Nhằm ngăn chặn HS bỏ học giữa chừng, cùng với sự vào cuộc hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, các trường học, đội ngũ thầy cô giáo cũng đã “kề vai, sát cánh” tiếp sức giúp HS vững tin, tiếp bước đến trường.
Nỗi lo HS bỏ học
Thầy Đình Văn Tư - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang - cho biết: “Bước vào năm học 2017 - 2018, toàn trường có 575 HS, thì có 128 em bị cắt chế độ hỗ trợ. Do điều kiện cuộc sống khó khăn nên đến thời điểm này đã có hơn 60 em HS không ra lớp, dù nhà trường cố gắng đến từng nhà vận động.
Để tháo gỡ những khó khăn mà các em đang phải đối mặt, nhà trường phải tạm sử dụng số gạo đã cấp đầu năm cho HS nhằm san sẻ cho 128 em không còn được hưởng chế độ. Việc làm này chỉ mang tính tạm thời, trước mắt, còn phương án lâu dài thì vẫn chưa có, cho nên hiện giờ nhà trường hết sức trăn trở, lo lắng. Mong rằng, các em sẽ được nhận nguồn hỗ trợ từ Trung ương và của tỉnh Quảng Nam, giúp các em tiếp tục vững tin đến lớp.
Không riêng gì Trường THPT Tây Giang có số lượng lớn HS rơi vào trường hợp bị cắt chế độ hỗ trợ, mà còn có rất nhiều HS ở trường học khác trên địa bàn cũng xảy ra tương tự. Trong đó, Trường PTDTBT THCS Lý Tự Trọng có 50 em, Trường PTDTBT THCS Nguyễn Bá Ngọc có 40 em và Trường PTDTBT - Tiểu học Bha Lêê có 33 em.
Riêng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi buộc phải xóa bỏ mô hình trường bán trú, khi có 180 em HS bị cắt chế độ thụ hưởng trước đây, hiện nay phải tự lo ăn, ở. Do hoàn cảnh khó khăn, điều kiện đi lại vất vả nên trong thời gian qua đã có nhiều HS không ra lớp, tình trạng HS nghỉ học kiểu “giã gạo” diễn ra phổ biến ở các trường. Tính từ đầu năm học đến nay, chỉ tính riêng Trường THPT Tây Giang có hơn 65 em không ra lớp.
Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), theo Nghị định số 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ HS và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Quyết định số 582 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thôn thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì năm học mới 2017 - 2018, trên toàn huyện Tây Giang có 381/5.414 HS thuộc diện bán trú ở 9 xã bị cắt các chế độ liên quan.
Việc bị cắt chế độ dẫn đến điều kiện học tập, ăn ở của các em hết sức khó khăn, trong khi đó bản thân các em đều thuộc gia đình nghèo, khoảng cách đi học xa, rất vất vả.
cả bản chung tay vì các con |
Huy động các nguồn lực hỗ trợ con em HS
Ông Bling Hùng - Chủ tịch UBND xã Lăng (huyện Tây Giang) - cho biết: Việc cắt chế độ đột ngột đã làm cho địa phương và nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều phụ huynh phản đối gay gắt vì họ không hiểu; bởi bao lâu nay người dân luôn có suy nghĩ là con em mình đi học đã có Nhà nước lo.
Nhằm giúp bà con hiểu rõ chủ trương, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã cử cán bộ xuống tận nhà dân tuyên truyền, giải thích và tổ chức vận động đưa con em HS ra lớp. Mặt khác, trong khả năng của mình, chính quyền đã tổ chức vận dụng các nguồn lực khác như các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ tiến hành đóng góp, hỗ trợ bước đầu cho con em HS.
Trước tình hình trên, UBND huyện Tây Giang đã có cuộc họp với ngành Giáo dục, 23 đơn vị trường học và các ban ngành liên quan nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn. Theo ông Bhlinh Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, hiện nay chính quyền địa phương, ngành GD-ĐT địa phương, các đơn vị trường học đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho các em HS, giúp các em vững tin đến trường.
Một trong những giải pháp cơ bản mà chính quyền, đơn vị trường học đang thực hiện là tập trung vận động các nguồn lực xã hội, từ người dân, chính quyền xã đến sự tranh thủ hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tiếp tục duy trì mô hình trường học bán trú.
Đẩy mạnh việc vận động tuyên truyền cho người dân hiểu việc cắt giảm các chế độ theo chủ trương của Nhà nước là đúng đắn, nhằm giảm bớt gánh nặng bao cấp. Qua đó, giúp phụ huynh có trách nhiệm hơn trong việc học của con em mình, tránh tình trạng “khoán trắng” cho nhà trường và xã hội.
Ông Bhling Mia cho hay: Việc dạy học ở Tây Giang còn quá nhiều khó khăn, việc thực hiện tốt các chế độ chính sách cho HS là người đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo theo tiêu chí 3 đủ (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) rất cần sự chung tay giúp đỡ các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương và sự chung tay của toàn xã hội. Dù khó khăn đến mấy cũng không thể để xảy ra tình trạng HS nghỉ học, rồi dẫn đến bỏ học giữa chừng.
Chính quyền địa phương cùng ngành GD-ĐT, các đơn vị trường học sẽ cố gắng hết sức trong phạm vi của mình. Trong đó, lấy việc xây dựng mô hình trường học bán trú dân nuôi là giải pháp tối ưu để duy trì mô hình bán trú miền núi hiện nay, nhằm ngăn chặn nguy cơ HS bỏ học, giúp các trường ổn định nề nếp, đảm bảo các điều kiện để giáo viên, HS triển khai dạy học.
“Giải pháp tạm thời được đưa ra là huyện sẽ trích khoảng 800 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ 5 tháng đầu năm học này. Theo đó, mỗi HS sẽ được hỗ trợ 360.000 đồng và 10 ký gạo/tháng.
Bên cạnh đó, 9 xã sẽ tiết kiệm các nguồn chi tiêu, nhất là nguồn dự phòng, chia sẻ số gạo cứu trợ lụt bão hằng nằm cho các trường. Các em HS gần trường thì gia đình lo việc ăn ở, tự đi lại, huyện chỉ hỗ trợ tiền mua sách vở. Các em ở xa được ở lại, hỗ trợ sách vở, gia đình đóng góp gạo” - ông Bhling Mia cho biết thêm.