Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, ngày 27/11, ở Hà Nội.
Học sinh tham gia lớp phổ cập bơi học lý thuyết, kỹ năng trước khi xuống nước. Ảnh: XC
Thứ trưởng Lê Khánh Hải nêu rõ: Đến năm 2020, chương trình phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Thêm vào đó, chương trình hướng tới mục tiêu đảm bảo 100% các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật.
Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề xuất UBND các tỉnh, thành phố về việc quy hoạch đất, đầu tư cơ sở vật chất, xây lắp bể bơi và bố trí kinh phí đẩy mạnh triển khai chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường về phổ cấp bơi cho trẻ em.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các xã, phường, trường học, các cơ sở hoạt động bơi lặn, các khu vui chơi giải trí dưới nước tổ chức tập huấn thường xuyện, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước.
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh xã hội hóa, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để triển khai chương trình; đồng thời phối hợp và đề xuất ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tư nhân liên kết với trường học tổ chức giảng dạy học bơi cho trẻ em cũng như kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trong chương trình giáo dục thể chất, hoạt động ngoại khóa,…
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ tăng cường bố trí ngân sách và ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh, triển khai chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em đạt kết quả cao hơn. Lãnh đạo các địa phương, ban, bộ, ngành, đoàn thể cần quan tâm phát triển môn bơi, coi đây này là phương tiện hữu hiệu để phát triển thể lực, tầm vóc và phòng chống đuối nước trẻ em.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc thành lập, hoạt động của các câu lạc bộ thể dục, thể thao trong trường học, quy định cụ thể hơn về môn bơi cho học sinh, khuyến khích trường học tổ chức dạy bơi, dạy kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trong giờ thể dục chính khóa, hoạt động ngoại khóa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở…
Theo báo cáo tại hội nghị: Trong 2 năm qua, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch và triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Đặc biệt, trong năm 2018 của các tỉnh, thành phố đã tăng cường đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, dạy bơi và đầu tư xây lắp các mô hình bể bơi phục vụ nhu cầu tập luyện môn bơi cho trẻ em.
Công tác thông tin, tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành động của trẻ em, các bậc phụ huynh và cộng đồng về vai trò, tác dụng của việc học bơi, kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Đặc biệt, trong năm 2018, số bể bơi được xây lắp tại các địa phương tăng nhanh so với năm 2016, nhờ vậy, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi cũng tăng, tỷ lệ đuối nước trẻ em năm 2017-2018 giảm rõ rệt (giảm 200 trẻ trong độ tuổi dưới 16)...