra các lớp học xóa mù chữ tại các bản của xã Sùng Phài. Giữa tiết trời mưa nặng hạt, cả đoàn 10 người mặc áo mưa đi xe máy trong đêm.

Từ trường Tiểu học xã Sùng Phài đến điểm bản Sùng Phài chỉ chừng 10km, thế nhưng chúng tôi phải mất gần 30 phút mới tới nơi. Suốt chặng đường đó, chiếc đèn xe máy là thứ duy nhất rọi sáng để đưa chúng tôi vượt bao con dốc cao, khúc cua ngoằn ngoèo. Có những đoạn đường trơn trượt vì mưa, nhất là lúc xuống dốc, ngồi sau những tay lái cừ khôi của các thầy, chúng tôi phải bám chặt vào 2 bên gác phía đuôi xe để không bị trôi người về phía trước.

Đến cổng trường, nghe những tiếng đọc đồng thanh đánh vần của bà con, dường như bao mệt nhọc của chúng tôi đều được thay thế bởi niềm vui khi thấy người dân vẫn “đội mưa” đến lớp học đông đủ.

Điểm bản Sùng Phài có 2 lớp học. Một lớp mới bắt đầu năm nay, lớp học còn lại của năm trước. Cả hai lớp đang ôn luyện để kiểm tra. Ở đó có cả những người ngoài 60 tuổi và nam, nữ thanh niên ngoài 20 tuổi cõng theo con đến lớp học.

Chị Tẩn Lả Mẩy ở bản Sùng Phài phấn khởi: “Đi học thích lắm, vui lắm, biết mặt chữ, biết đọc, viết. Tôi mới đi học được hơn 1 tháng, nay đã biết ghép vần, đọc đoạn văn rồi. Tôi cảm ơn thầy cô đã tận tình chỉ bảo”.

Những học viên bế con theo học lớp xóa mù chữ.

Những học viên bế con theo học lớp xóa mù chữ.

Còn đối với chị Phàn Sì Mẩy ở bản Căn Câu, đi học gần 1 năm giúp ích cho chị rất nhiều. Khi cán bộ về tuyên truyền, chị đều nắm được những chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện để phát triển kinh tế gia đình mà không phải qua lời phiên dịch của Trưởng bản hay Bí thư Chi bộ.

Giờ đây, niềm vui mỗi tối của chị Phàn Sì Mẩy là mở tivi xem phim cùng gia đình hay nhắn tin hỏi thăm con gái ở nơi xa… Những điều tưởng chừng đơn giản ấy nhưng lại rất khó khăn với chị khi chưa biết chữ.

Để có được những “trái ngọt” giúp đồng bào người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Sùng Phài nói riêng, thành phố Lai Châu nói chung biết đọc, biết viết chữ, biết tính toán là cả một hành trình dài với nhiều nhiệt huyết và nỗ lực của đội ngũ giáo viên.

Cô Đỗ Thị Hạnh, giáo viên trường Tiểu học Sùng Phài chia sẻ: “Tôi tham gia dạy các lớp xóa mù chữ được 20 năm rồi. Hầu hết bà con ở vùng cao, người dân tộc thiểu số là những người thiệt thòi nhất vì không được đến trường, không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông”.

Thương bà con, nhiều năm cô Hạnh tình nguyện lên bản vùng cao để dạy chữ cho họ với mong muốn họ biết chữ để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Dạy xóa mù cho người dân khó hơn so với các bạn nhỏ học ở trường. Từ cách phát âm, cầm bút viết, đọc và tư duy tính toán cũng đều phải dạy từng chút một. Bởi lẽ học viên đa phần quen với đồng ruộng, tay cũng chai sạn nên cầm bút khó hơn, tuổi cao nên nhận thức lâu hơn” – cô Hạnh chia sẻ.

Vì thế, trong mỗi buổi học, cô Hạnh thường gắn các mặt chữ, con số với hình ảnh, tiếng động trong đời sống hàng ngày. Từ đó, học viên dễ nhớ, dễ hiểu, nhận biết và đọc nhanh hơn.

Hướng tới đạt chuẩn mức độ 2 về xóa mù chữ

Cũng chính từ lòng yêu nghề, thương người dân vùng cao mà nhiều năm nay cô giáo Đèo Thị Liên ở trường Tiểu học Sùng Phài, thành phố Lai Châu xung phong dạy các lớp xóa mù chữ.

Cô Liên kể: “Lớp học thường diễn ra vào buổi tối vì ban ngày bà con còn đi làm. Có những hôm trời mưa, đường trơn, đi đêm tối cũng sợ lắm, từ nhà lên tới bản người ướt nhẹp. Thế nhưng, thấy bà con cắp sách, soi đèn đến lớp học là vui lắm".

Sùng Phài và San Thàng là 2 xã của thành phố Lai Châu có tỷ lệ người dân mù chữ rất cao. Những năm qua, địa phương này luôn quan tâm để Xóa mù chữ cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, năm nào phòng GD&ĐT thành phố Lai Châu cũng phối hợp với 2 xã để tuyên truyền, vận động bà con đến lớp học xóa mù chữ.

Những học viên cao tuổi cũng theo học để biết chữ.

Những học viên cao tuổi cũng theo học để biết chữ.

Năm 2022, Phòng GD&ĐT thành phố Lai Châu đã bố trí trên 30 giáo viên luân phiên tham gia dạy 5 lớp xóa mù chữ với 177 học viên tại 2 xã San Thàng và Sùng Phài. Năm 2023, tiếp tục phân công 22 giáo viên thuộc trường Tiểu học và THCS Nậm Loỏng, Tiểu học Sùng Phài tham gia dạy 11 lớp với 380 học viên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tình, Phó trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lai Châu cho biết:Với tinh thần, nhiệt huyết của các thầy, cô đã giúp bà con biết chữ, giảm tỷ lệ mù chữ. Cho đến nay, xã San Thàng đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Năm nay, chúng tôi phấn đấu đưa Sùng Phài đạt chuẩn mức độ 2 về xóa mù chữ”.

Mặc dù ở gần vùng thuận lợi nhưng bao năm qua, giáo viên thành phố Lai Châu vẫn miệt mài để đưa những "chuyến đò" tri thức cập bến, nhất là những "chuyến đò" đưa con chữ đến với người dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp bà con có động lực, niềm tin vươn lên đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ