Nỗ lực giúp học sinh nghèo có đủ thiết bị học trực tuyến

GD&TĐ - Bước vào năm học mới với nhiều khó khăn, thách thức, ngành GD-ĐT Hà Nội phát động chương trình "Máy tính cho em" hòa cùng chương trình "Sóng và máy tính cho em", giúp học sinh nghèo có đủ thiết bị học trực tuyến.

Học sinh được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến
Học sinh được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến

Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Ông Phùng Ngọc Oanh- Trưởng phòng GD&ĐT Ba Vì cho biết: Ba Vì là huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số và là địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của Hà Nội, điều kiện học tập của học sinh gặp nhiều khó khăn. Qua nắm bắt, Phòng ghi nhận có 174 học sinh cấp Tiểu học và 47 học sinh THCS thiếu thiết bị học trực tuyến.

Với phương châm “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, Phòng GD&ĐT Ba Vì đã tổ chức rà soát thiết bị học trực tuyến của học sinh, phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội hưởng ứng chương trình “Máy tính cho em”.  Phòng GD&ĐT cũng vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn huyện trao tặng các thiết bị các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa có thiết bị học trực tuyến.

Cùng với đó, các nhà trường trên địa bàn huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã/thị trấn vận động ủng hộ máy tính, laptop; máy tính bảng, điện thoại thông minh cùng với các khoản tiền giúp các em ổn định cuộc sống, có đủ thiết bị học trực tuyến.

Về đường truyền Internet, Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì đã đề xuất và phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, FPT có các giải pháp để giúp giáo viên và học sinh trên địa bàn huyện có đường truyền mạng ổn định đảm bảo bảo cho dạy và học.

Em nguyễn Danh Dương – học sinh Trường THCS Ba Trại tâm sự: Nhà có 3 chị em mà chỉ có 2 chiếc điện thoại. Có hôm 3 chị em có lịch học trùng nhau thì 1 người phải nghỉ học. Thêm vào đó, đường truyền không ổn định nên việc học trực tuyến gặp nhiều khó khăn.

Nhận được sự hỗ trợ của chương trình máy tính cho em, em đã có thêm một chiếc điện thoại để phục vụ việc học trực tuyến. Có một chiếc điện thoại riêng là mơ ước từ lâu của em. Từ tuần trước, em đã được đến trường học trực tiếp nhưng chiếc điện thoại vẫn là thứ hữu dụng đối với em. Ngoài việc học ra, em sẽ dùng để đọc sách, để tìm những thông tin cần thiết.

Ông Lê Văn Hiến– Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho biết: Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, ngành GD&ĐT Mỹ Đức đã tích cực triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn toàn huyện.

Qua gần một tháng triển khai, đến nay 100% học sinh tiểu học và THCS trong huyện đã được tham gia học tập đầy đủ. Tuy nhiên, từ đầu năm toàn ngành có 748 học sinh chưa có thiết bị học tập, do vậy các em chưa được chủ động, phải học ghép với bạn hoặc được các nhà trường cho mượn tạm thời máy tính để kịp thời tham gia học tập.

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các nhà trường và các bậc phụ huynh đã cố gắng nỗ lực giúp đỡ để gần 200 em đã có được phương tiện học tập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 500 em vẫn cong thiết thiết bị. Hy vọng trong thời gian tới, các em sẽ tiếp tục được giúp đỡ để ổn định việc học tập, để “không bị bỏ lại phía sau”.

Sở GD&ĐT Hà Nội tặng máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Ba Vì
Sở GD&ĐT Hà Nội tặng máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Ba Vì

Gần 7.400 học sinh đã được trao thiết bị học trực tuyến

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm học 2021-2022, học sinh của nhiều tỉnh, thành phố phải học tập theo hình thức trực tuyến. Trước thực trạng còn nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ khả năng mua sắm thiết bị học tập, hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã phát động chương trình này ở trong và ngoài ngành.

Các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã cũng đã tích cực triển khai chương trình, kịp thời hỗ trợ cho học sinh tại các trường thuộc địa bàn quản lý có thiết bị học tập, không làm gián đoạn chương trình học.

Tùy theo điều kiện thực tế, học sinh được trao tặng các thiết bị hỗ trợ học tập như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, ipad... Ngoài việc trao tặng cho học sinh của đơn vị mình, nhiều đơn vị còn chủ động kết nối, hỗ trợ thiết bị, kinh phí cho học sinh của các trường học ở địa bàn còn nhiều khó khăn.

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình Máy tính cho em, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Về cơ bản, hầu hết học sinh trên địa bàn thành phố đều tham gia các lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều em không có thiết bị độc lập, phải mượn của bố mẹ, người thân nên ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, tổng số học sinh của các trường học thuộc thành phố Hà Nội đã được trao thiết bị để học trực tuyến là gần 7.400 học sinh, trong đó hai tuần vừa qua có 2.300 học sinh được trao thiết bị hỗ trợ học tập.

Theo thống kê sơ bộ của ngành Giáo dục Hà Nội, hiện còn khoảng 8.000 em trong danh sách rà soát của các đơn vị, nhà trường chưa có thiết bị độc lập để học trực tuyến. Ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục vận động, kêu gọi các cá nhân, tập thể trong và ngoài ngành ủng hộ thiết bị và kinh phí để mọi học sinh đều có điều kiện học tập tốt nhất.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ GD&ĐT và chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau, năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục hưởng ứng chương trình “Máy tính cho em” nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang thiếu điều kiện học tập trên địa bàn Thành phố. Ngày 19/11 tới, ngành GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức trao hỗ trợ đợt 6 chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tiếp tục ủng hộ thiết bị học trực tuyến cho các học sinh nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.
Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.