Nỗ lực đưa trẻ dân tộc thiểu số đến trường

GD&TĐ - Điện Biên là tỉnh miền núi cao, biên giới, rừng núi hiểm trở, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống… vì vậy điều kiện kinh tế, văn hóa, giáo dục,… gặp nhiều khó khăn. 

Giờ học của các cháu mầm non ở Điện Biên.
Giờ học của các cháu mầm non ở Điện Biên.

Đặc biệt là giáo dục trong bối cảnh còn thiếu thốn về cơ sở vật chất trường lớp, trẻ đến trường còn hạn chế về tiếng Việt nên không tự tin và thường có tư tưởng chán học, bỏ học… Một trong những việc góp phần thúc đẩy giáo dục Điện Biên đi lên phải kể đến mô hình Bà mẹ trợ giảng của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) đã đưa các em học sinh DTTS đến với trường lớp, thầy cô ngày một đông hơn.

Nâng cao chất lượng giáo dục DTTS bằng mô hình trợ giảng

Trước những khó khăn của giáo dục Điện Biên, Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp giáo dục Điện Biên từng bước vượt khó đi lên. Trường lớp ngày một khang trang hơn. Từ những ngôi trường tranh tre, nứa lá trước kia giờ đã là những ngôi trường khang trang, kiên cố. Các em học sinh đến trường ngày một đông hơn, tự tin hơn và học tập tốt hơn.

Theo thống kê của sở GD&ĐT Điện Biên cho biết, chí nói riêng về sự chuyên cần của học sinh mầm non (MN) chúng ta cũng nhận thấy: tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt: 97,7%; riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,6%. Đó thật sự là những thành công của giáo dục ở Điện Biên mà một trong nhưng thành công đó phải kể mô hình Bà mẹ trợ giảng của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã hỗ trợ, giúp các em học sinh DTTS tự tin hơn khi đến lớp.

Mô hình Bà mẹ trợ giảng này đã được triển khai thí điểm từ năm 2006-2011, thực hiện tại 05 xã của huyện Mường Chà, mỗi xã có 2 trợ giảng. Khi mô hình này kết thúc cũng là lúc lớp học trò được học từ mô hình này có thể là lớp kế cận có thể trợ giảng giúp cho trẻ tại các bản làng hăng hái đến trường hơn bởi các em đã hiểu được tiếng Việt, biết nói chuyện với cô giáo người Kinh.

Tiếp sau đó, năm 2013 mô hình Bà mẹ trợ giảng của Tổ chức Save the Children lại tiếp tục thực hiện triển khai tại huyện Điện Biên Đông với mô hình dạy tiếng Việt dựa trên ngôn ngữ mẹ đẻ cho trẻ DTTS. Ở những nơi giáo viên không biết tiếng DTTS, cộng đồng sẽ tham gia lựa chọn các nhân viên trợ giảng để cùng làm việc với giáo viên, phát triển kế hoạch bài học và hỗ trợ giảng dạy trẻ DTTS bằng cả tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ.

Các hoạt động này của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã giải quyết những khó khăn về rào cản văn hóa và ngôn ngữ của trẻ em DTTS thông qua việc kết hợp sử dụng tiếng Việt và ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ, tạo cầu nối cho việc học tiếng Việt và tham gia hiệu quả các hoạt động ở trường.

Năm học 2016-2017, Điện Biên lại tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Cứu trợ trẻ em với mô hình Bà mẹ trợ giảng của Chương trình phát triển vùng. Chương trình phát triển vùng tiếp tục hỗ trợ kinh phí chi trả cho 46 nhân viên trợ giảng (là người DTTS cùng ngôn ngữ với trẻ) thuộc 04 huyện: Tủa Chùa (16 người), Tuần Giáo (14 người), Điện Biên Đông (10 người), Mường Chà (06 người) với mức kinh phí khoảng 1.150.000 đồng/người/tháng. Chương trình dự kiến chi hỗ trợ Bà mẹ trợ giảng đến hết năm học 2016-2017.

Bà Lê Thị Thùy Dương – Quản lý chương trình Giáo dục của Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết: Dự án Tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số được triển khai tại Điện Biên Đông với 15 trợ giảng tại 04 trường mầm non (Tìa Dình, Pá Vạt, Pu Nhi, Phì Nhừ) và 4 trường tiểu học (PTDTBT-TH Chua Ta, PTDTBT-TH Tìa Dình, PTDTBT-TH Nậm Ngám, TH Mường Luân).

Dự án tập trung vào các nội dung cơ bản là: Hoạt động dạy học có sự tham gia hỗ trợ của nhân viên trợ giảng, bồi dưỡng phương pháp dạy tăng cường tiếng Việt, tập huấn làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non...

Thông qua việc triển khai thực hiện hoạt động của các dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, trẻ em DTTS vượt qua rào cản ngôn ngữ, phong tục tập quán riêng để đến gần với nhau hơn, giúp trẻ mạnh dạn tham gia các hoạt động ở trường.

Giáo viên mầm non được sự hỗ trợ của các bà mẹ trợ giảng/nhân viên trợ giảng đã thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển và thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo vùng miền, quan tâm hơn đến các nét văn hóa, phong tục tập quán của các DTTS khác nhau.

Việc tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ DTTS khi có sự hỗ trợ của các bà mẹ trợ giảng, đặc biệt là ở các lớp mẫu giáo ghép và giai đoạn trẻ mới đến lớp chưa biết tiếng Việt đã đạt hiệu quả cao hơn, cô giáo hiểu trẻ nhanh hơn, trẻ sớm gần gũi với cô và các bạn trong lớp hơn.

Vận động chính sách hỗ trợ Bà mẹ trợ giảng để học sinh đến trường đông hơn

Bà Lò Thị Thời – Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Nhận thức được hiệu quả, ý nghĩa của mô hình Bà mẹ trợ giảng/ nhân viên trợ giảng trong việc thực hiện chương trình đối với trẻ MN, tiểu học vùng DTTS còn nhiều khó khăn của tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã tích cực trong công tác tham mưu để tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình Bà mẹ trợ giảng - nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ ở một số trường MN thuộc vùng đặc biệt khó khăn trong khuôn khổ của Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

Các chương trình, dự án với mô hình Bà mẹ trợ giảng/nhân viên trợ giảng và hiệu quả của các mô hình là cơ sở để nghiên cứu, tham mưu vị trí công việc và chế độ hỗ trợ cho các cộng tác viên ngôn ngữ.

Ngày 17 tháng 11 năm 2016 UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1454/QĐ-UBND. Theo đó, trừ 2 khu vực thuận lợi (thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên), 8 đơn vị cấp huyện còn lại của tỉnh mỗi năm hợp đồng cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020.

Số lượng cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ của mỗi đơn vị cấp huyện là 10 người cho các cơ sở giáo dục mầm non và 10 người cho các cơ sở giáo dục tiểu học. Cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ là người DTTS cùng ngôn ngữ với trẻ thuộc các điểm trường vùng đặc biệt khó khăn. Mức kinh phí cho mỗi cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ bằng 1,0 mức lương cơ sở/người/tháng, thực hiện 09 tháng/năm học, kinh phí từ ngân sách sự nghiệp giáo dục hàng năm trong định mức đã được phân bổ cho các địa phương.

Hiện nay các huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1454/QĐ-UBND của UBND tỉnh (10/10 huyện đã ban hành Kế hoạch), tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn hẹp, số cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ theo kế hoạch đưa ra (toàn tỉnh là 80 người/năm học, trung bình mỗi huyện 10 người/năm học) cũng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu cho 130 đơn vị cấp xã toàn tỉnh; hơn nữa, trong dự trù kinh phí chi cho giáo dục năm học 2016-2017 trước đó của các huyện chưa có nội dung hợp đồng công tác viên hỗ trợ ngôn ngữ, do đó trong năm học này các huyện sẽ chưa có kinh phí để thực hiện. Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện trong năm học 2017-2018.

Để GD&ĐT Điện Biên ổn định và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, rất mong các cấp chính quyền địa phương, ban, ngành và các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Cứu trợ Trẻ em xem xét mở rộng địa bàn các xã, các huyện được Dự án hỗ trợ, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn với đông trẻ em là người DTTS để các em có điều kiện học tập tốt nhất, được hưởng quyền bình đẳng trong giáo dục. Nếu có thể, các Bộ, ngành, các tổ chức như Tổ chức Cứu trợ trẻ em xem xét hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ DTTS thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm tăng tỉ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ