Nỗ lực cùng giáo viên, học sinh vượt khó

GD&TĐ - Xuyên suốt năm 2021, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19.

Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị tổ chức hoạt động “Khám mắt học đường” năm 2021.
Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị tổ chức hoạt động “Khám mắt học đường” năm 2021.

Hàng loạt hoạt động ý nghĩa hướng tới giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn diễn ra trong năm qua.

Những hoạt động thiết thực

Năm 2021, Thanh Hóa là địa phương chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19, song Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã làm tốt công tác chăm lo đời sống cho giáo viên, học sinh. Các hoạt động hướng tới đoàn viên công đoàn và học sinh được thích ứng an toàn, phù hợp với tình hình thực tế.

Ngay từ đầu năm, khi dịch bệnh ở địa phương vẫn ổn định, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa đã triển khai chương trình “Tết sum vầy – Kết nối yêu thương”. Chương trình hướng tới cán bộ giáo viên và người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tại chương trình này, Công đoàn ngành GD đã trao 48 suất quà Tết cho cán bộ, giáo viên, NLĐ. Đồng thời, chỉ đạo công đoàn các trường THPT, đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, NLĐ về tiền lương, thưởng, quà Tết…

Hoạt động ủng hộ của Công đoàn Trường THPT Hoàng Lệ Kha hướng về thành phố mang tên Bác. Ảnh: NTCC
Hoạt động ủng hộ của Công đoàn Trường THPT Hoàng Lệ Kha hướng về thành phố mang tên Bác. Ảnh: NTCC

Tiếp đó, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa tiếp tục triển khai tới hệ thống các trường THPT, đơn vị trực thuộc triển khai chương trình “Chia khó” với giáo dục vùng cao, đặc biệt khó khăn trong năm học 2020 – 2021. Đến nay, các trường THPT khu vực miền xuôi đã hỗ trợ cho 6 trường THPT miền núi, bao gồm: Trường THPT Mường Lát, THPT Quan Sơn, THPT Cẩm Thủy 2, THCS & THPT Quan Sơn, THCS & THPT Bá Thước sửa chữa nhà công vụ giáo viên, công trình nước sạch, vệ sinh, công trình phục vụ thể thao… với tổng số tiền hơn 415 triệu đồng.

Trong năm qua, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa cũng đã phối hợp với Trường Đại học Mỏ - Địa chất, tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Chương trình cũng trao học bổng, quà hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên và học sinh 5 trường (THPT Nông Cống 2, Triệu Sơn 5, Quảng Xương 4, Tĩnh Gia 1 và Tĩnh Gia 3), với tổng số tiền 105 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Công đoàn ngành GD phối hợp với Phòng khám mắt Trạng Nguyên và các đơn vị triển khai hoạt động “Khám mắt học đường” tại Trường THCS & THPT Bá Thước (huyện Bá Thước, Thanh Hóa). Đẩy mạnh các chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp để làm tốt hơn việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, giáo viên, NLĐ.

Đối với Chương trình “Máy tính cho em” do Bộ GD&ĐT phát động, Công đoàn ngành GD đã phối hợp với Sở GD&ĐT Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai. Đến nay, tổng số tiền quyên góp, ủng hộ cho chương trình đã lên tới 6,1 tỷ đồng.

Công đoàn Trường THPT Triệu Sơn 5 tại buổi lễ bàn giao hàng quyên góp, ủng hộ cho TP Hồ Chí Minh.
Công đoàn Trường THPT Triệu Sơn 5 tại buổi lễ bàn giao hàng quyên góp, ủng hộ cho TP Hồ Chí Minh.

Mái ấm Công đoàn tỏa đi muôn nơi

Trong năm 2021, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa đã hỗ trợ xây nhà “Mái ấm Công đoàn” cho 5 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong số những giáo viên được hỗ trợ xây nhà mới có thầy Lê Thế Mạnh (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Thầy Mạnh là giáo viên Trường THPT Nông Cống 2 (huyện Nông Cống, Thanh Hóa). Thầy Mạnh có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ mất sớm, vợ không có thu nhập ổn định.

Nhiều năm qua, gia đình thầy Mạnh sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ được cha mẹ xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước nên xuống cấp trầm trọng, tường nứt nẻ, vôi vữa bong tróc.

Sau khi tìm hiểu, Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục UNISCHOOL hỗ trợ kinh phí xây nhà với số tiền 50 triệu đồng. Qua hơn 4 tháng triển khai, công trình chính thức hoàn thành. Ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, diện tích hơn 100m2 được xây dựng trên nền đất cũ, với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng.

Tại buổi lễ bàn giao “Mái ấm Công đoàn”, thầy Mạnh không khỏi xúc động khi giấc mơ về căn nhà mới kiên cố được hiện thực hóa. “Cách đây mấy tháng, tôi và gia đình còn phải sống trong căn nhà cấp 4, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe. Bản thân và gia đình lúc ấy không nghĩ rằng sẽ được ở trong ngôi nhà mới như hôm nay, nếu như không có chương trình “Mái ấm Công đoàn”. Đây là chương trình rất ý nghĩa và thiết thực, giúp đoàn viên khó khăn về nhà ở có thể ổn định cuộc sống, yên tâm công tác”.

Vui mừng khôn xiết cũng là cảm xúc của cô Lê Thị Ngoan, giáo viên Trường THPT Triệu Sơn 5 (huyện Triệu Sơn) khi được Công đoàn ngành GD trao 40 triệu đồng hỗ trợ xây nhà “Mái ấm Công đoàn”, hồi đầu năm 2021.

Cô Ngoan cho biết: Trước đây gia đình cô sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, cứ đến mùa nồm ẩm, nền nhà lại lênh láng nước, toàn bộ quần áo dù đã cất trong tủ nhưng vẫn bị ẩm mốc…

Được sự quan tâm của công đoàn trường, Công đoàn ngành GD, căn nhà mới khang trang của gia đình cô Lê Thị Ngoan được hoàn thành sau 6 tháng khởi công.

“Đối với gia đình tôi, số tiền hỗ trợ là một sự động viên, khích lệ rất lớn. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi giờ đây được sống trong căn nhà mới sạch đẹp, khang trang”, cô Ngoan chia sẻ.

Ông Trần Văn Bình – Chủ tịch Công đoàn ngành GD Thanh Hóa - cho biết: Hoạt động chia khó với vùng cao cũng như hỗ trợ xây nhà “Mái ấm Công đoàn”… có ý nghĩa rất lớn. Điều này đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực của các cấp Công đoàn ngành Giáo dục đến đoàn viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Ngoài ra, các hoạt động đã triển khai của Công đoàn ngành Giáo dục còn giúp các thầy, cô giáo có thêm động lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa đã tuyên truyền, kêu gọi cán bộ, giáo viên, NLĐ tích cực tham gia quyên góp, ủng hộ hưởng ứng tuần lễ “Hướng về thành phố mang tên Bác”. Kết quả, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa đã quyên góp được: 13 tấn gạo; gần 600 thùng mì tôm; 1,6 tấn rau, củ, quả; 1.440 lít nước mắm, dầu ăn; hơn 6 tấn nhu yếu phẩm (lạc, đường, cá khô, tép khô…) và 88 triệu đồng tiền mặt, với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thường xuyên chấm bài và soạn giáo án điện tử, mắt của cô Nguyễn Thị Mai Hương mờ, yếu và tăng độ.

Cách bảo vệ mắt hiệu quả

GD&TĐ - Khi nhắc đến bệnh nghề nghiệp của giáo viên, nhiều người thường nghĩ đến: Khàn giọng, mất tiếng, viêm thanh quản, giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều.