Huy động các nguồn lực giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Thông qua việc huy động hiệu quả các nguồn lực, huyện Võ Nhai đã quan tâm, tạo điều kiện để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Huy động các nguồn lực giảm nghèo bền vững.
Huy động các nguồn lực giảm nghèo bền vững.

Huy động mọi nguồn lực

Võ Nhai là huyện vùng cao thuộc tỉnh Thái Nguyên, với 14 xã và 01 thị trấn với 9 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 72,61%. Hiện nay, huyện có 7 xã khu vực III, 8 xã, thị trấn khu vực I. Toàn huyện có 59 xóm đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, huyện Võ Nhai đã huy động mọi nguồn lực, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đồng bào DTTS có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội luôn huyện Võ Nhai quan tâm và coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện đã đạt được những kết quả toàn diện từ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, để công tác giảm nghèo hiệu quả và đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3% trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo bình quân đạt 1,4%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025 và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện. Địa phương đã tích cực rà soát, xác định đúng đối tượng thụ hưởng các chính sách từ đó hỗ trợ kịp thời, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Cây Na là một trong những cây trồng chủ lực giúp bà con xã La Hiên từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Cây Na là một trong những cây trồng chủ lực giúp bà con xã La Hiên từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Từng có tên trong danh sách hộ nghèo của xã La Hiên, gia đình bà Ma Thị Quý, xóm Làng Giai đã hỗ trợ 1 con bò cái giống từ dự án nuôi bò Lai shind sinh sản của Tổ sản xuất cộng đồng xã La Hiên.

Bà Quý vừa nhanh tay cho bò ăn cỏ, vừa trao đổi với cán bộ xã La Hiên về con bò của gia đình, Bà phấn khởi cho biết: Trước đây gia đình tôi khó khăn quá nên không đủ điều kiện mua bò về nuôi nên khi được nhà nước hỗ trợ một con bò sinh sản thì mừng lắm. Đây là tài sản lớn của gia đình, do đó, để bò phát triển tốt và sinh sản ra bê con, tôi đã trồng thêm cỏ chăn nuôi. Đến nay, trong chuồng con bò béo tốt, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn trước rất nhiều.

Từ một hộ nghèo trên địa bàn xã đến nay hộ bà Ma Thị Quý đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi, có điều kiện sửa sang nhà cửa sạch gọn hơn. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm được tích lũy, con giống từ ngày được nhận ngày một sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên, huyện Võ Nhai cho biết: Địa hình xã La Hiên đa phần là đồi núi thấp xen kẽ là những cánh đồng cùng với hệ thống kênh mương cơ bản được xây dựng hoàn thiện thuận tiện cho việc cung cấp nguồn nước tưới cho các cánh đồng, cùng với điều kiện khí hậu phân chia làm 4 mùa rõ rệt,nguồn lao động trong độ tuổi lao động của xã tương đối dồi dào, người dân có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sinh sản, xã có quỹ đất rộng, khí hậu mát mẻ đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi bò sinh sản..

Năm 2023, xã La Hiên được giao thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025: Dự án nuôi bò Lai shind sinh sản của Tổ sản xuất cộng đồng xã La Hiên gồm có 12 thành viên thuộc 3 xóm, trong đó có 1 thành viên là Trưởng xóm, 1 thành viên là người làm kinh tế giỏi, 6 hộ là hộ nghèo, 3 cận nghèo và 1 hộ thoát nghèo dưới 36 tháng.

“Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển, để người dân các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn và có điều kiện vươn lên thoát nghèo”. Ông Cử cho biết thêm

Như vậy, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả: Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đã được làm mới và nâng cấp; các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo... được thực hiện hiệu quả. Thông qua các nội dung được hỗ trợ đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ