133.399 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một số huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay toàn tỉnh có 323.928 em học sinh, học viên các cấp học tiểu học, THCS và THPT. Trong đó, tổng số học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến là 133.399 em, chiếm tỷ lệ 41,18%.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai, sau khi thống kê, nắm được số lượng học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, Sở GD&ĐT phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục phát động, kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục… trong ngành Giáo dục tham gia ủng hộ.
Vị Phó giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho hay, hiện nay toàn tỉnh có 441 học sinh đang thực hiện cách ly y tế tập trung và 1.504 học sinh cách ly tại nhà để phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, cấp Tiểu học có 272 học sinh cách ly tập trung, 854 học sinh cách ly tại nhà; cấp THCS có 106 học sinh cách ly tập trung, 282 học sinh cách ly tại nhà; cấp THPT có 63 học sinh cách ly tập trung, 368 học sinh cách ly tại nhà.
Để đảm bảo cho học sinh “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Theo ông Long, đối với những học sinh đang thực hiện cách ly để phòng, chống dịch bệnh, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục bố trí dạy học trực tuyến. Đối với những đơn vị không đảm bảo điều kiện dạy học trực tuyến thì lập danh sách, thông tin học sinh gửi về Sở để các đơn vị có đủ điều kiện kịp thời hỗ trợ.
“Sau khi học sinh hết thời gian cách ly, các cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh. Qua đó, giúp học sinh hoàn thành nội dung cốt lõi các môn học”, ông Long nói.
Không để học sinh khó khăn phải dừng học
Theo ông Long, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số đơn vị trường học đã thực hiện khá tốt phương thức dạy học trực tuyến đối với những học sinh chưa thể đến trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo về thiết bị hỗ trợ việc học trực tuyến, như: thiếu máy tính, điện thoại, đường truyền internet, phụ huynh chưa thành thạo về công nghệ…
Đặc biệt, với cấp Tiểu học, học sinh lớp 1, 2 chưa thể tự sử dụng thiết bị. Để bảo chất lượng dạy và học, giáo viên phải chuyển đổi giờ dạy vào buổi tối để phụ huynh có thể hỗ trợ các em.
Cũng theo ông Long, với những trường hợp học sinh không thể học trực tuyến, các trường linh hoạt thay đổi phương pháp giảng dạy. Theo đó, giáo viên có thể giao bài tập qua Zalo, hoặc đưa bài đến tận nhà và hướng dẫn các em học tập. Riêng học sinh lớp 1 và 2, các trường thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này.
Để tiếp sức cho các em học tập, vừa qua Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Đức Cơ) đã kêu gọi, vận động cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường cùng chung tay hỗ trợ học sinh. Từ sự ủng hộ của thầy cô giáo và quỹ Đoàn Thanh niên, nhà trường đã trao tặng 5 chiếc điện thoại kèm sim hòa mạng 4G (trị giá 4,5 triệu đồng) cho 5 học sinh. Bên cạnh đó, cài đặt ứng dụng, hướng dẫn các em cách truy cập vào đường link, kho học liệu để học tập.
Em Rơmah H’Win (lớp 10A5) không khỏi xúc động, hạnh phúc khi nhận được chiếc điện thoại thông minh mà nhà trường hỗ trợ để học trực tuyến.
“Nhà em hiện nay còn nhiều khó khăn. Bố mẹ cũng không có điện thoại thông minh để sử dụng nên em không có thiết bị học trực tuyến. Giờ đây, em được thầy cô hỗ trợ, trao tặng điện thoại em rất vui và hạnh phúc. Em cảm ơn thầy cô đã quan tâm để em có điều kiện học tập tốt hơn”, Rơmah H’Win nói.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"