Nỗ lực hạ nhiệt quá tải trường lớp

GD&TĐ - Vấn đề trường, lớp tại các địa phương luôn “nóng”, đặc biệt trước khi năm học mới bắt đầu.

Tình trạng quá tải do lượng học sinh tăng cao là khó khăn chung của nhiều trường học. Ảnh: INT
Tình trạng quá tải do lượng học sinh tăng cao là khó khăn chung của nhiều trường học. Ảnh: INT

Dù các ngành chức năng nỗ lực đưa nhiều công trình vào sử dụng, tuy nhiên do số lượng học sinh tăng cao nên các dự án xây mới chưa đáp ứng kịp nhu cầu.

Phụ huynh lo lắng

Ông Võ Văn Minh - Trưởng phòng GD&ĐT TP Biên Hòa - cho biết, trước năm học mới, phụ huynh tại nhiều phường, xã trên địa bàn lại lo lắng về tình trạng trường lớp quá tải, nhất là ở nơi đông dân cư như: Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình… Nguyên nhân, 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm học mới, TP Biên Hòa tăng từ 8.000 - 10.000 học sinh so với năm học trước.

“Năm học 2023 - 2024, dự kiến địa phương tăng hơn 8.800 em, nâng tổng số học sinh toàn thành phố lên khoảng 240 nghìn. Vì vậy áp lực về trường lớp và sĩ số học sinh/lớp vẫn rất lớn. Năm học mới, TP Biên Hòa nỗ lực giảm áp lực về trường lớp ở các phường, xã khác thông qua đầu tư trường lớp với mục tiêu không để tái diễn tình trạng dạy ca ba, giảm sĩ số/lớp học và tăng số trường dạy 2 buổi/ngày”, ông Minh cho biết.

Phường Tân Phong là một trong những địa bàn có dân cư đông nhất TP Biên Hòa với trên 70 nghìn dân. Trong năm học 2023 - 2024, nếu không có cơ sở mới đưa vào sử dụng, địa phương này buộc phải tổ chức cho học sinh học ca ba, vì không thể mượn thêm phòng học lân cận. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch UBND phường Tân Phong, cho hay, áp lực về trường lớp tại địa phương kéo dài trong nhiều năm, do dân số tại phường tăng cơ học nhanh, kéo theo đó là nhu cầu ra lớp 1 và lớp 6 hằng năm đều tăng cao.

“Năm học 2023 - 2024, áp lực trường lớp giảm nhẹ khi công trình xây dựng Trường Tiểu học Tân Phong, quy mô 30 phòng học được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, công trình xây dựng Trường Mầm non Tân Phong với quy mô 12 phòng học đang gấp rút hoàn thành trong năm 2023.

Số phòng học mới đưa vào sử dụng trong năm nay sẽ đáp ứng đủ số lớp của địa phương, không phải đi mượn cơ sở khác để tổ chức dạy học. Mặc dù không thực hiện được yêu cầu của chương trình mới là học 2 buổi/ngày, nhưng bảo đảm dạy học 6 buổi/tuần”, bà Thủy chia sẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (TP Biên Hòa).

Học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (TP Biên Hòa).

Lớp học quá tải

Quá tải trường, lớp học cũng không phải là vấn đề mới ở Lào Cai. Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) có hơn 1.300 học sinh theo học. Tiếp nhận học sinh toàn bộ “vùng lõi” của thị xã Sa Pa dẫn đến tình trạng quá tải trong khi cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều hạn chế. Với 44 phòng, nhà trường ưu tiên bố trí 38 phòng (36 phòng học, 1 phòng Tin học và 1 phòng STEM). Trung bình mỗi lớp có trên 37 học sinh. Số học sinh trên mỗi lớp và số lớp học của trường đều vượt quá quy định tiêu chuẩn cũng như cơ sở vật chất trường tiểu học.

Ông Đỗ Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa - cho biết: “Số lượng học sinh ngày càng tăng trong khi cơ sở vật chất của trường còn hạn chế. Lý do, các phường trên địa bàn thị xã hầu hết chưa có hệ thống trường tiểu học. Là trường trọng điểm nên phụ huynh đều có mong muốn cho con em học tại đây”.

Tương tự, Trường THCS Bắc Cường, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) có hơn 1.000 học sinh, tăng 2 lớp 6 so với năm học trước (trung bình 44 học sinh/lớp). Để giảm tải, nhà trường đã tận dụng 2 phòng bộ môn, 1 phòng hoạt động Đội làm phòng học. Tuy nhiên, trường vẫn chờ được cấp bàn, ghế, trang - thiết bị dạy học trước năm học mới. Cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Huệ cho biết: “Các phòng học chức năng không còn khiến việc dạy theo chương trình mới cũng bị bó buộc. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”.

Tình trạng quá tải là khó khăn chung của nhiều trường học trên địa bàn thành phố Lào Cai. Bình quân số học sinh mỗi lớp vượt quá quy định, có thể kể đến: Trường Tiểu học Bắc Cường (40,62 học sinh/lớp), Tiểu học Lê Văn Tám (40,9 học sinh/lớp), Mầm non Hoa Lan (38,8 trẻ/lớp), Mầm non Hoa Hồng (bình quân 33 trẻ/lớp)…

Năm học này, thành phố Lào Cai tăng 733 học sinh và 14 lớp so với năm trước. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh, dân số cơ học tăng nhanh. Trong khi đó, cơ sở trường, lớp được đầu tư nhưng chưa theo kịp.

Trường Tiểu học Sa Pa trong tình trạng quá tải học sinh.

Trường Tiểu học Sa Pa trong tình trạng quá tải học sinh.

Nỗ lực giảm sĩ số

Số lượng học sinh tại TP Biên Hòa chiếm gần 40% tổng số học sinh của toàn tỉnh Đồng Nai. Nhiều trường tiểu học, THCS luôn trong tình trạng vượt cao về sĩ số so với quy định, bình quân từ 45 - 50 em/lớp. Đặc biệt một số trường có số lượng học sinh đông (trên 4.500 học sinh). Những năm qua, dù đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình trường học mới, tuy nhiên do số lượng học sinh tăng nhanh nên các dự án này chưa đáp ứng kịp nhu cầu học sinh ra lớp.

Trong năm 2023, TP Biên Hòa chỉ đạo thi công 66 dự án trường học. Trong đó có 16 dự án đang triển khai, 11 dự án đã hoàn thành, 36 dự án trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ và 3 dự án đang nghiệm thu. Những dự án được xây mới đều có quy mô phòng học lớn, đồng bộ; đồng thời có tầm nhìn xa, đảm bảo công năng sử dụng lâu dài, phù hợp với những thay đổi trong dạy và học theo hướng hiện đại của ngành Giáo dục.

“Đầu năm học 2023 - 2024, TP Biên Hòa đưa vào sử dụng 12 dự án, trong đó có 182 phòng học, 48 phòng học bộ môn. Phấn đấu từ nay đến 2030, sĩ số học sinh trên lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT, cũng như học 2 buổi/ngày đối với tiểu học”, ông Minh chia sẻ.

Theo ông Võ Văn Minh, việc đưa các công trình này vào hoạt động giúp nhiều trường học giảm sĩ số bình quân từ trên 50 xuống còn 46 học sinh/lớp với cấp THCS và 41 học sinh/lớp ở tiểu học. Bên cạnh đó, nhiều trường học trước đây quá tải về sĩ số nay không phải dạy và học nhờ một số cơ sở bên ngoài. Điều này không chỉ tạo thuận lợi trong công tác giảng dạy, học tập, mà còn đảm bảo chất lượng giáo dục.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo gấp rút xây dựng trường lớp để học sinh trên địa bàn có lớp học cũng như đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo đúng quy định. TP Biên Hòa cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng trường lớp giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo.

Để giảm tải cho các trường học, UBND thị xã Sa Pa chỉ đạo các phường, ngành GD, nhà trường thực hiện phân tuyến tuyển sinh. Theo đó, học sinh giáp với phường Hàm Rồng sẽ học tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Ngoài ra, thị xã chuẩn bị khởi công xây dựng Trường Tiểu học và THCS Cầu Mây và trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Trường Tiểu học và THCS Phan Si Păng nhằm giảm tải học sinh về tập trung tại Trường Tiểu học Sa Pa.

Theo ông Đỗ Văn Tân, về lâu dài, địa phương rà soát quy hoạch phân khu và dành diện tích hơn 1 ha để xây dựng cơ sở giáo dục mới. Sau khi được tỉnh phê duyệt, thị xã đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Sa Pa ở vị trí mới. “Chuyển Trường Tiểu học Sa Pa đến địa điểm mới với diện tích, quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện cho nhà trường tiếp tục duy trì trường trọng điểm chất lượng. Đồng thời, hạn chế được tình trạng quá tải học sinh”, ông Tân cho biết.

Trước sức ép quá tải, Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai đã thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh xã, phường để phân luồng, phân tuyến tuyển sinh đến tận mỗi tuyến phố, nhằm giảm tải các điểm “nóng” tuyển sinh. Song song với việc siết chặt tuyển sinh đầu vào các cấp, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp được xem là giải pháp căn cơ.

Phòng GD&ĐT thành phố đã phối hợp với UBND các xã, phường, cơ sở giáo dục thành lập ban rà soát cơ sở vật chất và thống nhất nội dung đề xuất UBND thành phố đầu tư sửa chữa trong hè. Tổng kinh phí là hơn 35 tỷ đồng.

Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai cũng tham mưu các phương án quy hoạch mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn cho giai đoạn tiếp theo. Dự kiến, thành lập mới Trường Mầm non Duyên Hải; nâng cấp Trường Tiểu học Duyên Hải thành Trường Tiểu học và THCS Duyên Hải. Cùng với đó, thành lập Trường liên cấp Tiểu học và THCS Tả Phời... Đồng thời, xin ý kiến về phương án mở rộng quy mô, khuôn viên, xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng cho các trường.

Làm việc với TP Biên Hòa và một số địa phương “nóng” về vấn đề trường lớp, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị các ngành, địa phương tăng cường chuẩn bị trường lớp chu đáo. Đối với công trình có thể hoàn thành trước năm học mới, phải chỉ đạo quyết liệt nhà thầu tập trung tối đa, thi công cả ngày lẫn đêm, kịp bàn giao cho các trường. Đồng thời, rà soát lại công tác quy hoạch để có giải pháp căn cơ, theo kịp sự gia tăng sĩ số học sinh hằng năm, trong đó, lưu ý chủ đầu tư các khu đô thị, dân cư thực hiện đúng quy hoạch đất được duyệt xây dựng trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nếu mô hình BT được nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, khắc phục những bất cập của giai đoạn trước vẫn có thể phát huy hiệu quả.

Chuyên gia mong 'hồi sinh' hợp đồng BT

GD&TĐ - Nhiều ý kiến gia cho rằng, nếu quy định được đổi mới toàn diện và khắc phục bất cập, thì hợp đồng BT sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả.