Hiến kế cho năm học mới

GD&TĐ - Từ thực tế triển khai nhiệm vụ năm học vừa qua, trước thềm năm học mới 2017 – 2018, Giám đốc Sở GD&ĐT các địa phương đã có những hiến kế, ý kiến thiết thực, cụ thể nhằm triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học theo định hướng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và phù hợp với thực tế giáo dục ở từng địa phương.

Hiến kế cho năm học mới

Giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia

Về kỳ thi THPT quốc gia, theo Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa – Bộ nên sớm hoàn thiện và công bố phương án thi THPT năm 2018; Quan điểm đối mới kỳ thi đã được khẳng định trong những năm vừa qua và thực tế triển khai đã có nhiều thành công, tạo dấu ấn tốt đẹp, nhận được sự đồng thuận trong xã hội và các tầng lớp nhân dân.

Để kỳ thi THPT quốc gia ổn định lâu dài, bà Phạm Thị Hằng cho rằng, phương án thi THPT quốc gia trong năm 2018 vẫn nên tiến hành như năm 2017; Tuy nhiên, ở bài thi tổ hợp, số môn thi thành phần có thể giảm đi; Đồng thời Bộ nên cân nhắc lại phương án điều động cán bộ, giảng viên về địa phương cùng phối hợp, coi thi; Nên duy trì giáo viên các trường THPT tiếp tục làm công tác coi thi, nhưng giáo viên trường nào không được coi thi ở trường đó để tránh tiêu cực.

Bà  Phạm Thị Hằng cũng đề nghị: Bộ nên sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể về công tác thi đua khen thưởng, công tác đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ năm học; Đồng thời sớm ban hàng quy định về các tiêu chí điểm ưu tiên tuyển thẳng, cộng điểm từ các kỳ thi HSG, cộng điểm cho HSG các cấp khi thi tuyển đầu cấp học.   

Có cơ chế hướng dẫn thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư

“Bộ nên xây dựng cơ chế hướng dẫn thực hiện XHH nguồn lực đầu tư cho giáo dục” – Bà Nguyễn Thị Kim Chi
“Bộ nên xây dựng cơ chế hướng dẫn thực hiện XHH nguồn lực đầu tư cho giáo dục” – Bà Nguyễn Thị Kim Chi

Về công tác quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp học các cấp, theo bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An: Thực trạng chung của các tỉnh hiện nay là quá tải ở bậc học MN; Để giải quyết thực trạng này còn rất nhiều việc phải làm, cần nhiều nguồn lực đầu tư. Trong khi đó ngân sách nhà nước rất hạn hẹp; Vì vậy Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu cơ chế, chính sách hướng dẫn thực hiện công tác XHH để cùng với cơ chế của địa phương nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để giải bài toán quá tải ở bậc học mầm non, cấp học tiểu học hiện nay của các thành phố lớn.

Trong chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình, SGK mới, theo bà Chi phải đồng bộ trong chính sách từ T.Ư đến địa phương; Đồng thời Bộ sớm xây dựng, ban hành những chính sách, hướng dẫn tổ chức thực hiện các công tác liên quan, về cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, các bộ quy chuẩn…; Để trong công tác triển khai ở các địa phương, Sở GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh trong triển khai nhiệm vụ GD&ĐT, đáp ứng nhu cầu công tác chuẩn bị đưa CT-SGK mới vào giảng dạy.

Cùng với công tác trên đây, về công tác đào tạo và chất lượng giáo viên hiện nay, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng Bộ nên khống chế chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành đào tạo sư phạm, các trường sư phạm toàn quốc để ổn định số lượng sinh viên đào tạo các ngành sư phạm từ đó đảm bảo chất lượng đào tạo, ổn định số lượng sinh viên ra trường; Phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động trên thực tế ở các địa phương.

Cùng với việc xây trường THPT Chuyên, trường PTDTNT, hiện nay ở nhiều địa phương trong cả nước đang có nhu cầu xây dựng các trường trọng điểm. Những trường trọng điểm này sẽ là trường làm đầu tàu thực hiện các hoạt động giáo dục, triển khai điểm các mô hình… Tuy nhiên các tỉnh đang loay hoay trong xây dựng mô hình này vì vướng cơ chế, chính sách hiện nay không có điều lệ, quy chế loại hình trường này. Theo bà Chi, Bộ nên quan tâm đến nhu cầu này của các tỉnh, nghiên cứu cơ chế chính sách liên quan đến loại hình trường trọng điểm.

Quy hoạch trường, lớp phải đảm bảo tính nhân văn

Đồng tình với quan điểm trên đây của bà Nguyễn Thị Kim Chi, xuất phát từ thực tế giáo dục của tỉnh miền núi, ông Nguyễn Sỹ Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên rất mong muốn Bộ xây dựng và ban hành thông tư về trường học chất lượng cao. Về tên gọi là trường trọng điểm hay gì đi nữa cũng chỉ là tên gọi nhưng có chất lượng giáo dục cao phải là do Bộ quy định cụ thể các tiêu chí để các địa phương thực hiện.

Theo ông Nguyễn Sỹ Quân, giáo dục miền núi có những khó khăn đặc thù chưa thể khắc phục được đó là tỷ lệ hộ nghèo cao và phân bố dân cư thưa thớt nên khác với vùng đồng bằng là dành mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ đến trường, ở đây phải tuyên truyền vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường; khó khăn tiếp theo là khi vận động trẻ đến trường rồi phải dạy tiếng Việt cho trẻ thật tốt rồi mới dạy học được. Tiếp đó là các khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp học, đội ngũ giáo viên, kỹ năng sống. Những khó khăn này khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ năm học của các tỉnh miền núi cũng rất đặc thù và phải tìm cách làm riêng mới mong mang lại hiệu quả.  

Chính vì vậy, trong vấn đề quy hoạch trường lớp, ông Quân không đồng tình với quan điểm dồn tất cả học sinh ở điểm lẻ về trường trung tâm một cách cơ học. Bởi lẽ, với trẻ mầm non và học sinh lớp nhỏ của Tiểu học, hàng ngày vẫn cần sự quan tâm của bố mẹ. Do vậy, những lớp nhỏ vẫn phải duy trì theo tỷ lệ nào đó phù hợp thực tế phân bố dân cư. Theo ông, trong công tác quy hoạch phải đặt tính nhân văn lên hàng đầu, bởi với độ tuổi của trẻ lớp 1 lớp 2, gia đình hết sức quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Chính vì vậy vẫn phải duy trì lớp 1, lớp 2 ở các thôn bản gần gia đình các em, gần khu dân cư, khi lên lớp lớn mới tuyên truyền vận động bố mẹ đưa trẻ đến điểm trường chính để có điều kiện học tập tốt hơn.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Sỹ Quân nếu đưa đồng loạt tất cả các điểm trường lẻ về trường trung tâm thì tại đây không thể trong một, hai năm có đủ ngay các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, đời sống ăn, ở nội trú phục vụ sinh hoạt cho học sinh. Đồng thời với đó, ông Quân cho rằng cần thiết phải có khối nhà lưu trú phục vụ ngủ trưa cho học sinh, và khối nhà làm việc cho giáo viên tại trường.

Ông Nguyễn Sỹ Quân cũng đưa ra ý kiến đóng góp về giảm tại nội dung kiến thức, ông cho rằng chương trình phổ thông hiện nay còn nặng, với chương trình tiểu học hiện nay cùng với thực hiện những nhiệm vụ khác thì thầy, cô giáo không thể đảm đương được theo như định mức giáo viên Tiểu học ở các địa phương hiện nay. Việc giảm tải đầu tiên phải được ưu tiên ở lượng kiến thức, số bài học, tiết học. Để giảm tải cho giáo viên và học sinh, Điện Biên đã thí điểm ở một số trường học bốn tiết, chỉ có một số ít buổi phải học năm tiết, kết quả cho thấy hiệu quả dạy và học được cải thiện lên rất nhiều. Bên cạnh đó là thực hiện tựu trường muộn để trẻ được nghỉ hè, vui chơi nhiều hơn. Làm như vậy cũng là đẻ kéo dài thời gian nghỉ hè cho giáo viên nghỉ đủ 2 tháng theo quy định, đảm bảo quỹ thời gian cho công tác bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn chuyên môn trong dịp hè. Điện Biên thực hiện tựu trường vào cuối tháng 8 thay vì giữa tháng 8 như hàng năm; Đồng thời thực hiện dành thời gian vào cuối học kỳ và cuối năm học để tăng cường các hoạt động vui chơi cho học sinh.

Ông Nguyễn Sỹ Quân: “Quy hoạch trường, lớp phải đảm bảo tính nhân văn”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.