Nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thiên tai tại Điện Biên: Lấy phòng là chính

GD&TĐ - Điện Biên quán triệt phương châm “lấy phòng tránh là chính - cứu nạn khẩn trương - khắc phục kịp thời” trong phòng, chống thiên tai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thiên tai tại Điện Biên: Lấy phòng là chính

Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các hình thái thiên tai trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Điều đó yêu cầu địa phương này phải xây dựng các giải pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, quán triệt phương châm “lấy phòng tránh là chính - cứu nạn khẩn trương - khắc phục kịp thời” nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Chủ động nhiều “kịch bản”

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Địa phương có địa hình bị phân cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn, thảm phủ thực vật thấp (khoảng 40% diện tích tự nhiên), địa chất đất đá rời rạc không ổn định. Cùng với đó, hoạt động đan xen của các hiện tượng thời tiết giữa phía Tây và Đông - Đông Bắc, lượng mưa bình quân hàng năm ở đây lớn từ 1.700mm đến 2.200mm, chỉ tập trung vào một số tháng mùa mưa (tháng 4 – 10, cao điểm từ tháng 6 – 8). Mưa lớn, kết hợp với địa hình, địa chất rời rạc là nguyên nhân chính gây hiện trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Thống kê của địa phương này từ năm 2010 đến nay, thiên tai đã khiến 64 người chết, 80 người bị thương; trên 14.000 nhà ở, hơn 30.000ha lúa bị thiệt hại; hơn 20.000 con gia súc, gia cầm bị chết; hàng triệu mét khối đất đá sạt lở lấp đường gây ách tắc giao thông… Uớc tính tổng thiệt hại trên 1.900 tỷ đồng.

Nhiều “kịch bản” ứng phó thiên tai đã được chủ động xây dựng với lượng quân đội là nòng cốt.

Nhiều “kịch bản” ứng phó thiên tai đã được chủ động xây dựng với lượng quân đội là nòng cốt.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, căn cứ vào các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thường xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó. Trong đó, mỗi đơn vị phát huy sự chủ động, sáng tạo và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ.

Một trong những “kịch bản” thường xảy ra nhất đó là ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa hoặc dòng chảy. Phương án trước hết là chủ động sơ tán người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn. Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương; thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình nhà cửa, công cộng, sản xuất...

Ngoài ra, chủ động giám sát, hướng dẫn và thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, suối; các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập sâu; khu vực có nguy cơ sạt lở đất; bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai.

Với nhiệm vụ là cơ quan thường trực về tìm kiếm cứu nạn, từ đầu năm đến nay Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động 14 lượt cán bộ thường trực, 55 lượt dân quân tự vệ, 50 cán bộ ban, ngành, đoàn thể xuống địa bàn phối hợp với nhân dân địa phương tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai.

Cùng với công tác khắc phục, Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại xây dựng kế hoạch và chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết: thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, hóa chất khử khuẩn... để đáp ứng kịp thời khi xảy ra thiên tai và đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19.

Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương án được phê duyệt, sẵn sàng huy động đưa vào sử dụng khi cần. Đến nay, các doanh nghiệp dự trữ gần 30 tỷ đồng hàng hóa, bao gồm các mặt hàng thiết yếu, nhiên, vật liệu: Mì ăn liền, gạo, nước uống đóng chai, xăng E5, dầu diesel, dầu hỏa, tôn lợp, đinh vít, dây thép…

Xây dựng hệ thống “phòng ngự”

Để có hệ thống “phòng ngự” đảm bảo an toàn đất ở, đất sản xuất cũng như tính mạng của người dân ở các khu vực có nguy cơ, Điện Biên đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình phòng, chống thiên tai.

Đến xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) những ngày này có thể cảm nhận được niềm vui của người dân khi công trình kè bảo vệ khu dân cư và đất sản xuất hai bên bờ suối Huổi Lé đang được thi công. Công trình được khởi công xây dựng từ cuối năm 2020, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2021, với tổng chiều dài tuyến kè là 1,941km.

Kết cấu kè bê tông cốt thép, lót bê tông, nhằm bảo vệ nhà ở, đất ở của 34 hộ dân và 30ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân 4 thôn, bản: Duyên Long, Bông, Mớ, Huổi Lước; cùng hạ tầng trụ sở HĐND - UBND xã, trường THCS, trường tiểu học và chợ trung tâm.

Ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: Trước đây vào mùa mưa nước suối Huổi Lé dâng cao, chảy xiết, khu vực này thường xuyên bị sạt lở, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị cuốn trôi; nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng các cơ quan, đơn vị bị đe dọa.

“Hiện nay chúng tôi đang rất phấn khởi chờ công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ không còn lo lũ nữa. Người dân, cán bộ, thầy cô giáo và học sinh sẽ yên tâm lao động sản xuất, công tác và học tập” – ông Hưng nói.

Số liệu tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, từ năm 2018 đến hết năm 2020, địa phương này đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 21 công trình, chủ yếu là công trình kè chống sạt lở đất, với tổng mức đầu tư trên 54,600 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, hàng năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương đều tổ chức rà soát, đánh giá những rủi ro, nguy cơ tại các khu vực xung yếu. Từ đó chủ động đề xuất bố trí nguồn vốn để xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, bảo vệ đất.

“Bên cạnh giải pháp xây dựng các công trình phòng chống, để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cũng thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các xã thực hiện đúng nguyên tắc “phòng là chính”. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ” – bà Huyền cho hay.

Xây dựng các công trình phòng chống thiên tai cũng là một trong những giải pháp trọng yếu trong Kế hoạch của UBND tỉnh nhằm thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030 trên địa bàn. Hàng năm, các địa phương rà soát, căn cứ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và khả năng cân đối ngân sách địa phương để xem xét đầu tư xây dựng kè chống sạt lở.

Theo Kế hoạch này, ước tính đến năm 2030, Điện Biên có 85 khu vực ven bờ sông, bờ suối tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất và dự kiến địa phương sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 87 công trình phòng chống sạt lở đất, bảo vệ đất sản xuất, đất ở, tài sản và các công trình phúc lợi xã hội.

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ