Học sinh Hà Lan trải nghiệm hành trình tị nạn

GD&TĐ - Một chiếc vali vương vãi trên mặt đất, một li rượu nằm chỏng chơ trên bàn, một chiếc đài phát vang tiếng cảnh báo “đã đến lúc ra đi”.

Người nhập cư bên ngoài Trung tâm thể thao Schuttersveld, được trưng dụng làm trại tị nạn tạm thời tại Rotterdam, Hà Lan
Người nhập cư bên ngoài Trung tâm thể thao Schuttersveld, được trưng dụng làm trại tị nạn tạm thời tại Rotterdam, Hà Lan

Đó là căn phòng đầu tiên trong hành trình trải nghiệm một cuộc di cư trong một bảo tàng độc nhất tại Hà Lan. Trải nghiệm này giúp cho học sinh cảm thông và thương cảm đối với người di cư và qua đó góp phần xoá đi định kiến xã hội đối với người di cư và tị nạn…
Con đường di cư đẫm nước mắt

Với 2 nữ sinh trung học Amy và Sona thì mặc dù đây chỉ là một chuyến hành trình dàn dựng và mô phỏng nhưng không khỏi có những khoảnh khắc đứng tim khi “theo chân” hàng nghìn người bỏ lại cuộc sống của họ phía sau để bước vào hành trình đầy nguy hiểm tới bờ biển châu Âu.

Sau khi xách va li lên đường, 2 cô bé bắt đầu một hành trình vô định và trên đó có vô số nguy hiểm chờ đón. Lúc là lọt thỏm giữa mê cung những hành lang tối om vang tiếng chó sủa và tiếng cảnh sát lục soát.

Những hình ảnh thê thảm từng đoàn người dài dằng dặc thất thểu nối đuôi nhau được phát hình trên những bức tường bao quanh, cho người tham gia trải nghiệm một cảm giác rất chân thực như thể chính họ đang trong cuộc hành trình đó vậy.

Sau khi điền vào các giấy tờ với hy vọng một ngày nào đó có thể đoàn tụ với gia đình của mình, Amy và Sona đến khu vực biên giới, nơi sẽ gặp những lính biên phòng lạnh lùng và cáu bẳn. “Thị thực đâu? Họ là gì? Tên người thân hoặc bạn bè là gì?...”

Giọng nói được ghi âm phát ra dồn dập những câu hỏi cụt lủn nhưng lạnh lẽo với những nữ sinh trải nghiệm, vốn trước đó đã bị ám ảnh tinh thần bởi những hình ảnh ghê sợ của cuộc hành trình, khiến mỗi phút trôi qua vô cùng nặng nề.

Chia sẻ với người nhập cư

“Chúng tôi đã nghe nhiều chuyện về người di cư nhưng đó chỉ là một chút rất ít kiến thức để có thể hiểu được tâm trạng của một người di cư” – Sona chia sẻ sau trải nghiệm.

Trải nghiệm này đối với cá nhân Sona quan trọng hơn bởi cha mẹ cô bé chính là những người di cư khỏi Armenia tới Hà Lan trước khi sinh Sona. Những kí ức đau buồn trên hành trình tới Hà Lan chưa bao giờ được thảo luận thực sự trong gia đình Sona.

Tuy nhiên qua được biên giới không đồng nghĩa là hành trình đã kết thúc, nếu không được tiếp nhận, người di cư và tị nạn sẽ được đưa trở về nước. Nhà chức trách Hà Lan cho biết đã tiếp nhận số đơn xin tị nạn cao kỉ lục trong năm nay.

“Tính đến giữa tháng 11, chúng tôi đã nhận khoảng 54.000 đơn xin tị nạn, và dự kiến nếu tính cả tháng 12 sẽ có thêm một vài chục nghìn đơn nữa” – giám đốc bộ phận nhập cư Sở Di trú, Renger Visser, cho biết.

Mức kỉ lục trước đây là vào năm 1994, giai đoạn cao điểm cuộc xung đột tại Balkan, khi chính phủ Hà Lan nhận được 52.500 đơn xin tị nạn.

Giáo dục là chìa khoá, những người phụ trách Bảo tàng cho biết, đặc biệt là nhằm phản bác lại quan điểm những đảng chống nhập cư.

Lũ trẻ bị “nhồi sọ” rằng người nhập cư đến và tiêu tốn thuế, phúc lợi quốc gia mà không nói hết toàn bộ câu chuyện của họ. 45 phút tham quan đủ để những thanh thiếu niên như Amy, Sona, thông cảm với thân phận người di cư, tị nạn.


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ