Nô lệ thời hiện đại

GD&TĐ - Con số ước tính 50 triệu “nô lệ thời hiện đại” của năm 2022 gia tăng 25% so với năm 2016.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Báo cáo công bố ngày 12/9 của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), Tổ chức Walk Free và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ước tính khoảng 50 triệu người trên thế giới đang sống như “nô lệ thời hiện đại” vì là nạn nhân của hôn nhân và lao động cưỡng bức.

Con số ước tính 50 triệu “nô lệ thời hiện đại” của năm 2022 gia tăng 25% so với năm 2016. Đại dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu, xung đột vũ trang và các thảm họa xảy ra trong vòng 5 năm qua đã gây ra sự bất ổn đến kinh tế ở nhiều quốc gia, đẩy hàng triệu người vào cuộc sống như chế độ nô lệ thời hiện đại.

Theo mô tả của báo cáo, cuộc sống của họ thường gắn với vấn đề hôn nhân cưỡng bức và lao động cưỡng bức. Đó là khi một người nào đó không thể từ chối hoặc chạy trốn khỏi hoàn cảnh cưỡng bức vì bị đe dọa, bạo lực và lừa đảo. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện cuộc khảo sát trên diện rộng tại hơn 180 quốc gia trên thế giới để đưa ra số liệu ước tính trên.

Trong 50 triệu người ước tính đó có khoảng 22 triệu người đang trong các cuộc hôn nhân cưỡng bức, tăng 43% so với năm 2016. Hơn 2/3 trong số này là phụ nữ và trẻ em gái - những đối tượng yếu thế khiến nguy cơ bị bóc lột và bạo lực nhiều hơn.

Báo cáo cho biết, số trường hợp hôn nhân cưỡng bức được cho là đang gia tăng tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Còn nếu tính theo quy mô dân số, các nhà nghiên cứu thấy tình trạng này phổ biến hơn cả là ở các nước thuộc khối Ả Rập. Trong khi đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các nguyên nhân cơ bản của hình thức “nô lệ thời hiện đại”.

Tại một số quốc gia, việc phong tỏa kéo dài vì Covid-19 đã khiến những người làm công ăn lương bị mất việc, trường học đóng cửa, đẩy nhiều gia đình đến tận cùng khó khăn. Hoàn cảnh này dẫn tới nạn tảo hôn, bạo lực trẻ em và tình trạng suy dinh dưỡng đang gia tăng thành một vấn đề lớn.

Theo các chuyên gia, dữ liệu được công bố trong báo cáo có thể vẫn chưa diễn tả đủ bức tranh toàn cảnh thực tế. Đặc biệt là vấn nạn lao động cưỡng bức đã tăng 11% lên 28 triệu người, trong đó gần 1/8 nạn nhân là trẻ em. Các nghiên cứu định tính chỉ ra rằng, trẻ em có thể bị cưỡng bức và lạm dụng dưới nhiều hình thức, bao gồm bắt cóc, đánh thuốc mê, giam cầm, lừa đảo và thao túng nợ.

Đặc biệt, một số vụ lạm dụng trẻ em tồi tệ nhất xảy ra trong các tình huống xung đột vũ trang. Khoảng 86% trường hợp lao động cưỡng bức xuất hiện trong lĩnh vực công nghiệp tư nhân, bao gồm ngành sản xuất, xây dựng và nông nghiệp, trong đó châu Á và Thái Bình Dương là khu vực chiếm hơn 50% tổng số toàn cầu.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, phụ nữ bị cưỡng bức lao động có xu hướng làm công việc gia đình, trong khi nam giới có khả năng làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Phụ nữ có nhiều khả năng bị cưỡng bức lao động thông qua sự lạm dụng và không được thanh toán tiền lương, trong khi nam giới nhận được các lời đe dọa bạo lực và các hình phạt tài chính.

Tình trạng lạm dụng đẩy nhiều người vào cuộc sống như “nô lệ thời hiện đại” đã xuất hiện dai dẳng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang nghiêm trọng hơn so với 5 năm trước do nhiều yếu tố, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hoành hành kéo dài và các cuộc xung đột vũ trang xuất hiện ngày càng nghiêm trọng cũng như biến đổi khí hậu cực đoan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ