Nỗ lực ngăn cây sâm Lai Châu tuyệt chủng

GD&TĐ -Sâm Lai Châu có thành phần dược liệu rất quý nhưng đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng do người dân khai thác tự phát. ThS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh đã vắt óc nghĩ cách ngăn loài cây này tuyệt chủng.

Sâm Lai Châu chứa nhiều thành phần hoạt chất quý tương đương sâm Ngọc Linh.
Sâm Lai Châu chứa nhiều thành phần hoạt chất quý tương đương sâm Ngọc Linh.

Giá trị tương đương sâm Ngọc Linh

Chi sâm Panax L., họ Ngũ gia bì (Araliaceae) gồm có 15 loài và dưới loài, hầu hết chúng là nguồn dược liệu cho y học cổ truyền như các loại nhân sâm, nhân sâm Hoa kỳ, tam thất, sâm Nhật Bản và sâm Ngọc Linh.

Dân số tăng nhanh cùng với việc khai thác tài nguyên thực vật quá mức, nguồn cây thuốc thiên nhiên dần bị suy giảm nghiêm trọng. Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var fuscidiscus K. Komatsu, S. Zhu & S.Q. Cai) có tên gọi khác là tam thất hoang Mường Tè; tam thất rừng; tam thất đen.

Năm 2003, sâm Lai Châu lần đầu tiên được ghi nhận ở Vân Nam, Trung Quốc, là một dạng loài mới của sâm Ngọc Linh.

Mới đây nhóm nghiên cứu của TS Phan Kế Long và cộng sự, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã phát hiện thứ Panax vietnamensis var. fuscidiscus nói trên có phân bố ở tỉnh Lai Châu và được gọi tên là sâm Lai Châu.

Sâm Lai Châu có giá trị tương đương với sâm Ngọc Linh, có nhiều tiềm năng để phát triển thành ngành công nghiệp trồng và chế biến thành hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sâm Lai Châu bị người dân bản địa khai thác, sử dụng làm thuốc và bán sang Trung Quốc, đang bị đe doạ tuyệt chủng ở mức độ nghiêm trọng (CR).

ThS Phạm Quang Tuyến cho biết, sâm Lai Châu là loài cây trồng mới được đưa vào nghiên cứu trong mấy năm gần đây, nên các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, thu hái... hầu như chưa có, dẫn tới nhiều trở ngại trong quá trình phát triển.

Thời gian thu hoạch dài (trên 6 năm) nên một số doanh nghiệp chưa mặn mà với việc trồng sâm. Ngoài ra, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc phát triển sâm là khâu quản lý bảo vệ tốn kém, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị thu hoạch, góp phần làm tăng giá thành sản phẩm.

Làm thế nào để lưu giữ lại nguồn gen thực vật quý giá này, ThS Phạm Quang Tuyến trăn trở và đi tìm câu trả lời. Chỉ có cách xây dựng quy trình nhân giống bài bản và thiết lập vùng trồng mới có thể ngăn cây sâm Lai Châu không bị tuyệt chủng.

Từ đó, anh cùng các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu Lâm sinh - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và trồng cây sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai)”.

Tìm ra điều kiện sống tối ưu

“Khi đã có “công thức” chuẩn để nuôi trồng thì việc biến SLC thành cây trồng phổ biến để tăng thu nhập cho người dân không phải là khó. Đây là cách bảo tồn loài tốt nhất, đồng thời tận dụng được giá trị của loài cây này trong việc sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe”. ThS Phạm Quang Tuyến

Nhóm nghiên cứu đã xác định được đặc điểm sinh học, tính đa dạng di truyền và kiến thức bản địa của cây sâm Lai Châu (SLC). SCL có đặc điểm hình thái khá đa dạng với 2 nhóm thân màu tím, củ tím ghi và thân màu xanh, củ màu vàng.

Phân bố tự nhiên ở khu vực có nhiệt độ bình quân năm từ 13 - 20 độ C, độ ẩm trên 80%, lượng mưa từ 2.200 – 3.000 mm/năm, dưới tán rừng có độ tàn che lớn hoặc thảm thực bì dày trên 70%, pHkcl 3,04 - 3,99, đất mùn, thoát nước tốt.

Nhóm nghiên cứu đã chiết xuất, phân lập và xác định cấu trúc 6 saponin đặc trưng từ thân rễ sâm Lai Châu. Các hợp chất này đều là các saponin triterpenoid có cấu trúc hóa học đặc trưng cho chi Panax, trong đó hợp chất silphioside E là hợp chất lần đầu tiên công bố phân lập từ các loài thuộc chi Panax L. Thành phần hoạt chất saponin trong dược liệu sâm Lai Châu cao hơn so với tam thất hoang và sâm Vũ Diệp.

Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được vườn giống gốc (trong đó có 500 cây kế thừa và 500 cây bổ sung) để xây dựng vườn giống từ 5 tuổi trở lên, hàm lượng saponin tổng số trong các cây mẹ đạt TCCS (10%) và vượt trên 15% so với trung bình. Mô tả hình thái phân biệt và xác định được một mẫu giống sâm Lai Châu có khả năng phát triển thành giống.

Nhóm cũng xây dựng được quy trình nuôi cấy mô. SLC có thể duy trì sự sống ở nơi có nhiệt độ bình quân các tháng trong năm khoảng 10 - 23 độ C, nhiệt độ thích hợp 13 – 20 độ C; Lượng mưa trung bình năm 1.700 mm – 2.600 mm; Độ cao từ 1.400 - 2.400 m so với mực nước biển; Đối với việc gây trồng sâm Lai Châu nên lựa chọn đất tơi xốp giàu dinh dưỡng, nhiều mùn. Sinh trưởng của cây SLC trồng dưới điều kiện che sáng và mật độ khác nhau, sau 15 tháng sinh trưởng đường kính thân ở mức độ che sáng 70 - 75% là tốt nhất.

Cây trồng sau 15 tháng tuổi ở đai cao >1.500m sinh trưởng và phát triển tốt hơn hẳn so với đai cao < 1.200m. Trong sản xuất hạn chế trồng SLC ở đai cao < 1.200m. Độ tàn che có ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ sống, chỉ tiêu sinh trưởng của cây. Cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt với độ tán che từ 0,7 - 0,9.

ThS Phạm Quang Tuyến cho biết, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi số liệu sinh trưởng làm cơ sở khoa học nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh SLC trên quy mô lớn tại các vùng sinh thái phù hợp. Quy hoạch, phát triển vùng trồng SLC trên những điều kiện lập địa phù hợp, tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sâm Lai Châu tại các huyện: Mường Tè, Tam Đường, Phong Thổ và Sìn Hồ.

Tiếp tục phát triển sâm Lai Châu thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ nhân giống, trồng và chăm sóc nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao, biên giới tại tỉnh Lai Châu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.