Ưu tiên nguồn lực cho mầm non 5 tuổi
Ngày 16/11/2016, Sở GD&ĐT Đồng Tháp tổ chức lễ công bố tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn PC GDMN cho trẻ 5 tuổi. Đây là thành quả sau 5 năm tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cho bậc học này.
Thời điểm cách đây hơn 5 năm, GDMN tỉnh Đồng Tháp đối mặt với nhiều khó khăn vì thiếu trường lớp, thiếu giáo viên và nhiều nơi thầy trò phải học nhờ, học tạm.
Cũng vì thiếu trường lớp nên việc huy động trẻ mầm non ra lớp cũng hết sức khó khăn và đạt tỷ lệ thấp. Vào thời điểm năm 2012, ở bậc học mầm non, toàn tỉnh Đồng Tháp có 1.666 phòng (trong đó 477 phòng kiên cố, 587 phòng bán kiên cố, 183 phòng tạm, 419 phòng học nhờ, mượn). Số phòng học còn thiếu theo yêu cầu phổ cập là 408 phòng, có 358 điểm trường chưa có nhà vệ sinh…
Với giải pháp tập trung đầu tư cho bậc học mầm non để vừa tháo gỡ những khó khăn vừa đạt chuẩn PC GDMN 5 tuổi, ngay từ khi triển khai, đã có sự vào cuộc, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng với sự nỗ lực của ngành Giáo dục.
Điểm nổi bật ở Đồng Tháp là huy động nguồn lực tương đối lớn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phổ cập, huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt tỷ lệ khá cao.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp - cho biết: Trong 5 năm thực hiện PC GDMN cho trẻ 5 tuổi, ngành Giáo dục đã được đầu tư kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình, thiết bị, đồ dùng cho lớp 5 tuổi, thực hiện các chính sách cho trẻ tại trường…
Để thực hiện thành công Đề án này, tỉnh đã huy động hơn 29.000 trẻ 5 tuổi đến trường (đạt tỷ lệ 100%); 1.013 phòng, lớp mẫu giáo trên địa bàn tỉnh được đầu tư theo hướng kiên cố và bán kiên cố; 100% trường được trang bị bộ thiết bị dụng cụ tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và ứng dụng công nghệ thông tin.
Các giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi của 144/144 xã đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo (trong đó có 50% trên chuẩn). Số trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp đạt tỷ lệ 99,9%.
Đến thời điểm được công nhận PC GDMN cho trẻ 5 tuổi, tỉnh Đồng Tháp có 191 trường mầm non, mẫu giáo với 2.361 nhóm, lớp (trong đó có 9 trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập và 115 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục).
Tỷ lệ trẻ huy động 5 tuổi ra lớp, trẻ trong độ tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, trẻ chuyên cần đều đạt 99%; trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân chỉ còn 3%, (chuẩn dưới 10%)…
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Trong suốt thời gian 5 năm thực hiện Đề án PC GDMN cho trẻ 5 tuổi, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp với sự vào cuộc của cả cộng đồng.
Ban đầu, việc vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường tưởng chừng dễ dàng nhưng lại khó thực hiện nhất. Do địa bàn nông thôn, phụ huynh phải đi làm đồng ruộng, làm thuê nên việc đưa trẻ đến trường chưa được chú trọng. Nhất là vào mùa lũ, người dân sống bằng nghề câu lưới, rày đây mai đó nên việc vận động trẻ mầm non ra lớp càng khó hơn.
Để tháo gỡ khó khăn này, các trường mầm non ở Đồng Tháp đã đưa nội dung tuyên truyền về công tác PC GDMN cho trẻ 5 tuổi vào các giờ phát thanh của trường và các buổi họp phụ huynh.
Bên cạnh đó phối hợp với các đoàn thể đi đến từng gia đình vận động, tuyên truyền... Song song đó là ngành Giáo dục chú trọng phát triển cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới trường lớp khang trang hơn.
Chỉ trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã dành 59 tỷ đồng thực hiện chính sách cho trẻ như chi trả tiền ăn trưa cho trẻ, cấp bù miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập...
Tỉnh Đồng Tháp còn thực hiện nhiều giải pháp đột phá, đáng chú ý là mô hình nhóm trẻ cộng đồng đã giúp các cháu mầm non vùng khó khăn, vùng sâu được học tập, góp phần tích cực trong thực hiện công tác PC GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Chính mô hình nhóm trẻ cộng đồng của Đồng Tháp là một trong những cách làm hay nhằm “chữa cháy” trong điều kiện của địa phương chưa cho phép.
Khi huy động được trẻ đến lớp, với nền tảng từ các nhóm trẻ cộng đồng thì tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.
Đặc biệt là đề ra lộ trình xây dựng để chuyển đổi nhóm trẻ cộng đồng sang các điểm trường, nâng số lượng trường chuẩn quốc gia. Đối với đội ngũ tiến hành rà soát số lượng giáo viên hợp đồng, đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên...