Cùng đồng hành, giám sát và kiểm soát
Nhìn từ lý thuyết kiểm soát xã hội, nhóm nghiên cứu lý giải hành vi bạo lực học đường là do HS thiếu vắng kiểm soát bên trong (tính tự kiểm soát của bản thân) và bên ngoài (gia đình, nhà trường và các lực lượng xã hội); đồng thời, thiếu các kết nối hiệu quả với người xung quanh.
Từ lý giải trên, nhóm nghiên cứu đưa các biện pháp nhằm giảm thiểu hành vi bạo lực trong học đường. Trong đó nhấn mạnh, trong GD gia đình và GD nhà trường chú ý giáo dục khả năng tự kiểm soát, ý chí và tính mục đích trong hành động của HS nhằm tăng tính kiểm soát của cá nhân. Cha mẹ cần luôn đồng hành, quan tâm và đưa ra các phương pháp kiểm soát thích hợp với con ở các lứa tuổi khác nhau.
Ở nhà trường, giáo viên không chỉ chú ý đến quá trình, kết quả học tập mà còn tăng cường quan sát, kiểm soát hành vi, thái độ của HS và hỗ trợ, hướng dẫn HS tự kiểm soát bản thân. Bên cạnh là một người dạy học, giáo viên cần là một nhà giáo dục, một “chuyên gia tư vấn” cho HS.
Gia đình, nhà trường quan tâm hỗ trợ để HS xây dựng những kết nối xã hội, mối quan hệ xã hội tích cực (sự quan tâm, gần gũi của giáo viên, cha mẹ, bạn bè…). Tăng cường không gian, thời gian cho HS tham gia hoạt động giải trí lành mạnh, các hoạt động xã hội tích cực, giảm thời gian HS giải trí “chớp nhoáng” bằng game, tivi, mạng xã hội… nơi tràn lan những thông tin bạo lực, tiêu cực, thiếu kiểm soát…
Gia đình, nhà trường, cộng đồng xung quanh cũng cần xây dựng những quy tắc, chuẩn mực ứng xử rõ ràng, hướng dẫn HS tuân theo; xây dựng quy tắc thưởng phạt rõ ràng cả ở gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Xây dựng niềm tin xã hội thông qua việc xây dựng và nhất quán tuân theo những giá trị và chuẩn mực; điều này đòi hỏi phải cả xã hội, cộng đồng mà trước hết là người lớn xung quanh trẻ... Như vậy, các lực lượng xã hội cùng đồng hành, giám sát và kiểm soát BLHĐ bằng các hành động thực tiễn, bên cạnh thông qua các kênh truyền thông…
|
Cần làm gương
Phân tích nguyên nhân bạo lực học đường theo lý thuyết học tập xã hội, nhóm nghiên cứu cho rằng: BLHĐ không chỉ do sự thiếu vắng kiểm soát bên trong và bên ngoài mà còn liên quan đến các yếu tố khác như sự bắt chước hoặc có tần suất tiếp xúc với bạo lực cao.
Trong một nghiên cứu của Singer và cộng sự (2011) cho thấy: Tình trạng GD của HS, đặc điểm về gia đình, thói quen xem ti vi, sử dụng máy tính và việc tiếp xúc với bạo lực trong quá khứ sẽ dự báo được hành vi bạo lực của HS trong tương lai. Bạo lực gia đình đối với trẻ em sẽ để lại những hệ quả tiêu cực trong việc phát triển và hoàn thiện tư cách của trẻ; vì bạo lực sẽ có xu hướng chuyển giao hành vi này cho thế hệ sau…
Từ nguyên nhân này, giải pháp được nhóm nghiên cứu đưa ra nhấn mạnh: GD hành vi cho HS cần xuất phát từ hành vi của người lớn. Do đó, cần bảo đảm được sự gương mẫu trong hành vi của mỗi người lớn xung quanh trẻ (từ nhà trường, gia đình hay cộng đồng). Đặc biệt trong gia đình, hành vi của cha mẹ là hình mẫu để con noi theo từ khi còn rất nhỏ đến lúc trưởng thành. Nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh cần quan tâm đến nhóm bạn mà trẻ thường xuyên tương tác và hướng dẫn trẻ cách chọn bạn, cách ứng xử với các tình huống trong xây dựng tình bạn. Cần có sự thống nhất mục tiêu, cách thức GD hành vi, chuẩn mực đạo đức cho HS của các lực lượng nhà trường - gia đình - xã hội để HS thấy được sự nhất quán từ lý thuyết đến thực tiễn.
Tham vấn tâm lý học đường
Từ lý thuyết phát triển tâm lý, theo nhóm nghiên cứu, sự mất cân bằng trong nội tại phát triển của trẻ em đang diễn ra. Trong đó, sự phát triển nhanh của yếu tố sinh học dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ. Ngược lại với yếu tố sinh học của trẻ có xu hướng ngày càng sớm hơn, các yếu tố tâm lý và xã hội lại có xu hướng chậm hơn trẻ thời kỳ trước.
Điều này, tác động trực tiếp đến sự trưởng thành về mặt tâm lý của trẻ; từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng của các mối quan hệ xã hội. Không khó để thấy trẻ em ngày nay khó khăn hơn trong việc chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ với cha mẹ, người lớn và có vấn đề trong thiết lập mối quan hệ với bạn bè. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải tỏa áp lực, cảm xúc thông qua hành vi bạo lực.
Đưa ra giải pháp, nhóm nghiên cứu dẫn tâm lý học khẳng định: Hoạt động và giao tiếp là con đường để hình thành và phát triển tâm lý và xã hội. Do đó, để tăng cường sự phát triển tâm lý và xã hội cho trẻ, cần chú ý tạo ra và tích cực đưa trẻ tham gia vào các hoạt động thực tiễn có ý nghĩa, giao tiếp xã hội. Thông qua hoạt động thực tiễn, HS thể hiện được nhận thức, năng lực, kỹ năng của bản thân ra bên ngoài; tăng cường kỹ năng giao tiếp, thiết lập mối quan hệ xã hội, tự tin, tự chủ và kiểm soát tốt hơn.
Nhà trường, gia đình, cộng đồng có trách nhiệm lớn trong việc tạo lập môi trường và hướng dẫn, thúc đẩy trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động. Mặt khác, người lớn cũng cần hỗ trợ trẻ trong việc tạo lập “mạng lưới” bạn bè thân thiết cho trẻ để trẻ cảm thấy được an toàn, yêu thương và có giá trị.