Nỗ lực giảm nghèo ở Sa Pa

GD&TĐ - Những nỗ lực và hướng đi giảm nghèo đúng đắn giúp nhiều bản làng vùng cao của thị xã Sa Pa (Lào Cai) từng ngày “thay da đổi thịt” trở nên trù phú hơn.

Hộ gia đình ông Hầu A Bâu nuôi cá tầm mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng.
Hộ gia đình ông Hầu A Bâu nuôi cá tầm mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng.

Thoát nghèo từ nghề nuôi cá nước lạnh

Chúng tôi ngược “cổng trời” trên vòng cung lớn Tả Van lên Séo Mý Tỷ, đi vòng qua Hoàng Liên Suối Hồ, ngắm nhìn sự đổi thay của những xã vùng cao ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) ngày ngày thay da đổi thịt, với bao câu chuyện về công tác giảm nghèo của đất và người nơi đây.

Đứng trên mỏm đá Hầu Thào, nhìn qua dải lụa trắng suối Mường Hoa những nếp ruộng bậc thang cứ xếp chồng lên nhau, cao ngút tận Séo Mý Tỷ. Cả vùng Tả Van như một vòng cung lớn, chở che bản làng trù phú.

Vượt qua suối Mường Hoa xuống thung lũng Tả Van, tuyến đường bê tông mới mở rộng, nâng cấp dẫn chúng tôi lên Séo Mý Tỷ. Già làng Giàng A Khoa, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tả Van hồi tưởng: “Séo Mý Tỷ theo tiếng địa phương là “hạt gạo nhỏ”, cái tên khắc ghi trong tâm khảm những người Mông đầu tiên từ phương Bắc di cư đến đây lập nghiệp. Đây vùng đất lạnh giá, thừa thãi gió sương, cách biệt với bên ngoài như “ốc đảo”, bởi trập trùng núi cao đá dựng, gian khó không sao kể xiết”.

Người Mông ở đây dùng đất làm nhà trình tường ngăn giá lạnh, che gió sương. Họ khai hoang ruộng bậc thang từ những mạch nước nhỏ ngang sườn núi, dưới thung sâu. Khí hậu rét lạnh nên chỉ cấy được một vụ. Vào mùa giáp hạt họ nhờ cây xèo (cây tam giác mạch) mà vượt qua cái đói, bám đất, bám rừng lập bản.

Những bản làng của Sa Pa đang từng ngày "thay da đổi thịt".

Những bản làng của Sa Pa đang từng ngày "thay da đổi thịt".

Bây giờ, những thung lũng trồng cây xèo năm xưa ấy là hồ thủy điện xanh mênh mông ở nơi cao nhất Việt Nam (gần 1.600m so với mực nước biển). Già làng Giàng A Khoa bảo: “Chúng tôi giờ dựa vào hồ thuỷ điện để nuôi cá thoát nghèo. Hơn 130 hộ ở Séo Mý Tỷ và Dền Thàng đều biết cách tận dụng nguồn nước để nuôi cá hồi, cá tầm ở trong rừng và cá lồng trên lòng hồ. Mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 200 tấn cá chất lượng cao, đem về hơn 40 tỷ đồng”.

Tận dụng thêm cảnh quan hiếm có để phát triển du lịch, nhiều gia đình ở đây đã khấm khá hơn. Du khách tới cắm trại, trải nghiệm văn hóa bản địa, từ đó người dân ở đây cũng có “đồng ra, đồng vào”. Thị xã Sa Pa cũng đang khuyến khích bà con nơi đây phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của người Mông để thu hút du khách, tăng thu nhập…

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND thị xã Sa Pa niềm nở chia sẻ: “Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ rất phù hợp với việc nuôi trồng thủy sản nước lạnh. Từ năm 2005 đến nay, nghề nuôi cá nước lạnh được đánh giá là một nghề nuôi trồng ổn định và phát triển của địa phương mang lại thu nhập kinh tế cao cho các hộ nuôi trồng thủy sản”.

Do vậy, thị xã Sa Pa đưa công tác nuôi trồng thuỷ sản vào là một trong những sinh kế giảm nghèo của địa phương. Nhờ có hướng đi đúng, chính quyền và nhân dân đồng lòng, năm 2021 toàn thị xã chỉ còn 4.850 hộ nghèo, chiếm 35.7%. Đến năm 2023, thị xã chỉ còn 2.893 hộ nghèo, chiếm gần 20,7%. Riêng tại 8 xã nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 9,28% mỗi năm.

Người dân ở Séo Mý Tỷ nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện.

Người dân ở Séo Mý Tỷ nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện.

“Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, việc triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn Sa Pa luôn được quan tâm. Sa Pa đã tạo thuận lợi cho người nghèo triển kinh tế vươn lên thoát nghèo” – ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Lợi ích từ bảo vệ rừng

Không chỉ nuôi cá, làm du lịch để thoát nghèo, người dân các xã vùng cao Sa Pa còn dựa vào rừng, bảo vệ rừng để có một cuộc sống ổn định hơn.

Hai thôn bản Séo Mý Tỷ và Dền Thàng của xã Tả Van có khoảng 250 hộ dân, gắn bó với rừng Hoàng Liên từ lâu đời. Đồng bào người Mông ở nơi này sống dựa cả vào rừng. Cả một cộng đồng sống trong vùng lõi của rừng đặc dụng chạy dài từ xã Tả Van, Bản Hồ của tỉnh Lào Cai sang đến huyện Tân Uyên của tỉnh Lai Châu.

Sải những bước dài, vững chãi của người lính giữ rừng, ông Lê Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 4 Séo Mý Tỷ đưa chúng tôi lên chốt trực của tổ bảo vệ rừng cộng đồng tìm gặp “bố Bâu”, tức ông Hầu A Bâu, ở Dền Thàng, bản người Mông nằm sâu nhất trong vùng lõi rừng Hoàng Liên.

“Mấy năm gần đây, nhờ chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng nên mỗi thôn bản trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên đều có một tổ đội bảo vệ rừng cộng đồng” – ông Lê Tiến Dũng cho biết.

Chiếc kẻng giữ rừng ở thôn Dền Thàng. Ảnh: Hải Đăng.

Chiếc kẻng giữ rừng ở thôn Dền Thàng. Ảnh: Hải Đăng.

Đã hơn 62 tuổi nhưng trông ông Hầu A Bâu vẫn rắn rỏi và hoạt bát. Tổ bảo vệ rừng của bản gồm 15 người dân của Dền Thàng, bao gồm cả Bí thư Chi bộ, trưởng bản, công an viên và những người khỏe mạnh, thông thạo địa hình của núi rừng Hoàng Liên.

Đều đặn mỗi tháng leo rừng 3 chuyến, mỗi chuyến từ 2 - 4 ngày, đó là công việc của tổ bảo vệ rừng, làm sao để hơn 700 ha rừng đặc dụng được coi sóc, bảo vệ. “Mình làm tổ trưởng thì phải gương mẫu, nhận việc khó, đi chỗ xa; khen thưởng hay xử phạt phải công minh thì mới có cái uy và chữ tín với cộng đồng. Mỗi năm tổ được kiện toàn một lần, ai không tham gia tuần rừng đầy đủ, có dấu hiệu vi phạm sẽ bị thay” – ông Hầu A Bâu chia sẻ.

Ông Hầu A Bâu nhớ nhất những chuyến tuần rừng xa mấy chục cây số, lên tận đỉnh Nam Cang cao 2.881 m, giáp huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, đi mất mấy ngày đường mới đến nơi. Anh em phải "ăn gió nằm sương" trong rừng để bảo vệ gỗ quý, giữ màu xanh đại ngàn Hoàng Liên hùng vĩ, giữ nguồn sinh thủy cho hồ thủy điện.

Nhận khoán bảo vệ hơn 700 ha rừng đặc dụng, hằng năm bà con bản Dền Thàng có trong tay hơn 500 triệu đồng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Lợi ích ấy rất rõ, mọi người đều được hưởng thụ nên càng có trách nhiệm giữ nguồn nước bằng cách trồng và bảo vệ.

“Cũng nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên anh em và bà con thôn Dền Thàng như là tai mắt của chúng tôi, đồng lòng hợp sức chung tay giữ màu xanh Vườn Quốc gia Hoàng Liên bền vững” - Trạm trưởng kiểm lâm Lê Tiến Dũng bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.