Nỗ lực đưa học sinh tị nạn tới trường

GD&TĐ - Trường học tại Anh đã tiếp nhận không ít trẻ em tị nạn từ nhiều quốc gia khác nhau.

Maggie Aderin-Pocock, đại sứ của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, cùng các em học sinh.
Maggie Aderin-Pocock, đại sứ của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, cùng các em học sinh.

Nhiều trường học cho biết, việc cung cấp hỗ trợ và phương pháp giảng dạy phù hợp là điều khá khó khăn.

Sự thay đổi nhanh chóng

Năm 2022, một khách sạn ở làng Birchanger (Anh) bắt đầu tiếp nhận người tị nạn. Sau một thời gian, các phụ huynh đã đến trường học địa phương và hỏi: “Con chúng tôi có thể tham gia không?”. Đó là một quyết định vừa dễ dàng, nhưng cũng vừa khó khăn đối với Trường Tiểu học Birchanger Church ở Essex. Nhà trường tự coi mình là một không gian chào đón cộng đồng.

Tuy nhiên, các nhân viên tại đây lo ngại rằng, giống hầu hết các trường học, họ sẽ phải tìm cách hòa nhập với học sinh mới. Việc tiếp nhận trẻ em từ vùng lãnh thổ Kurdistan, Iran, Colombia, Azerbaijan, Nga, Ukraine và Afghanistan đã khiến sĩ số của trường tăng lên 12%, đồng thời phải đáp ứng với các yêu cầu mới về chế độ ăn uống và tôn giáo.

Birchanger Church là một trong nhiều trường bất ngờ được giao nhiệm vụ hỗ trợ học sinh tị nạn có nhu cầu phức tạp, bao gồm xử lý chấn thương và học tiếng Anh từ đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục tại đây cho rằng, sự trợ giúp của nhà trường đối với học sinh tị nạn còn rất hạn chế.

Cô Sharon Vessey - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đã phải “thực sự đấu tranh” để đảm bảo kinh phí cho một giáo viên dạy tiếng Anh, trong khi các giáo viên hiện tại phải mất thêm một giờ mỗi ngày để lập kế hoạch giảng dạy.

“Số lượng học sinh mới tăng đột ngột đến mức chúng tôi phải xem xét hậu cần của các lớp học, cả thêm giáo viên để dạy tiếng Anh. Đó là lĩnh vực xa lạ, bởi, thầy cô, nhân viên ở đây không biết trẻ sẽ ra sao, cũng như đã trải qua những gì”, cô Sharon Vessey chia sẻ.

Tuyệt vọng tìm kiếm sự hỗ trợ, một giáo viên của Birchanger Church - cô Emma Walsh, đã thành lập chương trình lớp học chữa lành của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC). Chương trình này đã tìm cách lấp đầy khoảng trống về nguồn lực của chính phủ bằng cách đào tạo hơn 2.082 giáo viên giảng dạy về chấn thương và nhận thức về văn hóa kể từ khi ra mắt cách đây hai năm tại Anh.

Theo cô Emma Walsh, một trong những khó khăn là biết, hiểu các sắc thái của những nền văn hóa khác nhau, và lấy ví dụ về việc trẻ em Ukraine coi việc ngồi trên sàn như một hình thức trừng phạt.

Học cách hiểu và hỗ trợ những người tị nạn bị chấn thương cũng là một bài học quan trọng, giúp nâng cao sự chú trọng hiện có của nhà trường về sức khỏe tinh thần người học.

Cô Walsh cho biết: “Rất nhiều khóa đào tạo mà tôi thực hiện về thực hành liên quan đến chấn thương đã mang lại lợi ích cho toàn trường. Nếu trẻ chưa từng trải qua chấn thương tâm lý thì đến một lúc nào đó trong đời, các em sẽ trải qua”.

Tuy nhiên, theo giáo viên này, quá trình tị nạn cũng đồng nghĩa với cảm giác như đang phải chiến đấu trong một trận chiến khó khăn. “Chúng tôi từng có những đứa trẻ vẫn đi học vào buổi sáng. Trẻ và gia đình không biết sẽ phải chuyển đi. Song, đến giờ giải lao thì đứa trẻ đó đã phải rời đi rồi”, cô Walsh chia sẻ.

Bà Maria Cristina Gil Barrera, người đã đưa hai cô con gái của mình từ Colombia đến để bảo vệ chúng khỏi tình huống không an toàn, mô tả ngôi trường này là một “may mắn tuyệt đối” khiến gia đình cảm thấy được chào đón trong cộng đồng.

Nữ phụ huynh cho biết đã rất vui mừng khi chứng kiến con gái mình từ không nói được tiếng Anh chuyển sang có thể tham dự bữa tiệc sinh nhật của một người bạn cùng lớp. Trong khi đó, Alesia Golubeva, người rời Moscow sau khi giữa Nga và Ukraine xảy ra xung đột, cho biết con trai bà - David, từng “ngại làm người tị nạn vì nghĩ rằng mọi người không thích mình vì là người lạ”.

Tuy nhiên, 10 tháng sau, cậu bé lại yêu trường học. Bà Barrera cho biết cảm thấy “thật may mắn” khi con trai có thể học ở một nơi nào đó giúp cậu thích nghi, bao gồm cả cách học toán khác với ở Nga.

Từ việc học sinh dạy những bạn khác đếm bằng tiếng Ukraine, cho đến việc các thành viên trong gia đình tham dự các bữa tiệc ở trường trong trang phục truyền thống, nữ hiệu trưởng Sharon Vessey cho biết, sự nỗ lực là xứng đáng.

“Những trẻ em này quả là một sự bổ sung tuyệt vời cho trường học của chúng tôi. Các em đã thực sự làm phong phú thêm cộng đồng. Điều đó đã giúp mở mang tầm mắt của những đứa trẻ khác”, cô Vessel cho biết.

Mặc dù vậy, Dame Maggie Aderin-Pocock, một nhà khoa học và người dẫn chương trình truyền hình, đồng thời là đại sứ của IRC, đã quan sát thấy trong chuyến thăm trường rằng, quá trình tị nạn khiến cuộc sống của các gia đình trở nên khó khăn một cách không cần thiết.

“Một phụ huynh cho biết sự không chắc chắn là thách thức lớn nhất của cô ấy. Điều đó khiến việc lập kế hoạch trước trở nên khó khăn. Khi ở Ukraine hay bất cứ nơi nào, họ có thể thấy sự tiến triển đó, nhưng bây giờ tất cả đã bị lấy đi”, nữ đại sứ nói.

no luc dua hoc sinh ti nan toi truong (3).jpg
Nữ phụ huynh Alesia Golubeva cùng con trai David.

Giáo viên chưa thể thích nghi

Ông Josh Corlett - Giám đốc giáo dục của IRC tại Anh cho biết, chương trình lớp học chữa bệnh đã được triển khai ở Anh để giúp các trường đối phó với sự xuất hiện của những học sinh tị nạn từ Ukraine và Afghanistan.

“Nhiều trường học chào đón học sinh tị nạn với rất ít thông báo hoặc hỗ trợ, như chúng tôi đã thấy ở Birchanger. Hầu hết các giáo viên mà chúng tôi đào tạo đều nói rằng, họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bất kỳ cơ hội đào tạo nào khi làm việc với học sinh tị nạn.

Các giáo viên cũng thường lo lắng về cách tiếp cận phù hợp, và thường xuyên nỗ lực hết mình trong việc chăm sóc và đưa ra sự hỗ trợ”, ông Josh Corlett cho biết và nói thêm rằng, vai trò của trường học thường bị bỏ qua.

IRC mong muốn các trường học có thêm kiến thức và nguồn lực, bao gồm đào tạo bắt buộc về chấn thương, tiếng Anh như một ngôn ngữ bổ sung và cấp thêm kinh phí cho nhân viên hỗ trợ. Bà Margaret Mulholland - chuyên gia về nhu cầu giáo dục đặc biệt và hòa nhập tại Hiệp hội Các nhà lãnh đạo trường học và đại học Anh, đồng ý rằng cần có nhiều cơ hội hơn để các trường phát triển chuyên môn nội bộ về đa ngôn ngữ.

Tuy nhiên, để điều này được thực hiện, chính phủ cần phải thực hiện các bước có ý nghĩa để giảm khối lượng công việc và cải thiện khả năng tiếp cận cơ hội phát triển nghề nghiệp.

no luc dua hoc sinh ti nan toi truong (2).jpg
Hiệu trưởng Sharon Vessey (giữa) cùng các học sinh tại trường.

Chiến tranh và loạn lạc đã đẩy những trẻ em tị nạn vào tình cảnh mất gia đình và mất đi những quyền lợi cơ bản, đặc biệt là quyền được nhận sự giáo dục. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đang làm việc với chính phủ các quốc gia tiếp nhận trẻ em và gia đình tị nạn để giúp tăng cường khả năng tiếp cận nền học tập có chất lượng.

Chi phí giáo dục đang trở thành gánh nặng với những gia đình tị nạn. Phần lớn những gia đình này rất khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai. Khi họ đang phải vật lộn với cơm áo, gạo, tiền thì vấn đề giáo dục luôn bị xếp lại phía sau.

Một người tị nạn chia sẻ: “Chúng tôi đã phải chuyển 4 ngôi trường trong vòng 1 năm qua vì lý do liên tục bị chuyển chỗ tìm việc làm”. Một người khác nói: “Hai ngày trước khi năm học mới bắt đầu, chúng tôi phải gói ghém đồ đạc và ra khỏi nơi đang ở”.

Giáo dục là cách để trẻ em hồi phục. Trường học mang lại cho người tị nạn cơ hội thứ hai. Tuy nhiên, số người đến gần với cơ hội này còn quá ít. Do đó, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn kêu gọi các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức giáo dục và các nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ tài chính cho một sáng kiến mới để tăng cường giáo dục trung học cho người tị nạn.

Ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, nhấn mạnh: “Trường học là nơi đầu tiên trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, trẻ tị nạn có thể lấy lại cảm giác bình thường.

Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra và thiếu các khoản đầu tư khẩn cấp vào giáo dục cho người tị nạn, chúng ta phải chịu chi phí cho một thế hệ thanh niên lớn lên mà không thể tự chăm sóc bản thân, tìm việc làm hoặc đóng góp đầy đủ cho cộng đồng của họ”.

Mới đây, một tổ chức từ thiện đã phát hiện ra rằng, trẻ em đang bị mắc kẹt trong các vùng chiến sự do những yêu cầu “không thể” áp đặt lên một trong số ít con đường hợp pháp dành cho những người xin tị nạn. Chính phủ đã ủng hộ quá trình đoàn tụ gia đình như một phương tiện để người tị nạn đoàn tụ an toàn với người thân ở Anh.

Song, theo một báo cáo mới của Ramfel - tổ chức từ thiện hỗ trợ những người di cư dễ bị tổn thương, chương trình này “không phù hợp với mục đích” và những người nộp đơn đã bị từ chối. Ramfel cho biết, khi xung đột nổ ra ở Sudan vào tháng 4/2023, họ đã hỗ trợ 14 người.

Tất cả đều có thể đủ điều kiện đến Vương quốc Anh theo chương trình này. Tuy nhiên, hơn một năm sau, tám người vẫn bị mắc kẹt ở đó và “đối mặt với những rủi ro cực độ”. Một số là trẻ em trước đây đã chạy trốn khỏi Eritrea - một chế độ độc tài đàn áp.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.