Kết hợp dạy nghề với học văn hoá ở miền núi

GD&TĐ - Việc mở các Trung tâm dạy nghề ở cấp huyện để tạo nghề cho thanh niên, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số là một nội dung quan trọng, rất được chờ đợi. Nhưng việc thực hiện mở các trung tâm dạy nghề cho thanh niên ở những khu vực này vẫn còn những điều cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế địa phương. 

Ảnh minh họa, theo báo Phú Thọ
Ảnh minh họa, theo báo Phú Thọ

Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 630/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020. Theo đó, tăng cường phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên dạy nghề... Trong đó, việc mở các Trung tâm dạy nghề ở cấp huyện để tạo nghề cho thanh niên, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số là một nội dung quan trọng, rất được chờ đợi.

Vấn đề đặt ra là hiệu quả công tác đào tạo nghề thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhiều bất cập. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như chất lượng giáo viên giảng dạy chưa tốt, trang thiết bị dành cho đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kết hợp tốt giữa nhu cầu đào tạo và sản xuất.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc tuyển sinh học viên gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng sau đào tạo chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nhiều trung tâm dạy nghề mở ra không tuyển được người học, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi từng tiếp xúc với Giám đốc một trung tâm dạy nghề ở cấp huyện. Anh cho biết, dù đã làm bằng nhiều cách nhưng mỗi năm trung tâm chỉ mở được 01 lớp học với khoảng từ 40 đến 50 học viên.

Vậy nhưng khi khai giảng thì đông, sau đó vơi dần có lớp chỉ duy trì được 10 - 15 học viên, thậm chí có lớp bị giải thể do không còn học viên. Đối với các huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ thì tình trạng thiếu người học càng tệ hơn, dù người học ở những vùng này không phải đóng bất cứ khoản lệ phí nào, thậm chí được Nhà nước cung cấp, đài thọ tiền ăn ở, đồ dùng học tập.

  Theo chúng tôi để giải quyết bài toán người học ở vùng đông đồng bào dân tộc thiếu số theo Nghị quyết 30a các cơ quan chức năng cần kết hợp giữa việc học văn hoá với đào tạo nghề, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, không nhất thiết phải thành lập các trung tâm dạy nghề ở tất cả các huyện theo Luật Dạy nghề và đề án mà nên nhập chung việc dạy văn hoá với dạy nghề. Bởi vì, từ cấp 2 trở lên học sinh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã học nội trú nên có thể kết hợp đào tạo nghề với học văn hoá. Những buổi các em không học văn hoá thì sẽ tổ chức cho các em học nghề.

  Điều này vừa tạo được công ăn việc làm, kiến thức nghề cho các em ngay khi ra trường. Đồng thời, góp phần quản lý tốt hơn các em, thậm chí có thể có thêm thu nhập cải thiện bữa ăn, sinh hoạt cho các em khi các em làm ra sản phẩm đưa ra thị trường. Qua đó cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề khi tập trung đựoc nguồn lực, kinh phí... Bên cạnh đó, hạn chế tình trạng lãng phí, đầu tư xây dựng các trung tâm dạy nghề dàn trải, tràn lan mà hoạt động kém hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.