Học sinh miền núi Quảng Trị lội sông đến trường

GD&TĐ - Nhiều năm qua, các em học sinh ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) đến trường học phải đi qua đoạn đường có con sông chảy xiết, nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng của các em. Mỗi khi có mưa lớn, nước sông dâng cao các em phải nghỉ học, bởi ở đây không còn con đường nào khác.

Học sinh miền núi Quảng Trị lội sông đến trường

Học sinh miền núi Quảng Trị lội sông đến trường ảnh 1
Ngày qua ngày, các em học sinh ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) phải lội qua sông đến trường học chữ.

Cứ mỗi sáng sớm, các em học sinh ở thôn A Liêng đến bờ sông vội vã cởi đồng phục, khăn quàng cho vào cặp sách rồi lội sang sông. Đến bờ bên kia các em mặc lại đồng phục và tiếp tục đến trường.

Em Hồ Văn Sơn, học sinh lớp 6 B, Trường THCS số 2 Đakrông cho biết: “Mỗi lần qua sông cháu phải cởi áo quần ra để lội. Qua sông rồi cháu mặc áo quần vào rồi đến trường. Nhiều lúc trượt ngã áo quần sũng nước, sách vở, đồ dùng ướt nhẻm nhưng không còn cách nào khác”.

Học sinh miền núi Quảng Trị lội sông đến trường ảnh 2

Lội qua sông đến bờ bên kia em Hồ Văn Sơn, học sinh lớp 6 B, Trường THCS số 2 Đakrông mặc lại áo quần đến trường.

Những ngày có mưa, nước sông dâng cao, để an toàn và tránh nguy hiểm đến với các em, bố mẹ các em học sinh mẫu giáo và cấp một phải bỏ việc nương rẫy túc trực hai bên bờ sông để đưa các em qua sông.

Anh Hồ Văn Thái, ở thôn A Liêng cho biết: Mỗi khi mưa lớn, học sinh đi học rất vất vả còn phụ huynh lo lắng không lên nương rẫy được vì phải đưa đón con qua sông. Những ngày nước sông dâng cao các em phải nghỉ học cả tuần, thậm chí cả tháng.

Học sinh miền núi Quảng Trị lội sông đến trường ảnh 3

Những ngày nước sông dâng cao bố mẹ phải đưa các em qua sông đến trường.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đakrông có tám thôn chưa có cầu qua sông, qua suối cho học sinh đi học. Trong đó, thôn A Liêng sống trong vùng cô lập có số lượng học sinh lội sông đến trường đông nhất. Toàn thôn A Liêng có 84 hộ dân, với hơn 340 nhân khẩu, trong đó có 70 em học sinh trong độ tuổi đến trường. Trong thời điểm mùa mưa bão, việc lội sông đi học của các em học sinh càng gian nan và nguy hiểm hơn.

Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tà Rụt cho biết: Mặc dù điều kiện đi lại rất khó khăn nhưng các em mong muốn được đi học, được đến trường, bất chấp mỗi ngày hai buổi lội sông. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở phụ huynh có con ở bên kia sông đưa các em đi học để bảo đảm an toàn. Mùa mưa nên gửi các em ở nhà người thân quen bên kia sông để các em được đi học đều đặn...

Hằng ngày, ngoài các em học sinh phải lội qua sông đến trường, người dân ở đây muốn trao đổi hàng hóa đến trung tâm xã Tà Rụt cũng chỉ bằng cách lội qua sông, bởi đây là tuyến giao thông duy nhất đi ra với bên ngoài. Nhìn những phụ nữ lội qua sông nước ngập ngang hông, lưng đeo gùi nặng chất đầy củi, nông sản đưa sang trung tâm xã để bán mới thấy hết sự vất vả trong việc đi lại của người dân nơi đây.

Học sinh miền núi Quảng Trị lội sông đến trường ảnh 4

Người già ra trung tâm xã Tà Rụt cũng phải lội qua sông.

Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ Văn Nhiếp cho biết: Địa phương đã báo cáo với cấp trên và kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư xây dựng một chiếc cầu bắc qua sông để con em đi học dễ dàng, người dân qua lại trao đổi hàng hóa thuận lợi. Hiện nay, biện pháp trước mắt của địa phương là tuyên truyền người dân không đi qua sông suối vào mùa mưa lũ, hỗ trợ áo phao cho con em đến trường vào mùa mưa để tránh rủi ro...

Ngày qua ngày, chờ khi nước sông xuống, các mặt hàng nông sản của người dân mới có thể đưa qua sông bằng phương tiện cơ giới. Còn đối với các em học sinh, cứ đến mùa mưa bão là phải nghỉ học từ tuần này qua tuần khác. Mong muốn của người dân xã Tà Rụt là sớm được Trung ương và tỉnh Quảng Trị quan tâm sớm đầu tư xây một cây cầu giúp người dân và các em học sinh đi lại thuận lợi hơn.

Theo Nhân Dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải